07:34 27/06/2012

“Minh bạch nợ xấu là vấn đề rất khó”

Ngô Hải

“Tôi nghĩ rằng, tốt nhất là có ngay một nghị định riêng cho công ty mua bán nợ xấu”

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
“Tôi nghĩ rằng, tốt nhất là có ngay một nghị định riêng cho công ty mua bán nợ xấu”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn chia sẻ như vậy khi nói về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Ông nói:

- Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Còn với thực tế tại Việt Nam hiện nay, thì việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là cần thiết để giúp nền kinh tế giải quyết dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu và lưu thông vốn cho nền kinh tế.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các khoản nợ xấu thông thường đều có tài sản thế chấp. Công ty mua bán nợ sẽ mua lại những khoản nợ đó từ các ngân hàng, có nghĩa các ngân hàng thương mại sẽ chuyển quyền sở hữu các khoản nợ và bán luôn cả tài sản thế chấp sang cho công ty mua bán nợ.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc mua bán này, giá trị các khoản nợ xấu được đem bán đó không phải lúc nào cũng bảo toàn được 100% giá trị.

Công ty mua bán nợ này sẽ mua lại những khoản nợ xấu tại các ngân hàng trên cơ sở đánh giá lại giá trị của các khoản nợ, để tránh rủi ro thì việc định giá các khoản nợ này thường vào khoảng 50-80% giá trị. Dù định giá như vậy nhưng khoản “đầu tư” này có lãi hay không lại phụ thuộc vào giá mua bán tại thời điểm mua nợ và diễn biến của kinh tế vĩ mô.

Nếu kinh tế vĩ mô đi lên thì giá trị của tài sản đó sẽ tăng lên và khả năng thu hồi nợ của công ty mua bán nợ đó sẽ nhanh hơn, như vậy, giá trị của khoản nợ đó cũng sẽ tăng lên và ngược lại.

Một vấn đề cũng đang được không ít người quan tâm, đó là làm sao để đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện mua bán các khoản nợ xấu. Đây là một trong những vấn đề khó, mà làm sao để định giá đúng và minh bạch các khoản nợ xấu sẽ là vấn đề rất khó.

Theo tôi, muốn minh bạch quá trình này cần phải có sự tham gia của các công ty kiểm toán hoặc công ty tư vấn đánh giá lại giá trị tài sản nhưng để đảm bảo yêu cầu định giá đúng và minh bạch thì các công ty này cần hoạt động độc lập, khách quan và có đội ngũ chuyên gia tốt. Một giải pháp nữa để nâng cao tính minh bạch trong quá trình mua bán nợ đó là thành lập một hội đồng thẩm định giá với đầy đủ thành phần các bên có liên quan... khi đó quá trình định giá mới đảm bảo tính minh bạch.

Ngoài ra, để hoạt động hiệu quả thì cần có những văn bản pháp lý đi kèm để khi công ty này ra đời sẽ có ngay hành lang pháp lý hoạt động. Tôi nghĩ rằng, tốt nhất là có ngay một nghị định riêng cho công ty mua bán nợ xấu này, trong đó cần có những quy định cụ thể về: phạm vi hoạt động, quy trình xử lý và mua bán nợ…

Trên cơ sở nghị định đó cũng cần có những thông tư hướng dẫn rõ việc thực thi nghị định, trong thông tư cũng nêu rõ những chế tài quy định: trình tự thủ tục trong vấn đề thành lập hội đồng thẩm định giá hay thuê công ty kiểm toán khi triển khai tư vấn hoặc thậm định giá trị của khoản nợ xấu cần mua, hoặc trong các trường hợp đơn giản thì cũng cần cho phép thoả thuận song phương trong việc mua bán nợ... Đó có thể là những gợi ý giúp tăng tính minh bạch trong quá trình mua bán nợ xấu tới đây.