10:50 29/06/2012

Mua nợ xấu không phải là “vỗ béo” các ngân hàng

Ngô Hải

“Ngân hàng thiệt hại thì cổ đông của các ngân hàng cũng thiệt hại, có thể đến khách hàng cũng phải bị thiệt hại”

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: "Tôi đồng thuận với ý tưởng của Ngân hàng Nhà nước trong việc thành lập công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng".
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: "Tôi đồng thuận với ý tưởng của Ngân hàng Nhà nước trong việc thành lập công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng".
“Mua nợ xấu không phải là làm “béo” cho các ngân hàng, mà các ngân hàng có thể bị thiệt hại ở đó”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ như vậy khi nói về kế hoạch lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng.

Ông nói:

- Trước tiên, tôi đồng thuận với ý tưởng của Ngân hàng Nhà nước trong việc thành lập công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Đây là cách duy nhất để xử lý “cục máu đông” đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay mang tầm cỡ quốc gia, nó là một phần của tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc ngành ngân hàng. Chúng ta không thể tái cấu trúc ngành ngân hàng nếu vấn đề nợ xấu không được xử lý một cách quy mô và đại trà ở tầm cỡ quốc gia.

Trong trường hợp Chính phủ để cho các cơ quan mua bán nợ khác như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thực hiện việc mua bán này, thì tôi nghĩ rằng khả năng của họ chưa đủ tầm để xử lý khoản nợ xấu này. Hiện DATC mua nợ của các doanh nghiệp và giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp, họ cũng đã tham dự vào một số trường hợp mua nợ của các ngân hàng nhưng đó chỉ là các khoản nhỏ.

Trên thực tế, nợ của các ngân hàng và nợ của các doanh nghiệp là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Trong khi nợ của các ngân hàng dựa trên cơ sở đánh giá về: sức khoẻ tài chính, phân tích báo cáo tài chính, tín chấp hay thế chấp, các điều kiện cho vay và liên quan rất nhiều đến các vấn đề mà chỉ có ngân hàng mới nắm được vững vàng nhất.

Còn nợ của các doanh nghiệp với nhau chỉ có tính chất là các giao dịch mua bán hàng hoá không có tính chất phức tạp như nợ của các ngân hàng, khi doanh nghiệp không xử lý được các khoản nợ đó thì DATC đến xử lý các khoản nợ đó cho doanh nghiệp. Thành ra, nếu Chính phủ muốn cho DATC trở thành đầu mối xây dựng công ty mua nợ quốc gia tầm cỡ như Ngân hàng Nhà nước đề xuất thì cũng được nhưng cần phải tăng cường điều kiện về nhân lực và vốn cho DATC.

Theo tính toán của tôi, tổng dư nợ hiện tại trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 135 tỷ USD (gần 2,8 triệu tỷ đồng), nếu tính theo con số nợ xấu là 10% như Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thì nợ xấu trong ngân hàng cũng rơi vào 14 tỷ USD (khoảng 280.000 tỷ đồng). Nếu dùng tỷ lệ chiết khấu là 50% thì cần phải có 7 tỷ USD cho việc mua bán nợ này, con số này tôi đưa ra vẫn còn cao hơn so với con số mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra.

Do đó, tôi nghĩ rằng, 5 tỷ USD do Ngân hàng Nhà nước đề xuất dẫu sao đó cũng là một khởi điểm tốt nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề nợ xấu cho toàn thể ngành ngân hàng.

Vấn đề đặt ra ở đây là tiền ở đâu ra để mua nợ xấu trong ngân hàng, 5 tỷ USD, 7 tỷ USD hay một con số nào khác nữa thì tiền đó ở đâu ra. Tôi nghĩ đây là vấn đề làm tất cả mọi người đều bức xúc. Tuy nhiên, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay đang trở thành vấn đề “cha chung không ai khóc”, thành ra nếu Chính phủ không đứng ra và dành một phần tiền từ ngân sách để xử lý vấn đề này thì tôi không biết ai sẽ là người đứng ra để giải quyết được “cục máu đông này”.

Theo tính toán của tôi thì vốn ngân sách Nhà nước ít nhất cũng phải chiếm tới 60% tổng số vốn dự kiến để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải đóng góp vào trong tổng vốn này, vì các ngân hàng chính là người được hưởng lợi trong vấn đề tái cấu trúc nên họ phải trả một cái giá nào đó, họ cũng phải trả giá cho sự quá rộng rãi và hào phóng trong quá khứ...

