NATO “phản pháo” vụ Nga tuyên bố tăng vũ khí hạt nhân
“Đây không phải là cách hành động của những quốc gia hạt nhân có trách nhiệm”, chỉ huy NATO nói về việc Nga bổ sung thêm 40 tên lửa hạt nhân
Việc Nga tuyên bố bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào kho vũ khí hạt nhân của nước này không phải là hành vi đáng được kỳ vọng từ một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm - chỉ huy tối cao lực lượng đồng minh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, phát biểu ngày 17/6.
Trước đó, hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố kế hoạch triển khai vũ khí mới nói trên, khiến mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây vốn dĩ đã xuống thấp vì cuộc khủng hoảng Ukraine lại càng thêm phần căng thẳng.
“Đây không phải là cách hành động của những quốc gia hạt nhân có trách nhiệm”, ông Breedlove nói với hãng tin Reuters trong chuyến thăm Ba Lan.
“Những lời hùng biện làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề hạt nhân khong phải là hành vi có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tìm cách đề nghị những nước như vậy xử lý vấn đề vũ khí loại này một cách có trách nhiệm hơn”.
Ngay sau khi tuyên bố của Putin được đưa ra ở Moscow, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 16/6 đã cáo buộc Nga dùng hạt nhân để “dọa nạt”, miêu tả tuyên bố của người đứng đầu điện Kremlin là “gây bất ổn và nguy hiểm”.
Phát biểu với Reuters ngày 17/6, ông Stoltenberg nói Nga đang đầu tư mạnh vào các năng lực quân sự mới, bao gồm hạt nhân.
“Họ đang huấn luyện thêm lực lượng hạt nhân và họ cũng đang dùng những tuyên bố mạnh miệng về hạt nhân như một phần trong chiến lược của mình”, Tổng thư ký NATO nói.
Tuyên bố về bổ sung tên lửa hạt nhân đạn đạo xuyên lục địa được Putin đưa ra sau khi giới chức Mỹ nói Washington có kế hoạch đưa vũ khí hạng nặng tới một số nước Đông Âu và Baltic. Moscow đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, thậm chí là một cuộc chiến tranh lạnh mới nếu kế hoạch của Mỹ được thực thi.
Khi được hỏi liệu Macedonia và Montenegro có nên được mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh này ở Warsaw vào năm tới, ông Breedlove nói các nước này đã sẵn sàng vào NATO về mặt quân sự, nhưng quyết định có mời họ hay không lại mang tính chính trị.
Macedonia và Montenegro muốn theo chân Albania và Croatia, hai nước vào NATO từ năm 2009. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng nói rằng hai nước này nên được mời gia nhập NATO vào năm 2016.
Tuy vậy, Nga phản đối bất kỳ sự mở rộng
nào của NATO về phía các nước ở phía Đông và Đông Nam châu Âu. Khu vực này được
xem là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược quyết liệt giữa Moscow
với phương Tây kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Chính cuộc tranh giành ảnh hưởng này cũng chính là vấn đề cốt lõi trong cuộc khủng
hoảng đang diễn ra ở Ukraine, một nước thuộc Liên Xô cũ.