15:58 15/06/2009

Netbook, bé hạt tiêu

Kiều Oanh

Liệu netbook sẽ chỉ là một thứ mốt nhất thời, hay là tương lai của ngành sản xuất máy tính cá nhân?

Người mẫu giới thiệu các sản phẩm netbook mới tại triển lãm công nghệ thường niên Computex diễn ra mới đây ở Đài Loan.
Người mẫu giới thiệu các sản phẩm netbook mới tại triển lãm công nghệ thường niên Computex diễn ra mới đây ở Đài Loan.
Thời gian qua, nhiều người đặt câu hỏi, liệu netbook - loại máy tính xách tay kích thước nhỏ và có giá rẻ - sẽ chỉ là một thứ mốt nhất thời, hay là tương lai của ngành sản xuất máy tính cá nhân?

Câu trả lời chính xác nhất có lẽ là cả hai.

Sau một thời gian nổi như cồn, netbook đang ít nhiều bị lấn sân bởi hàng loạt thiết bị công nghệ mới như máy tính bảng (tablet) hay những chiếc điện thoại thông minh có tính năng chẳng kém cạnh gì máy tính cá nhân. Tuy nhiên, ý tưởng mà netbook chứa đựng - rằng sự kết nối gần như không có gián đoạn với Internet cho phép những công nghệ đơn giản lên ngôi - đang dẫn tới những thay đổi chóng mặt ở phương diện kinh tế của ngành sản xuất máy tính cá nhân.

Netbook “thiên biến vạn hóa”

Ý tưởng về những chiếc máy tính xách tay đơn giản và giá rẻ không phải là chuyện gì mới. Ngay từ những năm 1990, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của không ít những nỗ lực bất thành trong việc sản xuất những chiếc máy tính như vậy. Các nhà sản xuất máy tính lớn khi đó đã từ bỏ ý tưởng này do lo ngại những chiếc máy giá “bèo” có thể gặm mất doanh số của những sản phẩm máy tính xách tay truyền thống.

Vào năm 2005, một quỹ từ thiện mang tên One Laptop Per Child (Mỗi trẻ em một máy tính xách tay) đã thiết kế một chiếc máy tính cực rẻ dành cho các nước đang phát triển. Thiết kế này sau đó đã tạo nguồn cảm hứng cho hãng máy tính Asus của Đài Loan cho ra lò chiếc Eee PC. Chiếc netbook này chính thức có mặt trên thị trường vào cuối năm 2007, với giá 250 USD/chiếc.

Thời thế tạo anh hùng. Chỉ vài tháng sau đó, khủng hoảng tài chính lộ diện. Cùng lúc, Intel cũng bắt đầu tung ra loại bộ vi xử lý mới với giá rẻ và có khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao với cái tên Atom. Tới cuối năm 2008, Asus đã tiêu thụ được gần 5 triệu chiếc Eee PC và mọi đối thủ của hãng cùng chạy đua chế tạo netbook nhằm không bỏ lỡ cuộc chơi.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, tổng cộng, 21 triệu chiếc netbook sẽ được đưa ra thị trường trong năm nay, gần gấp đôi so với con số của năm 2008 và nhiều hơn 15% so với toàn bộ số laptop được đem ra bán.

Trong bối cảnh mức độ phổ biến của netbook ngày càng gia tăng, các nhà sản xuất đã dần nâng cấp những chiếc netbook của họ.

Chiếc Eee PC đầu tiên của Asus là một thiết bị đơn sơ với màn hình rộng có 7 inch, bàn phím bé tẹo và chip flash thay cho ổ cứng. Chiếc máy này chạy hệ điều hành miễn phí Linux. Tuy nhiên, người tiêu dùng, đặc biệt ở các thị trường giàu có, cần nhiều hơn thế.

Đáp ứng nhu cầu này, tại triển lãm công nghệ Computex vào đầu tháng 6 vừa qua ở Đài Loan, một loạt netbook mới đã ra mắt. Những chiếc netbook này đã được “lên đời”, với màn hình rộng ít nhất 10 inch, bàn phím rộng rãi, ổ cứng có dung lượng tương đối, đồng thời chạy hệ điều hành Windows XP. Nhiều mẫu netbook đã có giá bán lên tới 600 USD/chiếc.

Các thiết bị khác trưng bày tại Computex còn bao gồm các mô hình “thiết bị internet di động” - một dạng thiết bị lai giữa điện thoại thông minh và netbook. Ngoài ra còn có “net-top” (máy tính để bàn mini) hay thiết bị “tất cả trong một” với màn hình cảm ứng thay cho bàn phím, có thể treo trên các vật dụng khác chẳng hạn như tủ lạnh…

“Ngành máy tính cá nhân rốt cục sẽ mô phỏng những gì đã xảy ra trong ngành công nghiệp ô tô. Sẽ có những sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu và mọi sở thích”, ông Ranjit Atwal, một nhà phân tích của hãng Gartner, nhận định.

Sức mạnh của netbook

Dù netbook có “thiên biến vạn hóa” ra sao, lý thuyết tồn tại phía sau chúng vẫn còn đó: Những chiếc máy tính không cần thiết phải được “nhồi nhét” những công nghệ đình đám mới nhất một khi đã được kết nối tốc độ cao với những dịch vụ công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) có sẵn trên mạng.

Tại Computex, các hãng máy tính đã trưng bày những thiết bị có sẵn WiMax, một công nghệ mới cho phép kết nối không dây tốc độ cao mọi lúc mọi nơi. Chính sự phối hợp giữa kết nối và công nghệ điện toán đám mây đã giúp netbook và các thế hệ sau của chúng có sức “công phá” mãnh liệt hơn vào thị trường.

Một số nhà cung cấp dịch vụ mạng di động trên thế giới đã đề nghị cung cấp netbook miễn phí cho người sử dụng dịch vụ đăng ký hợp đồng băng thông rộng di động. Điều này sẽ gây áp lực mạnh hơn với giá netbook, do các nhà cung cấp dịch vụ mạng có sức mạnh mặc cả cao hơn rất nhiều so với người tiêu dùng cá nhân, nhưng đồng thời cũng sẽ mở ra một kênh phân phối khổng lồ mới cho các nhà sản xuất.

Quan trọng hơn, netbook và các thiết bị tương tự có thể làm suy yếu Microsoft và Intel, hai “gã khổng lồ” từ lâu vẫn thống trị ngành công nghiệp máy tính và giành về mình phần lớn lợi nhuận trong lĩnh vực này.

Để loại hệ điều hành Linux ra khỏi phần lớn những chiếc netbook hiện nay, Microsoft đã phải giảm giá hệ điều hành Windows XP từ mức 40-45 USD mỗi bản sao xuống còn 10-15 USD. Cùng với sự đi xuống nói chung trên thị trường máy tính cá nhân, việc giảm giá này lý giải tại sao lợi nhuận của Microsoft giảm gần 1/3 trong quý 1 năm nay. Nhằm thu lời nhiều hơn từ hệ điều hành cho netbook, Microsoft đã đưa ra phiên bản tối giản của Windows 7 - hệ điều hành mới mà hãng dự kiến cho ra mắt chính thức vào tháng 10 năm nay.

Ngược lại, Intel tới thời điểm này đã được lợi khá nhiều từ cơn sốt netbook, vì netbook đã mở ra một thị trường khổng lồ cho bộ vi xử lý Atom của hãng. Intel khẳng định, việc netbook bán chạy như tôm tươi chẳng hề “ăn” vào doanh số các sản phẩm chip khác của hãng như người ta vẫn lo ngại, và cũng không hề gây áp lực gì lên tỷ suất lợi nhuận dày dặn của hãng, do chi phí để sản xuất Atom rẻ hơn.

Tuy nhiên, Atom đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi những loại bộ vi xử lý do một công ty của Anh quốc có tên ARM thiết kế. Những con chip này đã được sử dụng trong phần lớn các sản phẩm điện thoại di động của thế giới. Nhiều nhà sản xuất máy tính cá nhân của Đài Loan đang chế tạo một thiết bị giống như netbook, sử dụng bộ vi xử lý ARM và chạy hệ điều hành mã nguồn mở Android mà Google dành cho điện thoại di động thông minh.

Tại triển lãm Computex, Acer tuyên bố hãng sẽ sử dụng Android cùng với một con chip của Intel. Các nhà sản xuất máy tính khác được dự báo sẽ áp dụng hướng đi tương tự. Intel cũng đang nỗ lực để đưa ra một phiên bản khác của hệ điều hành Linux với tên gọi là Moblin.

Bất chấp mối quan hệ đối tác với Microsoft, Intel có vẻ như chẳng mấy quan tâm tới chuyện netbook dùng hệ điều hành nào, miễn là con chip của hãng được sử dụng trong đó.

(Theo Economist)