10:09 23/05/2008

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam trước thách thức

Thùy Trang

Lạm phát cao đang gây ra những tác động bất lợi đối với tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam

Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo.
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo.
Việt Nam đang được nhìn nhận là quốc gia thành công của việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Nhưng trước thực tế lạm phát trong nước đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tác động bất lợi của nó làm thụt lùi tiến trình thực hiện mục tiêu này của Việt Nam.

Trong nửa chặng đường của MDGs, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo từ 58% năm 1993 đã giảm xuống còn 16% năm 2006. Tại buổi công bố “Báo cáo giám sát toàn cầu: các mục tiêu thiên niên kỷ và môi trường” của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Zia Qureshi, tác giả của bản báo cáo đã phải thốt lên rằng đây là thành tựu “đáng kính nể”.

Lạm phát có gia tăng đói nghèo?

Nếu nhìn vào thời gian trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, theo ông Zia Qureshi hoạt động kinh tế của Việt Nam đã đạt hiệu quả tốt và chỉ một số ít các quốc gia trên thế giới theo kịp Việt Nam về mục tiêu cũng như kết quả thực hiện này. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia xuất sắc trong thực hiện mục tiêu về xoá đói giảm nghèo. Trên cơ sở những lĩnh vực Việt Nam đã đạt được trong xoá đói giảm nghèo, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tăng trưởng hơn nữa.

Chính vì vậy, trước thực tế lạm phát đang gia tăng ở Việt Nam ông Zia Qureshi cho rằng cần phải có cái nhìn toàn diện hơn: “Lạm phát là những vấn đề hết sức lo ngại đối với các nhà lập chính sách. Nhưng dựa trên những thành tựu đã có của mình trong vòng 10-15 năm vừa qua thì Việt Nam có điều kiện tương đối thuận lợi để phản ứng lại với tình trạng lạm phát này và tiếp tục con đường tăng trưởng”.

Vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Martin Rama, người đã gắn bó với Việt Nam từ nhiều năm nay thì nhìn nhận: chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam cũng đã bị giảm so với dự kiến trước đây là 8,5%. Tình hình này rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, không nhất thiết phải nói rằng đó là sự thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhưng có thể nó sẽ làm chậm một chút tiến trình này ở Việt Nam. Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận đây là vấn đề phức tạp bởi vì đằng sau nó có ẩn chứa một số vấn đề khác.

Trước hết, lạm phát bị ảnh hưởng cụ thể từ việc giá cả tăng cao và các luồng vốn không được quản lí hiệu quả như trước đây. Ngoài ra, trong trường hợp của Việt Nam, ông Rama đưa ra ví dụ cụ thể để thấy được ảnh hưởng đối với người trồng lúa cũng như tình trạng nghèo ở các vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam.

Theo ông, người sản xuất lương thực nhưng thậm chí lại phải trả nhiều tiền hơn để mua lương thực. Trong một số trường hợp người dân sản xuất ra lương thực nhưng lại vẫn phải tiêu dùng thêm nên vẫn phải mua lương thực với giá cao hơn so với giá người ta sản xuất được.

Ngoài mặt hàng lương thực còn có giá cả của nhiều mặt hàng khác phi lương thực cũng gia tăng như giá đất đai. Cụ thể, nếu sống ở thành thị ngoài việc mua đất, người dân sẽ phải tính vào giá đất đủ các loại giá khác như chi phí đi lại, chi phí dịch vụ... Nếu so sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn, khoảng cách giá cả cũng đang ngày càng tăng cao. Điều đó sẽ dẫn đến bất bình đẳng lớn hơn.

Vì vậy, ông Martin đi đến kết luận lạm phát chắc chắn có ảnh hưởng và cho rằng đây rõ ràng là những thách thức mới mà Việt Nam phải giải quyết trong hoạt động xóa đói giảm nghèo.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng chúng ta không thể né tránh thực tế lạm phát chắc chắn ảnh hưởng tới chỉ tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu MDGs của Việt Nam. “Chỉ trong 4 tháng đầu năm chỉ số giá đã trên 11% có khả năng trong năm 2008 là 20%. Vậy thì chúng ta có đạt được chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo không khi chỉ tiêu này đã bao gồm yếu tố tăng giá trong đó?”, ông Minh nói.

Năm 2007 chỉ tiêu giảm nghèo của chúng ta đạt 14,8%, tuy nhiên trong bối cảnh này, các thảo luận hiện nay của Chính phủ đều khẳng định cố giữ chỉ tiêu năm 2008 là 12%. Bởi vì chỉ tiêu này không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế mà quan trọng hơn là đảm bảo an sinh xã hội.

Đương đầu với thách thức

Trong chương trình nghị sự sắp tới về thực hiện MDGs, báo cáo của WB cho rằng các quốc gia cũng phải có nhiều bước triển khai mới để khuyến khích việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tốt hơn.

Và một trong những vấn đề cụ thể liên quan đến việc đối phó với những thách thức toàn cầu đang diễn ra là biến đổi khí hậu, giá cả gia tăng và khan hiếm năng lượng. Theo ông Hồ Quang Minh, cả 3 vấn đề đó Việt Nam đều đang phải đối mặt. Ông cho biết, trên thực tế, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị.

Theo đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 là kế hoạch đầu tiên lồng ghép cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội và môi trường. Như vậy, các chỉ tiêu MDGs đã được lồng vào các chỉ tiêu hàng năm. Trên thực tế, tới thời điểm 2007, bức tranh của Việt Nam vẫn là lạc quan.

Trong 4 chỉ tiêu không hoàn thành của kế hoạch năm 2007 có chỉ tiêu nông lâm nghiệp, chỉ số giá, tỉ lệ sinh và nhập siêu. Như vậy, chỉ có một chỉ tiêu xã hội là tỉ lệ sinh ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhưng nhìn về 2008 thì rất nhiều thách thức đang đặt ra cho Việt Nam.

Bên cạnh yếu tố lạm phát thì Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nếu mực nước biển tăng lên 1 mét thì sẽ có 10% dân số của Việt Nam hiện đang sống tại vùng duyên hải bị ảnh hưởng và sụt giảm khoảng 10% GDP. Gánh nặng kinh tế về môi trường là rất nặng nề, chiếm từ 1,5-4,5% GDP/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Công Thành cho biết: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang xây dựng Chương trình ứng phó với tình trạng này (bao gồm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu). Chương trình này sẽ hoàn thành vào tháng 8 và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2008.

Liên quan đến nhận xét làm thế nào để Việt Nam quản lí được tài nguyên thiên nhiên của mình, ông Zia Qureshi cũng chỉ ra biện pháp tiết kiệm ròng mà thông qua đó đánh giá sự suy thoái trong quản lí tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở đánh giá đó, báo cáo của WB nhận định Việt Nam đang làm tốt hơn so với một số quốc gia khác: “Cách quản lí tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam so với một số quốc gia khác rõ ràng hướng tới sự bền vững nhiều hơn và có thể tạo ra tiết kiệm ròng lớn hơn đối với các tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng đã có chương trình về bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu cụ thể như quy hoạch sử dụng đất, kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá phát triển nhanh chóng ở Việt Nam”.

“Nếu xem xét toàn bộ các chương trình nghị sự của Việt Nam có vẻ như Việt Nam đang phản ứng tốt hơn so với một số quốc gia khác, thậm chí là nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đương nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn ở trước mắt”, ông Zia Qureshi kết luận.