15:57 09/06/2009

Xa vời như máy tính màn hình cảm ứng

Mai Phương

Vì một số rào cản, máy tính màn hình cảm ứng sẽ không sớm tạo ra được một trào lưu lớn như được kỳ vọng

Tính chung, máy tính màn hình cảm ứng chỉ chiếm 1% số máy tính được tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu.
Tính chung, máy tính màn hình cảm ứng chỉ chiếm 1% số máy tính được tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu.
Công nghệ màn hình cảm ứng đang làm mưa làm gió trên thị trường hàng điện tử tiêu dùng, khi mà các thương hiệu công nghệ ráo riết chạy đua theo chiếc iPhone của Apple.

Tuy nhiên, những lời đồn đoán về không ít sản phẩm công nghệ dùng màn hình cảm ứng mới, nhất là trên thị trường máy tính cá nhân, sẽ chỉ là sự thổi phồng quá đáng. Vì một số rào cản, máy tính màn hình cảm ứng sẽ không sớm tạo ra được một trào lưu lớn như được kỳ vọng trong thế giới công nghệ.

Rào cản công nghệ

Những hãng sản xuất điện thoại và máy tính hàng đầu như Nokia, Research in Motion (RIM), Hewlett-Parkard (HP) và Asustek thời gian qua đều đã cho ra lò những sản phẩm sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng. Các hãng này đều nuôi tham vọng sẽ dẫn đầu trào lưu mà họ cho sẽ là xu hướng lớn tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ.

Giới quan sát kỳ vọng, hệ điều hành thế hệ mới Windows 7 mà Microsoft sắp tung ra sẽ thúc đẩy loại công nghệ màn hình cảm ứng tiến xa hơn. Dự kiến, Windows 7 sẽ đem tới những hỗ trợ đưa loại công nghệ đang được hâm mộ này vào hàng triệu máy tính sử dụng trong các gia đình và văn phòng.

Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng có thể sẽ nhận thấy rằng, những chiếc máy tính cá nhân có màn hình cảm ứng rất khác biệt với những chiếc máy tính xách tay hay để bàn thông thường, và công nghệ này khó có khả năng phát triển xa hơn khỏi những chiếc điện thoại di động.

“Tôi không cho rằng, công nghệ màn hình cảm ứng sẽ là một xu hướng lớn mới. Chẳng qua chỉ là ngày càng có nhiều thương hiệu chạy theo công nghệ này”, nhà phân tích Jay Chou của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ IDC nhận định. “Phần mềm cho công nghệ này vẫn đang chỉ ở giai đoạn sơ khai.Cho tới khi có những thay đổi xảy ra, hy vọng là với Windows 7, vẫn sẽ cần thêm thời gian để mọi thứ thực sự đi lên”, ông Chou nói thêm.

Màn hình cảm ứng từ lâu đã xuất hiện ở các bàn thanh toán siêu thị, lối ra vào sân bay và các ngân hàng. Nhờ có chiếc iPhone của Apple, loại màn hình này nhanh chóng trở thành một trong những công nghệ được ngưỡng mộ nhất trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng. Hàng nhái iPhone vì thế đã xuất hiện như nấm mọc sau mưa.

Tuy nhiên, những “cú nhảy” đầu tiên của các thương hiệu máy tính vào lĩnh vực công nghệ màn hình cảm ứng cách đây khoảng một thập kỷ đã thất bại ê chề. Những sản phẩm dùng công nghệ này như máy tính dạng bảng (tablet PC) đã không theo kịp những lời quảng cáo rầm rộ ban đầu, mức độ phổ biến của những chiếc máy tính này đã chẳng còn là bao.

Không thêm nhiều giá trị

Thời gian này, những chiếc máy tính cá nhân màn hình cảm ứng đã lác đác xuất hiện trên thị trường, nhưng mức giá cao và chức năng hạn hẹp đã khiến những sản phẩm này bị liệt vào một phân khúc thị trường ngách nhỏ bé.

