13:49 18/12/2008

Mục tiêu xuất khẩu lao động 2009: “Nếu quyết tâm thì vẫn hoàn thành”

Lý Hà

Chỉ tiêu 90.000 lao động xuất khẩu trong năm 2009 do Quốc hội giao liệu có thực hiện được?

Chuẩn bị lên đường đi xuất khẩu lao động.
Chuẩn bị lên đường đi xuất khẩu lao động.
Các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam hiện đều gặp khó khăn. Vậy chỉ tiêu 90.000 lao động xuất khẩu trong năm 2009 do Quốc hội giao liệu có thực hiện được?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nói:

- Tình hình chắc chắn có khó khăn, nhưng ta có thuận lợi là có rất nhiều thị trường (hiện ta có khoảng 500.000 lao động làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ). Nếu quyết tâm thì ta vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động của năm 2009.

Để đạt mục tiêu, có nhiều giải pháp, trong đó phải quan tâm tất cả thị trường, từ bình dân đến chất lượng cao. Với thị trường thu nhập không cao như Malaysia thì doanh nghiệp phải chọn hợp đồng tốt, thẩm định kỹ càng và nếu thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi tháng là đi được.

Trong năm 2009, hướng xuất khẩu lao động của ta sẽ chú trọng vào thị trường nào, thưa ông?

Vẫn củng cố, ổn định và nâng cao chất lượng các thị trường đã có, mở rộng mạnh các thị trường mới, nhất là các thị trường cần lao động có tay nghề cao, thu nhập tốt như châu Âu, Bắc Mỹ.

Đặc biệt, năm 2009, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để triển khai đề án xuất khẩu lao động tại 61 huyện nghèo nhất nước, khi đề án này được Chính phủ thông qua.

Bộ có khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới?

Chúng tôi đã khuyến cáo doanh nghiệp phải theo dõi số người đang làm việc để xử lý tốt quyền lợi cho lao động, tránh để họ thiệt thòi. Nếu bạn có chế độ cho người thất nghiệp thì ta phải đấu tranh bằng được.

Với hợp đồng đưa lao động mới thì phải lưu ý thẩm định kỹ hợp đồng, tìm chỗ làm việc ổn định lâu dài, thu nhập khá.

Thời gian qua, các doanh nghiệp có xúc tiến, tiếp cận thị trường châu Âu và chúng tôi nêu rõ quan điểm với doanh nghiệp là cần phát triển từng bước, phát triển dần, chắc chắn.

Thưa ông, hiện có một tình trạng, thị trường bình dân lao động ngại rủi ro không đi. Còn với thị trường cao cấp thì tay nghề lao động không đáp ứng được. Vậy Bộ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ, vẫn phải duy trì và phát triển thị trường bình dân, bởi đối tượng lao động phổ thông, trình độ hạn chế nhưng cần giảm nghèo nhanh của ta còn rất lớn.

Vấn đề là phải tiếp tục lựa được những đơn hàng tốt, đối tác tin cậy để đảm bảo thu nhập, điều kiện làm việc cho lao động, và phải tổ chức quản lý tốt để bảo vệ quyền lợi cho lao động khi có rủi ro hay tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó phải đào tạo một cách bài bản để cung ứng cho các thị trường cao cấp.

Hiện Bộ đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có cơ chế đầu tư cho công tác xuất khẩu lao động. Thực tế là công tác xuất khẩu lao động cho đến nay vẫn chưa có sự đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là việc khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, đầu tư trường nghề.

Doanh nghiệp muốn đầu tư trường nghề cần được vay vốn, ưu đãi vốn và khuyến khích đầu tư để xã hội hóa công tác dạy nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu. Năm nay, Bộ đã thí điểm đào tạo đặt hàng, nếu thành công thì sẽ mở rộng.

Nhìn lại năm 2008, ông đánh giá thế nào về bức tranh xuất khẩu lao động?

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước, chúng ta vẫn hình thành được một hệ thống thị trường xuất khẩu lao động phong phú và đa dạng. Ổn định và phát triển tăng thị phần tại các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Libi... Đặc biệt, tại Hàn Quốc, trong năm 2008, chúng ta đã đưa được 12.000 lao động mới và trên 6.000 lao động được tái tuyển dụng.

Tại Nhật Bản, bên cạnh chương trình hợp tác thông qua các doanh nghiệp, với việc mở thêm một chương trình phi lợi nhuận, theo đó, người lao động không phải chịu chi phí trước khi đi, nâng tổng số tu nghiệp sinh sang Nhật Bản của năm nay lên trên 6.000 người.

Các thị trường như Brunei, Singapore và một số nước khu vực Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia, Oman, Baharain được mở ra. Triển khai thí điểm đưa lao động sang một số thị trường có thu nhập cao như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Phần Lan, Italia và đồng thời đã đưa được lao động sang Liên bang Nga và các nước SNG cũ, Bungari, Slovakia...

Có thể thấy số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đều tăng hằng năm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên xuất khẩu lao động của Việt Nam năm nay cũng bị tác động. Đơn hàng mới tại nhiều thị trường giảm đáng kể. Các thị trường thu hút nhiều lao động thu nhập cao như Hàn Quốc, Malaysia, tốc độ tiếp nhận lao động Việt Nam nói riêng và lao động các nước nói chung là chậm hẳn.

* Năm 2008, cả nước giải quyết việc làm cho 1,35 triệu lao động, trong đó thông qua các chương trình kinh tế xã hội là 1,1 triệu, xuất khẩu lao động 85.000. 4 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam là: Đài Loan (33.000), Hàn Quốc (16.000), Malaysia (7.800) và Nhật Bản (5.800).