22:54 15/12/2008

Xuất khẩu lao động gặp khó vì khủng hoảng

Quỳnh Lam

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động như thế nào tới tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam?

Lao động nghe phổ biển quy chế trước lúc làm thủ tục xuất cảnh - Ảnh: Quỳnh Lam.
Lao động nghe phổ biển quy chế trước lúc làm thủ tục xuất cảnh - Ảnh: Quỳnh Lam.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động như thế nào tới tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam?

Ảnh hưởng từ chính sách cắt giảm việc làm

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong năm 2009, toàn thế giới sẽ cắt giảm khoảng 210 triệu chỗ làm. Đáng chú ý, các lĩnh vực cắt giảm lao động chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, chế tạo, dịch vụ, những lĩnh vực lâu nay vốn là thế mạnh của lao động xuất khẩu Việt Nam.

Đưa ra thông tin về việc đã có hàng ngàn lao động Philippines mất việc ở Đài Loan trong thời gian gần đây, và rất nhiều người trong số đó đã phải về nước, ông Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định chắc chắn Việt Nam cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực tương tự, và thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đứng trước khả năng dần bị thu hẹp.

Chung nhận định trên, ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng, nguy cơ nhiều lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn trong năm 2009 là khó tránh khỏi.

Theo ông Hòa, sắp tới, ban quản lý lao động ngoài nước đóng tại các thị trường lao động, sẽ họp để bàn về tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài, chính sách cắt giảm việc làm của nước sở tại để biết chính xác sẽ có bao nhiêu lao động phải về nước do phía các công ty cắt giảm nhân công… để từ đó bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Cạnh tranh và chuyển hướng

Nhiều doanh nghiệp cho biết, năm 2008 là một năm khá vất vả đối với công tác xuất khẩu lao động.

Nhiều hợp đồng xuất khẩu lao động từ đối tác nước ngoài đã bị thu hẹp về số lượng tuyển dụng. Những thị trường mà số lượng vẫn ổn định thì lại có xu hướng giảm lương. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các công ty cung ứng lao động cũng trở nên gay gắt hơn.

Có doanh nghiệp phải duy trì hoạt động bằng  những đơn hàng ít ỏi, có doanh nghiệp đã phải chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác như  du lịch, du học, đầu tư vào xây dựng, bất động sản…

Theo ông Đoàn Đại Thành, Phó giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Sona), mới đây nhiều doanh nghiệp tại Malaysia đã thu hẹp sản xuất và kết thúc sớm hợp đồng với lao động Việt Nam. Vài chục lao động của công ty ông đi được hơn một năm đã phải về nước trước thời hạn vì ít việc làm, thu nhập thấp.

Đấy là chưa kể đến việc thị trường truyền thống này đã không còn sức hấp dẫn. Trước đây, thị trường này đã từng tiếp nhận đến 30.000 lao động/năm thì 11 tháng đầu năm 2008, thị trường này chỉ tiếp nhận hơn 7.000 lao động.

Thị trường Đài Loan năm nay vươn lên đứng đầu về khả năng tiếp nhận (đã đưa trên 30.000 người), nhưng mấy tháng cuối năm lại có dấu hiệu chững lại. Lý do là nhiều doanh nghiệp sản xuất ngưng trệ, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ công xưởng. Lao động Việt Nam tại đây cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.

* Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, 11 tháng đầu năm, cả nước đã đưa được 78.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan 30.000 người, Malaysia 7.000, Hàn Quốc 14.000, Nhật Bản 5.200, Ma Cao 2.800, Ả rập Xê út 2.700 và các thị trường khác là 15.700 người. Mục tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là 90 nghìn người.