Nan giải chuyện nuôi gấu trái phép
Gấu nuôi nhốt trái phép khi nào sẽ được đưa về cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt trong điều kiện không đảm bảo?
Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo đã hoàn thành, tất cả đã sẵn sàng chờ tiếp nhận gấu. Thời gian qua, có khá nhiều cá thể gấu không gắn chíp điện tử bị nuôi nhốt trái phép đã bị phát hiện.
Nguồn gấu cần cứu hộ đã có, thế nhưng vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là những cá thể gấu nuôi nhốt trái phép khi nào sẽ được đưa về cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt trong điều kiện không đảm bảo, một số cá thể gấu đã chết...
Nằm giữa Vườn Quốc gia Tam Đảo, Trung tâm Cứu hộ gấu rộng 1,2ha, do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã châu Á phối hợp với Cục Kiểm lâm xây dựng, vừa mới tổ chức lễ khánh thành ngày 7/4/2008.
Theo ông Nguyễn Sĩ Hà, cán bộ của Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo, toàn bộ công trình được đầu tư số vốn hơn 10 tỷ đồng, với công năng cứu hộ động vật thuộc hàng hiện đại nhất thế giới, thiết kế tương tự như mô hình ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Bao giờ gấu được cứu hộ?
Ông Vương Quốc Chiến, Hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) cho biết: việc nuôi nhốt gấu hiện nay đều là hậu quả từ nhiều năm trước. Căn cứ vào đặc tính và trạng thái thân thể của chúng cho thấy tất cả những con gấu này đều không phải do mới được săn bắt từ rừng trong thời gian gần đây, mà đã có thời gian nuôi nhốt 10-20 năm.
Nếu tịch thu rồi đem thả về rừng, chúng sẽ chết vì đã mất những tập tính hoang dã, không thể tự tìm kiếm thức ăn. Nếu xử lý vi phạm bằng cách tiêu hủy gấu, tức là trái với tiêu chí bảo tồn vật nuôi hoang dã. Những chủ nuôi gấu đã khai thác mật trong suốt nhiều năm, vì vậy việc phải tiếp tục nuôi gấu mà không được khai thác, coi như đó là “hình phạt”, để họ đền bù cho những gì đã làm.
Dù Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo đã hoàn thành, nhưng khi nào và những trường hợp gấu nuôi được đưa về đây chăm sóc, đến giờ vẫn chưa được các cơ quan chức năng quyết định.
Vụ việc 80 con gấu không có chíp điện tử được phát hiện tại Quảng Ninh vào cuối năm 2007. Trong tháng 3 mới đây các cơ quan chức năng phát hiện thêm gấu nuôi trái phép không chíp cũng tại địa phương này là đối tượng cần phải cứu hộ ngay. Về mặt nguyên tắc thì gấu nuôi trái phép sẽ bị Nhà nước thu hồi. Hiện tại, tất cả số gấu này vẫn đang được “niêm phong” tại chỗ, chờ các cơ quan chức năng đưa ra phương án xử lý!
Ông Vương Quốc Chiến cho biết: tính đến hết năm 2005, cả nước có hơn 4.000 cá thể gấu đã được gắn chíp để quản lý giám sát. Gắn chíp điện tử cho gấu chỉ nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý gấu nuôi, chứ không phải để công nhận những cá thể gấu nuôi đó là hợp pháp.
Tuy nhiên từ đó đến nay, các cơ quan chức năng vẫn liên tục phát hiện thêm nhiều vụ việc gấu nuôi chưa được gắn chíp điện tử. Rất nhiều gấu gắn chíp đã chết, hầu như những trường hợp này chỉ được chủ nuôi khai báo khi gấu đã chết và đã tự ý xử lý.
Trách nhiệm kiểm tra thuộc về cơ quan nào?
Thực tế trách nhiệm quản lý gấu nuôi nhốt thuộc thẩm quyền các địa phương. Cục Kiểm lâm là cơ quan giám sát, tư vấn, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chung về động vật hoang dã trong đó có loài gấu.
Hiện kiểm lâm địa phương vẫn phải theo dõi giám sát số gấu nuôi trái phép đã phát hiện. Chậm xử lý ngày nào là khó khăn cho lực lượng kiểm lâm ngày đó, kèm theo là hàng loạt vấn đề phát sinh rất phức tạp. Thực tế công tác giám sát, ngăn chặn hiện trạng khai thác, di chuyển gấu không dễ dàng.
Theo ông Vương Quốc Chiến: Hội Bảo vệ động vật thế giới đang tiếp tục trợ giúp lực lượng kiểm lâm quản lý gấu nuôi nhốt, với chương trình nâng cao năng lực giám sát gấu, thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2008 đến năm 2010.
Các nội dung triển khai là: xây dựng phần mềm giám sát gấu nhằm giúp ngành kiểm lâm cập nhật được thông tin về gấu nuôi nhốt; phổ biến pháp luật chính sách, tuyên truyền cho các chủ nuôi gấu; tìm ra các giải pháp, sáng kiến để quản lý gấu nuôi tốt hơn.
Theo quy định, đối với động vật hoang dã thuộc nhóm IB (động vật nguy cấp), những loài vật nào có thể sinh sản được trong điều kiện nuôi nhốt, thì sẽ được phép gây nuôi, và đời F2 sẽ được phép khai thác sử dụng hoặc kinh doanh. Vì sao các cơ quan chức năng không xem xét khả năng sinh sản của gấu nuôi nhốt để cho phép gây nuôi hợp pháp?
Các nhà khoa học về động vật hoang dã đã khẳng định: nuôi gấu khai thác mật đã làm mất khả năng sinh sản của chúng. Hiện chưa có thông tin về việc gấu có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt như hiện nay, có chăng thì phải trong môi trường bán hoang dã và các điều kiện về thức ăn... đi kèm, vì vậy mọi hành động nuôi gấu đều là bất hợp pháp.
Với hơn 80 cá thể gấu không có chíp nuôi nhốt tại Quảng Ninh, bao giờ xử lý và xử lý như thế nào, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của một số loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm của Việt Nam đang là câu hỏi cần sớm trả lời.