09:07 01/09/2009

Nâng cao chất lượng giáo dục: Đột phá từ đổi mới quản lý

Vũ Vũ

Nhiều vấn đề lớn của nền giáo dục Việt Nam đã được bạn đọc lên tiếng và mong được người đứng đầu ngành giáo dục giải đáp

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện nhân tại buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: Chinhphu.vn
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện nhân tại buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: Chinhphu.vn
Khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đào tạo.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với bạn đọc cả nước trước thềm năm học mới trong buổi đối thoại trực tuyến chiều 31/8.

VnEconomy tổng hợp lại một số "chất vấn" được cho là nóng nhất đã được người đứng đầu ngành giáo dục giải đáp.
   
Khâu nào then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục?

Xin Phó thủ tướng cho biết kết quả của cuộc vận động “2 không”? Kết quả của thi tốt nghiệp THPT năm học 2008 - 2009 có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hiện nay? (Phạm Đức Tài - Nam 33 tuổi - làm ruộng)

Kì thi 2006 - 2007, xã hội rất bức xúc trước nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, như: bắc thang vào ném bài thi hoặc gây mất trật tự an ninh quanh khu vực thi. Khi thí sinh thi xong thì phòng thi trắng tài liệu...
 
Trước thực trạng đó, Ban cán sự Đảng của Bộ đã đột phá là nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
 
Chúng tôi có báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng có Chỉ thị số 33 là ngành giáo dục phải tập trung vào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Khi khởi động quá trình này chúng tôi mong muốn cho học sinh hiểu rằng năng lực làm người sẽ tương đương với tấm bằng đó. Phải tập trung cho năng lực thật. Kết quả thi cử không phải là con đường phát triển lâu dài.
 
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 33, tình hình có chuyển biến rõ rệt. Nếu năm 2007 ngành giáo dục  mở cuộc thi tốt nghiệp nghiêm túc và tuyên bố chấp nhận kết quả thật thì có 2.560 học sinh vi phạm quy chế thì đến năm 2009 số em bị đình chỉ còn 299 em giảm 88% so với năm 2007. Tỷ lệ giáo viên vi phạm từ 35 xuống còn 3 giáo viên.
 
Năm 2008, tỷ lệ bỏ học khoảng 147 ngàn học sinh, sang năm 2009 giảm còn 86 ngàn học sinh, giảm 41%.
 
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2008 là 76%. Sau đó 2009 tăng 83,8% mỗi năm tăng như vậy là thực tế đáng mừng. Chúng ta đã lập lại ý thức kỷ cương trong học tập.
 
Kết quả thi cử năm 2009 cơ bản là phản ánh đúng thực chất. Mỗi năm tỷ lệ tốt nghiệp tăng xấp xỉ 10% đến năm 2010 đạt 90%/ 4 năm nỗ lực tối đa để trở thành tỷ lệ tốt nghiệp gần như cũ.
 
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, theo Phó thủ tướng, chúng ta cần giải quyết khâu nào là then chốt mang tính chất quyết định? (Nguyễn Văn Nam - Nam 54 tuổi - Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự).

Hoạt động giáo dục đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên, xác định mục tiêu chương trình giáo dục, kế đó là hệ thống sách giáo khoa, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, tiếp theo là lực lượng đội ngũ giáo viên gồm cả quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó là phương thức tài chính cho giáo dục (Nhà nước tài trợ như thế nào, đóng góp của người dân đến đâu). Điều rất quan trọng là sự quản lý của Nhà nước đối với chất lượng giáo dục.

Vừa qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, đạt được những thành tựu rất đáng kể, quy mô, chất lượng đều tăng. Nhưng chất lượng giáo dục hiện nay chính là vấn đề lớn nhất mà người dân và ngành giáo dục quan tâm.

