12:00 27/08/2008

Nga tạm dừng bước trước ngưỡng cửa WTO

Quốc Trung

Nga có thể rút khỏi một số thỏa thuận thương mại đã ký trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO

Thủ tướng Putin khẳng định, việc Nga rút khỏi một số thỏa thuận về thương mại không có nghĩa là Nga từ bỏ mục tiêu gia nhập WTO.
Thủ tướng Putin khẳng định, việc Nga rút khỏi một số thỏa thuận về thương mại không có nghĩa là Nga từ bỏ mục tiêu gia nhập WTO.
Nga có thể rút khỏi một số thỏa thuận thương mại đã ký trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO và sẵn sàng ngừng hợp tác với NATO. Đó là những tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo Nga trước sức ép của Mỹ, phương Tây xung quanh mối quan hệ với Gruzia.

Hãng Interfax dẫn lời Phó thủ tướng thứ nhất của Nga, Igor Shuvalov cho biết, ông có ý định thông báo với các đối tác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về kế hoạch rút khỏi những thỏa thuận "trái với lợi ích của Liên bang Nga".

Không quá mặn mà với WTO

Thủ tướng Nga Putin đã lên tiếng thừa nhận kế hoạch của ông Shuvalov là "hợp lý", đồng thời ông khẳng định lại lập trường lâu nay của Nga cho rằng Nga cảm thấy không có bất kỳ lợi ích nào, trái lại phải chịu nhiều gánh nặng khi gia nhập WTO, đặc biệt là ngành nông nghiệp của Nga.

Chính phủ Nga cần làm sáng tỏ vấn đề này với các đối tác trong WTO và cần xem xét một cách thận trọng việc bảo vệ nông dân Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Putin khẳng định, việc Nga rút khỏi một số thỏa thuận về thương mại không có nghĩa là Nga từ bỏ mục tiêu gia nhập WTO.

Những tuyên bố nêu trên của các quan chức Chính phủ Nga đưa ra ngày 25/8, trong bối cảnh mối quan hệ Nga-phương Tây đang xấu đi sau chiến dịch quân sự tại Gruzia. Nga bắt đầu các cuộc thương lượng về gia nhập WTO từ năm 1995 và hy vọng có thể đạt thỏa thuận vào cuối năm 2008 và đã cơ bản đàm phán xong với những đối tác thương mại chủ chốt trong WTO. Thời gian qua, Gruzia - nước láng giềng của Nga, thân phương Tây - đã gây nhiều trở ngại cho Nga trong tiến trình gia nhập WTO.

Sau vụ Nga tấn công Gruzia vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez tuyên bố: "Việc Nga tấn công Gruzia có thể phá hỏng nỗ lực gia nhập WTO của Nga". Tuy nhiên, tuyên bố nêu trên của các nhà lãnh đạo Nga cho thấy, Nga sẵn sàng tạm dừng bước trước ngưỡng cửa WTO, mặc dù họ đã đi được phần lớn quãng đường trong 13 năm qua.

Tổng thống Nga Medvedev trong cuộc gặp đại diện thường trực Nga tại NATO, Dmitry Rogozin, ngày 25/8 còn tuyên bố,  Nga  sẵn sàng cho bất kỳ hành động nào trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kể cả ngừng hợp tác với liên minh này.

Phương Tây không thể gây sức ép với Nga

Ông Rogozin được Nga gọi về nước để tham vấn sau khi mối quan hệ giữa Nga và NATO trở nên căng thẳng do những hành động quân sự tại Nam Ossetia. Tổng thống Medvedev nói: "NATO có lợi hơn trong quan hệ hợp tác, chứ không phải là Nga. Nếu NATO cắt đứt sự hợp tác, thì chúng tôi sẵn sàng thực thi mọi quyết định, kể cả chấm dứt quan hệ".

Quan hệ Nga - phương Tây đã trở nên căng thẳng hơn, sau khi Thượng viện, Hạ viện Nga ngày 25/8 nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi Tổng thống Medvedev công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai thuộc Nam Ossetia và Abkhazia.

Động thái này của Nga ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Gruzia và phương Tây. Bộ trưởng Tái hoà nhập Gruzia  Yakobashvili ngày 25/8 lập tức tuyên bố, nghị quyết nói trên của Quốc hội Nga là "không quan trọng" và độc lập của hai vùng đất ly khai Nam Ossetia và Abkhazia sẽ không được công nhận chính thức. Ngoại trưởng Italia, Franco Frattini ngày 25/8 đã gửi điện khẩn đến người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov đề nghị  Nga "xem xét kỹ lưỡng hành động của mình" .

Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố rằng việc Quốc hội Nga đề nghị công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia chỉ làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực. Đức cảnh báo Nga nên tôn trọng cam kết rút quân khỏi Gruzia theo thỏa thuận hòa bình 6 điểm...

Giới phân tích cho rằng, mặc dù đưa ra những cảnh báo, song các nước phương Tây khó có thể gây sức ép với Nga. Bởi vì châu Âu  quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Theo Thời báo châu Á trực tuyến, năm 2007, châu Âu đã phải nhập 220 tỷ m3 khí đốt, 68% trong đó, khoảng 150 tỷ m3 đi qua đường ống từ Nga.

Dự kiến, đến năm 2015, châu Âu phải nhập 300 tỷ m3 khí đốt, lượng khí phải trung chuyển qua Nga còn lớn hơn. Về dầu mỏ, đường ống dẫn dầu Druzhba hiện chuyển 40% lượng dầu xuất khẩu của Nga, trong đó mỗi ngày dành 1,5 triệu thùng cho 27 nước EU, tương đương 12,5% lượng dầu mỏ tiêu dùng của các nước này.

Trong bối cảnh đó, tiếng nói của các nước châu Âu với Nga về vấn đề Gruzia ít trọng lượng. Hôm 25/5, phát biểu sau khi thông qua nghị quyết công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia, các nghị sĩ Nga đều loại trừ khả năng việc thông qua nghị quyết này có thể dẫn đến sự cô lập quốc tế đối với Nga.