13:49 05/08/2008

“Năm 2010 sẽ có luật kiểm toán độc lập”

T.Linh - X.Vũ

Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán nói về tiến độ thực hiện dự án luật kiểm toán độc lập

Ông Bùi Văn Mai.
Ông Bùi Văn Mai.
Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) nói về tiến độ thực hiện dự án luật kiểm toán độc lập.

Vai trò của các tổ chức, chuyên gia nước ngoài trong việc soạn thảo dự án luật này ở mức độ nào, thưa ông?

Từ đầu năm 2008 đến nay, Hợp phần 4 của dự án ETV2, giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Châu Âu cho Việt Nam (bao gồm kế toán, kiểm toán và bảo hiểm - PV) đã tập trung vào hỗ trợ việc soạn thảo luật kiểm toán độc lập.

Các chuyên gia nước ngoài đã giới thiệu kinh nghiệm tổ chức hoạt động kiểm toán của một số nước, tổ chức tọa đàm trao đổi giữa chuyên gia Việt Nam và chuyên gia nước ngoài về kiểm toán độc lập ở các nước; tài trợ và hỗ trợ dịch một số luật kiểm toán độc lập của một số nước tương đồng sang tiếng Việt.

Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài cũng góp phần cập nhật sự thay đổi của một số chuẩn mực kế toán mới, phức tạp như chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, chuẩn mực về hợp nhất kinh doanh, chuẩn mực kế toán về thuế thu nhập doanh nghiệp, chuẩn mực về tổn thất tài sản và lập báo cáo tài chính quốc tế, để trong một chừng mực nào đó xem xét và áp dụng vào Việt Nam.

Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện dự án luật kiểm toán độc lập?

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ban soạn thảo và tổ biên tập đã được thành lập vào tháng 5/2008.

Trước khi thành lập Ban soạn thảo, chúng tôi đã tổng kết 17 năm hoạt động kiểm toán độc lập, từ 1991 đến 2008; đưa ra những vấn đề cần bổ sung để đưa vào dự thảo luật kiểm toán độc lập; dịch 18 luật kiểm toán của nước ngoài ra tiếng Việt để tham khảo; sưu tầm các văn bản pháp luật của Việt Nam có nói về kiểm toán độc lập, như Luật Ngân hàng, Luật Doanh nghiệp...; soạn tờ trình Chính phủ, trình Quốc hội và đã xây dựng được đề cương sơ bộ đưa ra dự thảo lần thứ nhất của luật kiểm toán độc lập.

Lần thảo luận mới đây của ban soạn thảo và tổ biên tập vào cuối tháng 7 cũng đưa ra lịch trình: Trong năm 2008 sẽ hoàn thành dự thảo lần thứ 3, năm 2009 sẽ hoàn thiện dự thảo lần thứ 5-6, đến tháng 11/2009, dự thảo sẽ trình Quốc hội lần thứ nhất và năm 2010 sẽ hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, đưa lên mạng lấy ý kiến của toàn dân.

Dự kiến đến tháng 5/2010, dự thảo luật kiểm toán độc lập sẽ được Quốc hội thông qua.
 
Vừa qua, có doanh nghiệp đã công bố tới hai bản báo cáo tài chính đã kiểm toán với kết quả trái ngược nhau, như trường hợp Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết. Quan điểm của ông như thế nào? Vai trò kiểm tra kiểm soát của các cơ quan quản lý sẽ thực hiện ra sao trong Dự thảo Luật?

Trách nhiệm về thẩm tra báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán của các công ty niêm yết thuộc về Ủy ban Chứng khoán, còn các công ty khác là thuộc Bộ Tài chính.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán của một doanh nghiệp vẫn có khả năng khác nhau, tùy thuộc vào cách tính và quan niệm trong lúc thực hiện các chế độ kế toán bởi quy định thì rõ ràng nhưng lúc thực hiện là vận dụng nên sẽ tùy thuộc vào người thực hiện cụ thể.

Còn về vai trò quản lý của Nhà nước, dự thảo sẽ tập trung vào việc ban hành văn bản pháp luật, tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các Hội nghề nghiệp kế toán-kiểm toán, coi đây là một sự hỗ trợ cho quản lý Nhà nước bởi đây là một lĩnh vực hành nghề độc lập. Sẽ có những điều khoản quy định về vai trò, vị trí, chức năng của Hội, những lĩnh vực cụ thể có thể hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, về mặt nghề nghiệp vẫn là Bộ Tài chính quản lý, về cá nhân những kiểm toán viên với tư cách là hội viên của hội nghề nghiệp sẽ do hội quản lý, kiểm soát. Bản thân doanh nghiệp kiểm toán cũng là một loại hình doanh nghiệp nên nó cũng chịu sự quản lý của các ngành khác.
 
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, vậy yếu tố nước ngoài trong hoạt động kiểm toán trong dự thảo Luật được quy định ra sao?

Về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam gần như đã mở cửa hoàn toàn từ sau Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện chỉ còn một số rất ít hoạt động thuộc dạng có điều kiện và chưa được công nhận như dịch vụ qua biên giới.

Tuy nhiên, dự thảo luật kiểm toán độc lập sẽ đưa vấn đề dịch vụ qua biên giới vào thảo luận. Nếu thấy chấp nhận được ở mức độ nào thì đưa vào ở mức độ đó.

Trong dự thảo luật kiểm toán độc lập cũng sẽ bãi bỏ quy định kiểm toán viên người nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải cư trú ít nhất là 1 năm tại Việt Nam, chỉ cần có chứng chỉ hành nghề của Việt Nam, không quy định về thời hạn cư trú tối thiểu.
 
So với những văn bản hiện nay về kiểm toán, đối tượng phải thực hiện việc kiểm toán bắt buộc trong dự thảo luật kiểm toán độc lập liệu có được mở rộng?

Vấn đề kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp hiện nay đã có quy định, bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang hình thức cổ phần, mua bán doanh nghiệp Nhà nước, tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tất cả các công ty cổ phần niêm yết, các công ty đại chúng, các tổ chức tài chính, các công trình xây dựng loại A trở lên...

Tuy nhiên, trong dự thảo luật kiểm toán độc lập sẽ mở rộng hơn đối tượng phải kiểm toán bắt buộc. Chẳng hạn như các nước có quy định là các doanh nghiệp hoạt động có một mức vốn điều lệ hoặc mức doanh thu tối thiểu nào đó sẽ phải kiểm toán bắt buộc.

Đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc trong luật dự kiến cũng sẽ mở rộng theo hướng đó.