Xét về phương diện lịch sử, muốn quản lý chất lượng giáo dục chúng ta còn cần dựa vào những chỉ số về chất lượng và giám sát chỉ số đó. Để làm được điều này, chúng ta cần những cơ quan chuyên trách. Đến năm 2004, trong Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng giáo dục. Vì vậy, từ 1975-2004, công tác quản lý chất lượng nói chung tuy được quan tâm nhưng chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của các vụ thuộc Bộ. Trả lời câu hỏi này cần các cơ quan chuyên trách nhưng cơ quan chuyên trách lại không có.

Từ 2004 đến nay, chúng ta có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng và từ 2008 đến nay, 63 tỉnh, thành đã có phòng khảo thí và đánh giá chất lượng. Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng, đó là coi quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước trong quản lý giáo dục. Đáp số là chúng ta phải có cơ quan chuyên trách.

Vấn đề thứ hai, để đảm bảo chất lượng như đã nêu cần chuẩn hóa: Chuẩn hóa về chương trình, chuẩn hóa về sách giáo khoa, chuẩn hóa đội ngũ thầy cô giáo, chuẩn hóa phương tiện đào tạo. Đặc biệt càng ngày chúng ta càng cần chuẩn hóa công tác quản lý. Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đào tạo.

Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược giáo dục. Gần đây, chúng ta đã có quy hoạch phát triển giáo dục Đại học 2005-2020 được Thủ tướng phê duyệt. Còn chung toàn ngành, chúng ta có Chiến lược giáo dục 2000 - 2010. Song song với việc đó, cần xây dựng hệ thống các quy chế quản lý giáo dục: Mở trường như thế nào? quy chế hoạt động của các loại trường? nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên? nhiệm vụ của hiệu trưởng?

Tiếp theo là phân cấp,  Bộ Giáo dục và Đào tạo làm gì, các sở  làm gì, các trường làm gì? Gần đây là việc chúng ta đã huy động sự tham gia giám sát của học sinh, phụ huynh và đặc biệt là của xã hội vào việc quản lý chất lượng giáo dục. Có thể nói, chọn khâu đột phá chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ triển khai các biện pháp khác mà ngành giáo dục đang làm như tiếp tục hoàn thiện chương trình sách giáo khoa. Với giáo dục đại học, các địa phương cần rà soát chương trình, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, công bố chuẩn đào tạo của từng trường. Gắn theo đó là công khai hoạt động nhà trường. Từ năm 2009, ngành giáo dục thực hiện 3 công khai tại tất cả các bậc học.

Mỗi cơ sở giáo dục phải công khai cam kết chất lượng của mình. Học sinh ở từng bậc học ra có những kỹ năng, kiến thức, hành vi gì, làm được gì, phát triển tiếp như thế nào. Đánh giá chất lượng thực tế có một chỉ tiêu: Các trường đại học, cao đẳng phải công bố sinh viên của mình sau 1 năm tốt nghiệp có bao nhiêu phần trăm có việc làm, bao nhiêu phần trăm làm đúng nghề.

Công khai thứ hai là công khai nguồn lực: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ công tác giảng dạy.

Công khai thức ba là tình hình tài chính ở đơn vị mình.

Tóm lại, đổi mới quản lý chính là khâu đột phá trong đó bên cạnh giải pháp lâu dài, cần chọn giải pháp trước mắt cho từng thời kỳ.
 
Học sư phạm ra trường khó xin việc?

Nhà cháu có 2 anh em, anh cháu tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, cháu tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội khoa Sinh. Bố mẹ chúng cháu làm nông nghiệp nuôi 2 anh em đã vất vả lắm rồi, khi ra trường tưởng xin việc đơn giản vì 2 ngành này nhà nước luôn cần, nhưng qua tìm hiểu xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Xin Bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường? (Bùi Thị Quỳnh - Nữ 25 tuổi - Giáo Viên)
 
Cháu tốt nghiệp Đại học Y, chưa có việc làm tại Hà Nội, nếu có thể đến vùng khó khăn, miền núi… chắc chắn có nhiều nơi rất cần. Đối với giáo viên cũng vậy.
 
Tuy nhiên, hiện tượng giáo viên khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội.
 