Tính chung, máy tính màn hình cảm ứng chỉ chiếm 1% số máy tính được tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu. Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng, con số này sẽ còn tăng thêm nhưng không mấy ai cho là tốc độ tăng trưởng sẽ đạt tới mức kỳ vọng của các thương hiệu máy tính.

“Với máy tính, màn hình cảm ứng chỉ là chuyện thổi phồng. Với tôi, việc một cá nhân sử dụng màn hình cảm ứng trên máy tính là phi thực tế. Khi bạn sử dụng một thiết bị có kích thước lớn như vậy, màn hình cảm ứng chẳng đem lại thêm nhiều giá trị”, nhà phân tích Tracy Tsai của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner nói.

“Câu hỏi lớn nhất đối với tôi là liệu màn hình cảm ứng có thể đem lại thêm ngần nào giá trị cho máy tính của bạn. Có lẽ là không nhiều. Vậy thì, tại sao bạn lại phải trả thêm nhiều tiền để mua một chiếc máy tính có màn hình cảm ứng”, nhà phân tích Peter Lin của hãng nghiên cứu công nghệ iSupply nhận định.

Rốt cục, chiếc bàn phím và con chuột cổ điển xem ra có thể vẫn là cách tốt nhất để sử dụng máy tính cá nhân, đặc biệt khi xét tới thói quen tương tác của người sử dụng là rất khó thay đổi, đặc biệt khi mà số lượng phần mềm hỗ trợ là cực nhiều.

Rào cản chi phí

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã và đang bơm tiền vào cổ phiếu của những công ty sản xuất màn hình cảm ứng. Giá cổ phiếu của các hãng sản xuất linh kiện màn hình loại này như Wintek đã tăng gấp 4 trong năm nay, của Young Fast tăng gấp đôi…

Hãng nghiên cứu DRAMeXchange dự báo, với xu thế ngày càng có thêm nhiều máy tính và sản phẩm công nghệ khác sử dụng màn hình cảm ứng, doanh thu của các công ty sản xuất loại màn hình này sẽ tăng gần 17% lên mức gần 1,5 tỷ USD trong 3 năm tới.

Tuy nhiên, chi phí cao đi cùng với màn hình cảm ứng có thể cản trở sự phổ biến của công nghệ này vài năm nữa, cho tới khi nào giá cả giảm xuống. Để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh, chi phí cho màn hình cảm ứng không đáng là bao, nhưng để sản xuất một chiếc máy tính, chi phí cho màn hình cảm ứng và những con chip đi kèm tăng lên gấp nhiều lần.

Theo tính toán của hãng sản xuất màn hình cảm ứng Wintek, chỉ mất khoảng 10 USD để sản xuất một màn hình cảm ứng kích thước 3 inch vẫn sử dụng cho điện thoại, nhưng kích thước màn hình này tăng theo cấp số mũ cùng với sự đi lên của kích thước. Còn theo hãng thiết kế chip cho màn hình cảm ứng Elan Microelectronics, việc sử dụng màn hình cảm ứng cho một chiếc máy tính để bàn có thể khiến giá sản phẩm đội thêm 10%.

“Chừng nào chi phí giảm xuống thì mới có chuyện màn hình cảm ứng trong lĩnh vực máy tính tăng trưởng nhanh như ở mảng điện thoại di động. Ở thời điểm này, vấn đề lớn nhất là không biết liệu người tiêu dùng có sẵn lòng chi thêm 10% tiền để mua máy tính có màn hình cảm ứng”, ông I.H. Yeh, Chủ tịch của Elan Microelectronics, phát biểu.

Trong bối cảnh kinh tế đi xuống hiện nay, rõ ràng là nhiều người tiêu dùng chỉ muốn bỏ tiền ra cho những gì họ thực sự cần. “Máy tính có màn hình cảm ứng đắt hơn, mà tôi thì còn cần tiền cho nhiều khoản chi cần thiết khác”, ông John Lai, một khách mua máy tính ở Đài Loan, cho biết.

(Theo Reuters)