11:56 11/06/2015

Giáo hoàng giục Putin giải quyết khủng hoảng Ukraine

An Huy

Giáo hoàng chào nhà lãnh đạo Nga bằng một từ tiếng Đức ngắn ngủi: “Willkommen”

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 10/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 10/6 - Ảnh: Reuters.<br>
Với thái độ nghiêm nghị, Giáo hoàng Francis ngày 10/6 đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện “nỗ lực lớn và chân thành” để lập lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.

Hãng tin Reuters cho biết, người đứng đầu tòa thánh Vatican và ông chủ điện Kremlin đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 50 phút nhân chuyến thăm của Putin tới Italy.

Trong cuộc gặp, Giáo hoàng và Tổng thống Nga nhất trí sự cần thiết phải tái tạo môi trường đối thoại cho vấn đề Ukraine cũng như thực thi thỏa thuận hòa bình ký kết ở Minsk, nhằm chấm dứt giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy thân Nga.

Cuộc gặp cho thấy Giáo hoàng Francis đang ngày càng tích cực sử dụng vai trò của mình cho các mục đích ngoại giao. Năm ngoái, chính Giáo hoàng là người đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ xa cách giữa hai cựu thù Mỹ và Cuba.

Bị nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) “xa lánh” sau vụ sáp nhập Crimea vào năm ngoái, Tổng thống Putin được tiếp đón bằng những nghi thức đầy đủ và trang trọng nhất ở Vatican.

Tuy vậy, Giáo hoàng Francis - người luôn tỏ thái độ vui vẻ với các nhà lãnh đạo thế giới khi họ bước chân vào phòng làm việc của ông - dường như cứng nhắc và nghiêm nghị quá mức khi chào nhà lãnh đạo Nga bằng một từ tiếng Đức ngắn ngủi “Willkommen” (“xin chào”). Cả Giáo hoàng và Tổng thống Nga cùng im lặng cho tới khi các nhà báo xuất hiện.

Ngôn từ trong tuyên bố của tòa thánh Vatican về cuộc gặp giữa Giáo hoàng Francis và ông Putin cũng cho thấy, Giáo hoàng đã giữ thái độ cứng rắn với Tổng thống Nga trong cuộc hội đàm trong phòng kín. Từ “thân mật” vốn được sử dụng trong gần như tất cả các tuyên bố của Vatican về cuộc gặp của Giáo hoàng với các nhà lãnh đạo thế giới đã không xuất hiện trong tuyên bố này.

Trước đó, trong ngày 10/6, Đại sứ Mỹ tại Vatican Ken Hackett đã kêu gọi tòa thánh chỉ trích mạnh mẽ hơn nữa sự dính líu của Nga đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Có vẻ như Nga đang ủng hộ những kẻ nổi dậy và lính Nga đang có mặt ở Ukraine”, ông Hackett nói.

Đến nay, Moscow vẫn cương quyết phủ nhận những cáo buộc của phương Tây về việc cung cấp vũ khí và binh lính để hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của điện Kremlin nói với các phóng viên rằng những gì mà ông Hackett nói là nỗ lực “không thể chấp nhận được” nhằm gây ảnh hưởng lên chủ quyền của các quốc gia khác.

Theo tuyên bố của Vatican, Giáo hoàng nói với Putin rằng việc giải quyết “tình hình nhân đạo nghiêm trọng” ở Ukraine, cho phép hàng hóa viện trợ đi tới các khu vực xung đột, và giảm dần căng thẳng ở khu vực này là những việc vô cùng quan trọng.

Giáo hoàng Francis tỏ thái độ thân mật hơn một chút ở phần chụp ảnh chung và tặng quà sau cuộc trao đổi riêng với Tổng thống Nga. Các phóng viên đã nghe thấy Giáo hoàng nói với Tổng thống Nga về sự cần thiết về “hòa bình vượt lên mọi cuộc chiến tranh” và “sự đoàn kết giữa các dân tộc”.

Cuộc gặp giữa Putin và Giáo hoàng diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Nga có cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Matteo Renzi ở Minlan. Trong cuộc gặp giữa ông Putin và ông Renzi, Thủ tướng Italy hầu như không phát tín hiệu nào cho thấy sẽ bất đồng với Liên minh Châu Âu (EU) trong vấn đề trừng phạt Nga.