Từ năm học này, ngành giáo dục có chủ trương trong 3 năm tới, các sở giáo dục phải quy hoạch lại nhu cầu giáo viên, tiến hành đào tạo theo đặt hàng  cho các trường đại học, cao đẳng. Liên quan tiến tới ngành giáo dục phải đào tạo theo đúng nhu cầu cho địa phương, từ thực tiễn đó tổng hợp lại để có dự báo cho nhu cầu đào tạo của trường.
 
Anh chị em nào vừa qua đào tạo hệ sư phạm, nhưng thực tế ở ngành đó địa phương không có nhu cầu, chúng ta có thể học bổ túc chuyển đổi sang  bằng 2. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện đào tạo 3 năm đầu là khoa học cơ bản, năm thứ tư đào tạo chuyên ngành mới quyết định chuyển hệ sư phạm hay kỹ sư. Những người này nếu học sư phạm, 3 năm đầu  kiến thức kỹ thuật vẫn có thể làm cử nhân kỹ sư kỹ thuật, một thời gian nếu thấy không có điều kiện, có thể quay lại xin học bổ túc để lấy bằng 2, lúc đó vẫn có thể có thể phát huy nền tảng. Nếu một cơ quan có kỹ sư làm kỹ thuật lại học sư phạm, có thẻ giúp đào tạo kỹ sư cho công ty.
 
Tôi có cô em họ có bằng đại học loại giỏi, đồng thời là thủ khoa của Đại học SPHN, vậy mà đi xin việc thật khó khăn. Bộ trưởng có biện pháp nào để trọng dụng những thủ khoa như vậy không? ( Đỗ Huy - Nam 27 tuổi - giáo viên)
 
Trước hết chúc mừng anh có một người em tốt nghiệp thủ khoa. Đấy là một niềm tự hào của bản thân cũng như của gia đình. Tuy nhiên có thể thủ khoa ở một ngành, hoặc bậc học mà chúng ta vừa trao đổi, thì có thể ở địa bàn thuận lợi đã có đủ giáo viên rồi thì chúng ta phải chấp nhận công việc ở một địa bàn khác. Đây cũng là bài học là chúng ta học xong đại học mới bắt đầu đi tìm việc làm, và trong lĩnh vực đại học cũng như dạy nghề. Bộ Giaos dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng đến giải pháp là những người học đại học ngay khi học xong một nửa thời gian đào tạo, phải xúc tiến khả năng tìm, chọn được việc làm thích hợp. Như vậy sự chủ động của người học nghề, học đại học, cao đẳng được tìm nghề là rất quan trọng, tự tìm và tự tiếp thị cho mình trong chuyện này. Còn như trường hợp của cháu thì đồng chí Phó Cục trưởng Cục nhà giáo vừa trao đổi, sẽ làm vai trò cầu nối cho cháu tìm được nơi làm việc cho phù hợp nhất trong hoàn cảnh chung hiện nay.

Chính sách cho giáo viên được nhiều người quan tâm
 
Đề án cải cách lương cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao giờ được thực thi? (Trần Văn Nam - 32 tuổi)

Trong đề án Chính phủ trình Quốc hội đổi mới cơ chế tài chính, thể hiện giáo dục là quốc sách của xã hội, qua thảo luận Quốc hội đã biểu quyết là sắp tới trong giai đoạn 2011-2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo. Như vậy phụ cấp nhà giáo sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. Chúng tôi coi đây là giải pháp nằm trong kế hoạch triển khai tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên tăng trưởng kinh tế thay vì 8-9% chỉ đạt trên dưới 5% do đó mức độ và tiến độ của việc thực hiện thâm niên sẽ được quyết định cụ thể trong thời gian 2009-2014 ở thời điểm phù hợp.

Còn đối với cán bộ quản lý, Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt là nếu thầy cô giáo dạy giỏi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở phòng giáo dục, sở giáo dục thì sẽ được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm mặc dù là không còn dạy nữa.

