“Muốn tăng GDP, phải đẩy mạnh xuất khẩu”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thương mại toàn quốc, tổ chức hôm qua (1/2)
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thương mại toàn quốc, tổ chức hôm qua (1/2).
Theo Thủ tướng, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% trong năm nay thì tăng trưởng xuất khẩu phải đạt từ 17,5% trở lên. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của 20 năm đổi mới có sự đóng góp to lớn của ngành thương mại.
Năm 2006, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 8,7%, cao thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, với mức kim ngạch đạt 39,6 tỉ USD, lĩnh vực xuất khẩu đã đóng góp hơn 60% trong tổng GDP.
Thủ tướng cho rằng, nếu như xuất khẩu năm vừa qua không đạt mức tăng trưởng 22% thì không có mức 8,7% về tăng trưởng GDP.
“Đúng như Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói, chưa có một nhà kinh tế nào đưa ra được hệ số cụ thể về mối liên hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng GDP. Nhưng suốt 10 năm nay, qua theo dõi, tôi nhận thấy rằng, muốn có GDP tăng ở mức này thì xuất khẩu phải tăng gấp đôi trở lên”, Thủ tướng nói.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% như Chính phủ đề ra, năm 2007, Bộ Thương mại cho rằng, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khó ở mức dưới 20%, nghĩa là phải đạt mức 47,5 tỉ USD, tăng thêm khoảng 8 tỉ USD, cao hơn so với yêu cầu của Chính phủ.
Tăng thêm 8 tỉ USD vào đâu?
Theo số liệu của Bộ Thương mại, trong gần 40 tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm ngoái thì có đến 14 tỉ USD thuộc các mặt hàng nông sản, dầu thô và than đá, còn lại 26 tỉ USD là thuộc các mặt hàng khác như dệt may, thủy sản, da giày...
Bộ Thương mại dự đoán, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, trong đó chủ yếu là dầu thô và than đá, sẽ chỉ bằng 90% so với năm 2006 do sản lượng khai thác lẫn giá đều giảm. Như vậy, nghĩa là mức 14 tỉ USD còn khó duy trì nói gì đến chuyện tăng hơn.
Đối với mặt hàng nông sản, trong năm nay, mặt hàng này được cả giá lẫn lượng. Tuy nhiên, khả năng tăng sản lượng và tăng giá thêm nữa của nông sản không nhiều, mặc dù nhiều mặt hàng như gạo, cà phê vẫn giữ được mức giá cao.
Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định, muốn tăng thêm 8 tỉ USD nữa chỉ có thể tăng ở các mặt hàng thủy sản và công nghiệp. Ngoài ra, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu phải đạt bình quân là 4 tỉ USD. Trong tháng 1 vừa qua, theo ước tính sơ bộ của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,3 tỉ USD, vẫn thấp hơn so với mức bình quân đặt ra.
Đối với nhóm hàng thủy sản và công nghiệp, theo Bộ trưởng, có hai hướng để đẩy mạnh tăng trưởng: thứ nhất là tăng xuất khẩu các mặt hàng mà sản xuất trong nước tăng và có thị trường; thứ hai là mở rộng và tìm kiếm các thị trường mới.
Cụ thể, Bộ đề ra mục tiêu gia tăng xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày và thủy sản. Theo đó, Bộ đã đặt mục tiêu tăng kim ngạch của các ngành này như sau: dệt may đạt 7,3-7,4 tỉ USD, tăng 27%; da giày là 4,3 tỉ USD, tăng 21%; thủy sản đạt 3,75 tỉ USD, tăng 11,5%.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, hiện đang có danh mục “các mặt hàng khác” nhưng lại chiếm tỉ trọng đến 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 6 tỉ USD). Vì vậy, cần phải xác minh rõ đó là nhóm hàng nào để có phương án hỗ trợ và phát triển. Riêng với "các mặt hàng khác", trong năm 2007, Bộ dự đoán, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD, tăng 50% so với năm 2006.
Về thị trường, Bộ Thương mại cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông.