09:32 02/03/2007

Năm lĩnh vực sẽ nóng lên trong năm 2007

Những dự báo và nhận định của Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự về kinh tế Việt Nam năm 2007

Ông Lương Văn Tự (ngoài cùng bên phải) tại lễ ký kết chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2006.
Ông Lương Văn Tự (ngoài cùng bên phải) tại lễ ký kết chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2006.
Những dự báo và nhận định của Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự về kinh tế Việt Nam năm 2007.

Theo ông, lĩnh vực kinh tế nào sẽ nóng lên trong năm nay và ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam?

Tôi cho rằng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục nóng lên, hy vọng tỷ lệ tăng trưởng sẽ là 20-30% so với năm trước. Thứ hai là thị trường tài chính sẽ sôi động, cụ thể là thị trường chứng khoán và việc mua bán cổ phần của các doanh nghiệp.

Thứ ba, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên - đây là hệ quả tích cực từ thị trường trên. Thứ tư, hoạt động xuất khẩu sẽ được mở rộng với mức tăng dự kiến thấp nhất là 20%.

Và thứ năm, lượng khách du lịch sẽ đến Việt Nam nhiều hơn với mức tăng dự kiến trên 10% so với năm ngoái, tất nhiên là với điều kiện ngành hàng không chấm dứt được các sự cố như trong thời gian qua.

Với tư cách là người trực tiếp đi đàm phán các cam kết với quốc tế và cũng đã theo dõi ngành thương mại nhiều năm, ông nhận thấy những chuyển động nào trên thị trường là đáng chú ý nhất trong thời gian qua?

Chuyển động lành mạnh của thị trường là đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng nhanh, qua đó xuất khẩu cũng tăng, khiến nhập siêu giảm dần.

Tuy nhiên bên cạnh yếu tố tích cực, việc thị trường chứng khoán tăng quá nóng, người dân đầu tư theo phong trào, thiếu hiểu biết là vấn đề cần được quan tâm kỹ. Nếu Nhà nước không quản lý tốt và cảnh báo đầy đủ sẽ lặp lại tình trạng thời kỳ đầu mở cửa của thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Lâu nay khi nói về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) người ta thường nói về việc mở cửa thị trường trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài, ít chú ý tới việc doanh nghiệp trong nước sẽ ra nước ngoài làm ăn ra sao. Ông nhận định thế nào về điều này?

Đúng là doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp nên có chiến lược dài hơi cho các thị trường như Lào, Campuchia và các nước ASEAN vì đến năm 2013 thuế suất hầu hết các mặt hàng, kể cả nhóm nhạy cảm và loại trừ hoàn toàn, đều xuống mức 0-5%. Khi đó thị trường ASEAN sẽ là bình thông nhau về hàng hóa.

Trung Quốc cũng là thị trường khổng lồ, ngoài hoạt động buôn bán biên mậu, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhằm cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối nội địa của Trung Quốc. Đối với các nước châu Phi, nhu cầu hàng hóa cũng rất lớn nhưng phải có cách làm mới như lập doanh nghiệp ngay tại đó. Thị trường Đông Âu cũng vậy, chúng ta cần mạnh dạn đầu tư các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng ngay tại các nước này.

Theo ông, trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đâu sẽ là những công việc cần được Chính phủ ưu tiên nhất trong năm nay?

Để cải cách nền hành chính, Quốc hội dự kiến sửa và xây dựng 100 luật và pháp lệnh trong giai đoạn 2005-2010. Liên quan đến việc gia nhập WTO, Việt Nam đã đăng ký sửa và xây dựng 26 luật và pháp lệnh. Tính đến ngày gia nhập tổ chức này (7-11-2006) chúng ta đã sửa đổi và xây dựng xong 25 luật và pháp lệnh. Như vậy nước ta đã có được hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với quy định của WTO trước khi gia nhập.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận cuối cùng trước khi gia nhập, Việt Nam còn phải sửa thêm ba luật nữa bao gồm Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu; các điều 52 và 104 của Luật Doanh nghiệp và một điều quy định về tội vi phạm bản quyền trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, chúng ta phải tiếp tục rà soát và điều chỉnh các văn bản dưới luật và đây là một khối lượng công việc rất lớn trong năm nay và những năm tới.

Mới đây, Việt Nam đã bắt đầu đàm phán một hiệp định kinh tế thương mại mới với Nhật Bản, được đánh giá là còn sâu rộng hơn cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường. Theo ông, đây có phải là việc mà Việt Nam sẽ đẩy mạnh trong những năm tới?

Chúng ta đã hoàn tất phiên đàm phán thứ nhất Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Hiệp định này nhằm giúp tạo môi trường tốt hơn để tăng cường buôn bán với Nhật. Nhật Bản hiện là đối tác ODA và là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, ngược lại họ cũng coi Việt Nam là thị trường chiến lược của Nhật ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục tham gia vòng đàm phán Doha, đàm phán với các đối tác đang xin gia nhập WTO, với các nước đang phát triển về ưu đãi thuế quan toàn cầu.