Hiện nay trên thực tế tình trạng đội ngũ giảng viên trẻ, có sức khoẻ, đạo đức, năng lực chuyên môn tốt ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đang có xu hướng chuyển sang các ngành nghề, lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Vậy theo Bộ trưởng trong năm tới cần phải có những giải pháp gì để thực sự đội ngũ trí thức, đặc biệt giới trẻ gắn bó, yêu nghề, tâm huyết phục vụ cho ngành giáo dục đào tạo Việt Nam? (Vương Thanh Tú - Nam 35 tuổi - giảng viên)
 
Đây là câu hỏi rất đáng quan tâm, người ta chọn nghề đều có nhiều yếu tố, có yếu tố là do sở thích, ví dụ những người chọn nghề nhạc thì phải thích nhạc mới chọn nghề nhạc chứ không phải vì muốn có thu nhập cao, nhưng còn yếu tố thứ hai là cần có thu nhập cao vì vậy khi chọn nghề cụ thể, tùy mỗi người tự quyết định sự ưu tiên này, ví dụ nếu chọn nghề giáo thì phải có niềm đam mê, yêu thích nghề giáo trước đã, còn  nếu chỉ vì thu nhập thì chọn nghề giáo đi dạy không chỉ có vui, giả sử có trả lương rất cao nhưng không thích làm nghề giáo chưa hẳn đã có thu nhập cao. Mặt khác, chính sách nhà nước, cũng cần tạo đủ sự hấp dẫn để nhiều người yêu thích nghề giáo. Hiện nay, phục vụ chủ trương này, Bộ Giáo dục đào tạo đã có chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước và nước ngoài, đặc biệt đào tạo nước ngoài Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Như vậy Nhà nước đã có chính sách cụ thể để phát triển năng lực nghề nghiệp của nghề giáo.
 
Về mặt thu nhập, Nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách, bên cạnh việc tăng lương nói chung, sắp tới sẽ thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo, ở những đơn vị trường cao đẳng, đại học có những nghiên cứu khoa học, thông qua hoạt động này, các Nhà giáo sẽ có thêm thu nhập khi có những giải pháp kỹ thuật, sáng chế. Và cuối cùng là việc tôn vinh về mặt xã hội, khi chúng ta công hiến tốt, có sự trân trọng của học trò, của phụ huynh, danh hiệu của Nhà giáo các  bậc, đây cũng là sự  động viên của nghề giáo.  
 
Chúng tôi là giáo viên vùng cao đã công tác được trên 5 năm. Xin hỏi Bộ trưởng khi có nhu cầu chuyển công tác về gần địa phương mình sinh sống, đối tượng như chúng tôi có được ưu tiên gì không cho những năm tháng đã tham gia phục vụ giáo dục miền núi.Xin Bộ trưởng trả lời cụ thể bởi đây là bức xúc của 1 bộ phận không nhỏ cán bộ giáo viên trong ngành. (Dương Trung Thành - Nam 26 tuổi )

Đây cũng là bức xúc hiện nay của chính lãnh đạo ngành giáo dục, đào tạo. Trong khoảng 10 năm qua Chính phủ đã có chủ trương đưa giáo viên mới ra trường lên công tác ở vùng khó khăn (nam 5 năm, nữ 3 năm), sau đó tạo điều kiện cho họ trở về nơi thuận lợi hơn ở quê cũ. Một số tỉnh đã làm được điều này, nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện tốt, nên thực tế hiện nay có nhiều giáo viên trên 10 năm chưa được trở về.
 
Vừa qua chúng tôi đã giao cho Cục Nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Tổ chức cán bộ khảo sát vấn đề này tại 4 tỉnh thuộc vùng khó khăn để từ đó có đề án. Việc này có những phức tạp, như khi đưa về địa phương cũ hoặc địa phương thuận lợi hơn thì các trường ở địa phương đã có đủ giáo viên, như vậy  không thể đưa ngay lập tức, phải báo trước để có thời gian chuẩn bị. Thứ hai là, khi đưa các thày cô từ vùng núi trở về, thì phải có các thày cô mới đã sẵn sàng lên vùng khó khăn. Đồng thời phải rà lại chính sách áp dụng đối với các giáo viên khi trở về.
 
