11:41 14/05/2009

Đổi mới cơ chế tài chính: Học phí sẽ không còn là gánh nặng?

Nguyên Hà

Xung quanh đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2012"

Một số vị đại biểu Quốc hội góp ý, học phí dạy nghề không nên tăng nhiều.
Một số vị đại biểu Quốc hội góp ý, học phí dạy nghề không nên tăng nhiều.
Rất quan trọng, chuẩn bị công phu, nhiều điểm mới… là nhận xét chung của nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2012", chiều 13/5.

Tuy nhiên, đi vào từng nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra và một số vị đại biểu đều lo ngại rằng các mức học phí đều quá cao và lộ trình thực hiện chưa thực sự phù hợp.

Dù trước đó, khi trực tiếp trình bày đề án, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân hơn một lần nhấn mạnh, đây không phải đề án tăng học phí. Theo đề án này, học phí sẽ không còn là gánh nặng với người dân nữa.

Phân bổ ngân sách bằng… kinh nghiệm

Theo đánh giá của Chính phủ, cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời bao cấp. Việc quản lý ngân sách cho giáo dục và đào tạo rất phân tán, không đánh giá được hiệu quả.

Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục và đào tạo chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu cơ sở khoa học xây dựng mức chi và đơn giá chuẩn. Chế độ học phí 11 năm không thay đổi, trong khi đó mức giá tiêu dùng 8 năm nay đã tăng 1,62 lần.

Do vậy, việc đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đào tạo  trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết.

Theo dự thảo đề án, cơ chế tài chính được đổi mới từ phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước cho các mục tiêu của giáo dục đào tạo; xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục; chính sách học phí và hỗ trợ người học; chính sách đối với giáo viên; giám sát tài chính giáo dục…

Về nhu cầu đầu tư cho giáo dục đào tạo giai đoạn 2008 - 2012, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đạt 21% vào năm 2015.

Học phí mới có thể gây sốc

Một trong những nội dung quan trọng của đề án này là sửa đổi chế độ học phí của các trường công lập theo hướng: mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của hộ gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Mức học phí do ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và thu nhập của hộ gia đình trên địa bàn.

Mức học phí đối với đào tạo công lập (dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) từng bước đảm bảo chi thường xuyên của các nhóm ngành, về lâu dài tiến tới phải đảm bảo chi phí đào tạo.

Theo đó khung học phí đại học của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2008 – 2012 từ 200.000 -  800.000 đồng. Đối với trung cấp nghề và cao đẳng nghề có khung học phí từ 200.000 - 700.000 đồng. Mức học phí đối với đào tạo không chính quy được quy định không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và ngành nghề đào tạo.

Riêng chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm hiện nay dự kiến sẽ được thay bằng chính sách tín dụng sinh viên. Theo đó, sinh viên sư phạm vay vốn tín dụng để đóng học phí, sau khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đại học, cao đẳng) và 3 năm (trung cấp chuyên nghiệp), Nhà nước sẽ xóa nợ (cả gốc lẫn lãi).

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phân tích, với những sửa đổi như trên thì “bản chất là thu nhiều hơn từ xã hội nhưng người dân thấy dễ chịu hơn, công bằng hơn”.

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng  các mức học phí đều quá cao, khó có thể được xã hội đồng thuận. Vì, mức sống của dân ta còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi phân tích,  6% là mức chi trả khá cao  trong nhóm các nước mới phát triển; còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2% - 10%. Như vậy, đối với nước ta, nếu lấy mức 6% sẽ là quá cao. Vì đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn.

Theo ủy ban này, một nội dung có tính nguyên tắc là mức học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo. Khung học phí trong đề án có biên độ rất rộng, đề nghị chia thành các mức nhỏ hơn tương ứng với các mức chất lượng khác nhau và chỉ cho phép các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí ở mức tương ứng với chất lượng đã được kiểm định công nhận.

Đồng tình với việc cần thiết tăng học phí, song một số ý kiến cho rằng cần có lộ trình và mức độ hợp lý để tránh gây sốc, bởi khoảng cách giữa mức học phí hiện hành với khung học phí dự kiến là quá lớn. Cần thực hiện tăng dần theo từng năm học, mỗi năm chỉ nên tăng khoảng 30-40%.

“Học phí nên tính toán lại chứ không thể cao như dự thảo”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: Đề án chỉ đưa ra một phương án tính học phí và dường như cho rằng đó là tối ưu, thế có phương án khác không? Nếu miễn toàn bộ học phí cho vùng nông thôn có được không.Theo quan điểm của ông thì cần bao cấp mạnh mẽ cho y tế và giáo dục và rất muốn miễn toàn bộ học phí cho nông thôn.

Cân nhắc thời điểm áp dụng

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng đề nghị Chính phủ cân nhắc thời gian thực hiện đề án, tối thiểu cũng phải kéo dài 5 năm và thời điểm bắt đầu thực hiện nên từ năm học 2010 - 2011. Bởi 2009 vẫn còn trong thời kỳ suy giảm kinh tế, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian chuẩn bị từ nay đến đầu năm học mới là quá gấp.

Hầu hết các ý kiến thảo luận cũng đều e ngại về đề xuất thực hiện đề án này từ năm học tới. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quôc Hiển cho rằng cốt lõi của đề án này là vấn đề học phí, nhưng nếu đưa ra cũng không khả thi hoặc trở thành sức ép.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, song Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: học phí quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong 8 nội dung của cơ chế tài chính được nêu trong đề án xin cho làm 7 nội dung còn lại trước, còn học phí thì làm sau.

Ông cũng đề nghị một giải pháp quá độ là giữ nguyên học phí phổ thông, còn học phí đào tạo tăng 50% so với mức mất giá từ năm 2000 đến nay đối với mức trần học phí hiện hành (từ 180.000 đồng tăng lên 235.000 đồng).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ tiếp thu những ý kiến đóng góp, bổ sung thêm một số phương án, những ý kiến còn khác nhau để chuyển cho các vị đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để xem xét đề án này.