Theo tôi, nguồn vốn từ các ngân hàng cũng không thể dưới 20% trong tổng số vốn dự kiến. Ngoài ra, tôi cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF... cũng sẽ sẵn sàng giúp Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Cho nên những đóng góp về tài chính của họ là điều chúng ta cũng cần quan tâm.

Trên thực tế, dù mới chỉ là ý tưởng nhưng kể khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra đề xuất về việc thành lập công ty chuyên trách để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đến nay đã có không ít những ý kiến khen có, chê có. Đặc biệt, trong đó có khá nhiều ý kiến bức xúc với đề xuất này khi cho rằng, Chính phủ và người dân không có trách nhiệm phải cứu các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh yếu kém được, không thể lấy tiền thuế của dân ra để cứu những “anh” này...

Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm đó. Phải bỏ ra 5 tỷ USD là một số tiền rất lớn, có lẽ phần lớn số tiền này sẽ đi từ ngân sách nhà nước, giờ lại đi “nuôi béo” cho các “ông” ngân hàng - một trong những người đã gây ra tình trạng nợ xấu cao như hiện nay. Trong những năm qua, các ngân hàng đã quá hào phóng trong việc cho vay mượn, sự hào phóng này đã gây ra hậu quả về nợ xấu như hiện nay, và giờ đây đến lúc Chính phủ và người dân phải giang tay cứu các ngân hàng thì đây là điều bất công với nhiều người.

Tuy nhiên, xét đi cũng phải xét lại. Ở đây, cũng cần phải có những nhìn nhận khách quan xem ai là người có trách nhiệm với nợ xấu. Các ngân hàng dĩ nhiên là có trách nhiệm do họ không kiểm soát rủi ro tốt và quá dễ dãi trong việc thực hiện cho vay. Nhưng ngân hàng cũng không thể tự tạo ra nợ xấu, họ có thể có trách nhiệm trong việc kiểm soát tài sản thế chấp và chặt chẽ trong việc cho vay, nhưng bản chất của nợ xấu là các con nợ đó mất hoặc giảm thiểu khả năng trả nợ cho các ngân hàng...

Chính vì vậy tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là của người đi vay, sau đó là trách nhiệm của các ngân hàng và đâu đó những chính sách của Chính phủ cũng đóng góp vào vấn đề nợ xấu, đó là những vấn đề của chính sách vĩ mô và chính sách tiền tệ (lãi suất cao đã đưa nhiều doanh nghiệp vào trong tình trạng mất khả năng trả nợ)... và hình như tất cả các thành phần trong xã hội đều có trách nhiệm trong việc nợ xấu của các ngân hàng tăng cao. Ngay cả người gửi tiền cũng vậy, do kỳ vọng lãi suất cao nên để huy động được vốn các ngân hàng cũng phải đẩy lãi suất đầu vào lên cao, do đó lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp cũng được đẩy lên cao khiến khó khăn càng thêm khó khăn.

Thực ra, mua nợ xấu không phải là làm “béo” cho các ngân hàng, mà các ngân hàng có thể bị thiệt hại ở đó. Ví dụ 100 tỷ đồng làm sao ngân hàng có thể bán được 100% giá trị, nếu khoản nợ xấu đó nằm trong nhóm 4 thì ngân hàng bán được 50% là may mắn, nếu đó là món nợ nhóm 5 thì ngân hàng chỉ có thể thu hồi được 10-20% giá trị... cái thiệt hại đó chính ngân hàng sẽ phải gánh chịu. Thiệt hại này sẽ ăn vào vốn của các ngân hàng, nếu có trích lập dự phòng rủi ro trước đó thì lượng tiền mặt tổn thất sẽ giảm đi.

Do đó, ngân hàng thiệt hại thì cổ đông của các ngân hàng cũng thiệt hại, có thể đến khách hàng cũng phải bị thiệt hại. Trong trường hợp nếu bán nợ xấu hoặc xử lý nợ xấu đến cuối cùng vốn bị triệt tiêu hoặc thấp quá và đi đến phá sản, thì có thể ngay cả khách hàng của những ngân hàng đó có thể bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, kéo nợ xấu ra khỏi ngân hàng không chỉ giúp ngân hàng mà còn giúp cho nền kinh tế để thanh lọc cơ thể của các ngân hàng trở nên lành mạnh hơn và để cho các ngân hàng tập trung vào giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế. Thật ra, đến thời điểm này cũng khó có thể xác định ai thiệt hại, ai được hưởng lợi nhưng điều chắc chắn rằng nền kinh tế đang cần một hệ thống ngân hàng lành mạnh và phục vụ hữu hiệu cho quốc dân. Đây cũng chính là mục đích tối hậu trong vấn đề xử lý nợ xấu.