Hiện nay ngành diáo dục và đào tạo có đề xuất chính sách: Thông thường sau 15-20 năm công tác có cống hiến tốt thì được tặng Kỷ niệm chương của  ngành Giáo dục. Năm vừa rồi có đề xuất, ở vùng khó khăn 1 năm được tính bằng 1,5 hoặc 2 năm, tùy điều kiện để sau này khen thưởng xứng đáng hơn. Những chính sách khác Bộ đang nghiên cứu.
 
Đề án đang trong quá trình soạn thảo nhưng tinh thần là những người gốc từ đâu đi, khi muốn trở về thì Sở giáo dục đào tạo ở tỉnh đó phối hợp Sở Nội vụ phải đón về.

Học phí, ngân sách cho giáo dục cũng “nóng”

Em được biết học phí năm 2009 sẽ cao hơn mọi năm. Vậy em xin hỏi tại sao đất nước Cuba còn khó khăn hơn nước ta mà còn miễn học phí cho học sinh, sinh viên. Ở nước ta học phí không được miễn giảm hoàn toàn mà lại ngày càng thay đổi theo hướng tăng? (Nguyễn Văn Tuấn - Nam 17 tuổi)
 
Rất hoan nghênh câu hỏi của em, nhưng trong câu hỏi có một số nội dung không chính xác đó là hiện nay không phải học phí của chúng ta ngày càng tăng. Vừa rồi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính, khẳng định: với giáo dục phổ thông, việc đóng học phí là phù hợp khả năng chi trả tức là những người nghèo, phần dành cho con em đi học ví dụ một tháng không đủ dành vài chục nghìn để mua quần áo sách vở, diện đó hoàn toàn không phải đóng học phí, không phải chỉ miễn mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sách vở đi học.
 
Đây là chính sách mới, không phải miễn mà còn cho thêm để đi học. Còn những hộ ở đô thị có thu nhập tương đối cao thì sau trước vẫn đóng nhiều hơn nhưng theo nguyên tắc là không gây khó khăn về chi trả. Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm. Ví dụ như vừa qua Quốc hội đề xuất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đối với vùng miền núi, có trường công lập rồi mà gia đình vẫn không đủ tiền cho con đi học thì nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ toàn bộ.

Ngoài ngân sách trung ương chi cho giáo dục được Quốc hội thông qua hàng năm thì ở địa phương ngân sách của tỉnh, huyện, xã có quy định chi cho giáo dục đào tạo không? Vì có nhiều địa phương ngân sách địa phương chi chogiáo dục đào tạo gần bằng 0%, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn? (Trần Văn Hạnh - Trường THCS Dương Đông 1, Phú Quốc, Kiên Giang)

Thực ra ngân sách chi cho giáo dục không chỉ có ở Trung ương mà hàng năm khi Quốc hội thông qua đều ghi rất rõ phần chi của địa phương là bao nhiêu và chuyển về cho địa phương. Quốc hội đã quy định rõ về tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục ở địa phương vì vậy không thể không có chuyện không có ngân sách giáo dục của địa phương.

Khảo sát, thực tế cơ sở nhận ra nhiều điều hay
 
Từ khi ở cương vị Bộ trưởng, ông đã đi khảo sát, thực tế việc quản lý, dạy và học tại các trường chưa? Bộ trưởng có thấy tình hình thực tế tại các trường này có như trong báo cáo của cấp dưới gửi lên không?(Nguyễn Xuân Thiện - Nam 28 tuổi - Giáo viên trung học)

Ở cương vị Bộ trưởng, đối tượng tôi phải quan tâm gồm nhiều cấp. Đề theo sát tình hình địa phương, chúng tôi phân công trong Bộ, mỗi thứ trưởng phụ trách một vùng trong cả nước, gồm khoảng 10-15 tỉnh. Tôi phụ trách miền Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh, cụm 5 thành phố. Mỗi quý 1 lần dự sinh hoạt trao đổi công việc với các giám đốc sở.
 
Cấp trường, mỗi lần tới địa phương, chúng tôi thường tìm gặp các thầy cô hiệu trưởng các trưởng tại tỉnh đó, trao đổi khoảng 2 tiếng, nêu hoạt động trong nhà trường, đánh giá chủ trương của Bộ và các vấn đề đặt ra. Đây là việc hết sức bổ ích, giúp nhận thức tiềm năng cũng như yếu kém trong quản lý giáo dục.
 
Chúng tôi dành nhiều thời gian nhất cho 2 cấp này. Tuy nhiên, cũng phải tới thị sát tại trường, dự giờ học. Cách đây 2 ngày tôi có đến làm việc tại Bạc Liêu, Cà Mau tìm hiểu thực tế các em đang suy nghĩ về nhà trường, công việc. Tôi chứng kiến lễ trao xe đạp cho học sinh nghèo đi xa, học sinh lớp 7,8, các em rất nhỏ, qua đây mình mới nhận thức tỷ lệ suy dinh dưỡng cả nước trong đó học sinh trên dưới 10%, nhưng có những vùng rất cao. Như vậy, ngoài "3 đủ” do ngành đề ra là tất cả học sinh đi học đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở, thì tôi thấy chúng ta còn phải chống suy dinh dưỡng.
 
Khi dự giờ chúng tôi thấy, có thầy giáo dạy môn giáo dục công dân lớp 7 rất sinh động có những tài liệu cụ thể, sinh động...
 
Tuy nhiên, cũng có nơi, giảng viên dạy có đèn chiếu, nhưng hầu như không tạo thời gian đối thoại giữa sinh viên và giáo viên, tài liệu tham khảo còn khá cũ. Thông qua thực tiễn đối với cá nhân tôi ở các cấp như vậy, cơ bản lãnh đạo Bộ và tôi cảm thấy mình nắm được thực tiễn, tôi thấy học thêm được rất nhiều từ thực tiễn.. Nắm được thực tiễn, giúp mình thấy yên tâm hơn trong công việc, qua đó cũng kiểm tra được sự chỉ đạo.
 
Qua việc bám sát cơ sở, đi thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có việc giống như mình dự kiến, có việc dở nhưng cũng có nhiều việc hay hơn mình cần tiếp thu để hoàn thiện việc chỉ đạo, điều hành.
 
Với cương vị dẫn dắt nền giáo dục Việt Nam, tiêu chí làm việc của Bộ trưởng là gì?(Mạnh Đức - Nam 37 tuổi)
 
Tôi mới nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ GDĐT được hơn 3 năm, vì vậy kinh nghiệm chưa nhiều. Tôi nghĩ, làm Bộ trưởng có sứ mạng quan trọng chăm lo cho lớp trẻ lớp thanh niên của Việt Nam, đây là trọng trách lớn và cũng rất vinh dự vì vậy phải cống hiến hết mình cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, và toàn thể ngành giáo dục chung tay gánh vác sự nghiệp lớn này.
 
Hiện nay, nước ta bước vào thời  điểm hội nhập cạnh tranh toàn cầu, càng đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh. Chúng tôi thấy sứ mạng của ngành càng lớn hơn, chỉ có một quyết tâm lớn, đồng thuận thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cao cả đó.
 
Dân tộc Việt Nam có truyền thống vừa đánh giặc mấy nghìn năm đấu tranh và xây dựng đất nước, trong đó có truyền thống hiếu học đây là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam, nó không phải là tiền mà là tinh thần, là gia đình hiếu học, là tài trợ của doanh nghiệp, của mọi người dân, ngành giáo dục luôn luôn biết, không khác gì, là tinh thần, là gia đình học,
 
Tôi tin rằng, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm thì không có lý gì lại không xây dựng được đất nước văn minh, hiện đại. Một phần quan trọng trong sự nghiệp đó là đóng góp của các thầy cô giáo và các em học sinh.
 
(Theo Chính phủ.vn)