23:28 10/03/2019

Ngân hàng đẩy lùi tín dụng đen, rạch ròi và tìm cơ chế

Minh Đức

"Có lẽ cách tốt nhất và lâu dài để chúng tôi tham gia đẩy lùi tín dụng đen là tạo ra lợi nhuận càng cao càng tốt"

Tại hội nghị ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang và sẽ vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
Tại hội nghị ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang và sẽ vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của mình.

Ngay sau khi tuyên bố vào cuộc, từ đầu 2019, Ngân hàng Nhà nước lần lượt khảo sát tại một loạt địa bàn, cùng với các đầu mối xây dựng và triển khai các bước trong kế hoạch đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, tại Gia Lai.

Những trở ngại, định hướng và cách làm được đặt ra cụ thể.

Rạch ròi đối tượng

Trước hội nghị trên, trao đổi bên lề với báo chí về tình trạng tín dụng đen nổi lên vừa qua, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nêu quan điểm, cần phải rạch ròi trong nhìn nhận và triển khai.

Theo quan điểm này, tín dụng đen nổi lên thời gian qua được thông tin chung tới công chúng, nhưng chưa thực sự làm rõ về đối tượng và phạm vi. Điều này dẫn tới có cái nhìn đánh đồng giữa các nhu cầu vay hợp pháp và không hợp pháp với trách nhiệm ngân hàng.

"Nhiều vụ việc xã hội đen gây dư luận, liên quan đến tín dụng đen. Nhưng đó không phải là đối tượng của các ngân hàng. Vì đó là cờ bạc, cá độ, thậm chí nghiện ngập dẫn đến quẫn bách và vay nóng, rồi không trả được và xảy ra các vụ việc… Chúng ta phải rạch ròi những trường hợp này", vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Ngay cả với nhiều trường hợp có nhu cầu vay hợp pháp, quan điểm này cũng cho rằng ngân hàng khó đáp ứng.

Ngân hàng là tổ chức kinh doanh, tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn, không nhượng bộ với rủi ro, trong khi một bộ phận nhu cầu vay đòi hỏi cấp vốn ngay - vay nóng, năng lực trả nợ hạn chế hoặc cần thẩm định chặt chẽ… Khi ngân hàng khó đáp ứng, hoặc phải có thời gian xem xét, họ tìm đến tín dụng đen.

"Nhiều năm qua chúng tôi không cho vay tín chấp, ngoại trừ cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng. Cho vay tín chấp, nhất là vay nóng, thường đòi hỏi lãi suất cao để bù đắp, nhưng lãi suất cho vay cao như vậy chúng tôi không làm được", người trong cuộc trên nói.

Theo đó, ông cho rằng ngân hàng mình có lẽ tham gia đẩy lùi tín dụng đen bằng cách tập trung hoạt động tốt hơn nữa, tạo được lợi nhuận nhiều hơn để tăng đóng góp cho ngân sách, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước tốt hơn, kinh tế phát triển hơn sẽ thúc đẩy các hoạt động xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập người dân…

"Còn để tham gia trực tiếp, tôi nghĩ có lẽ xây dựng một quỹ hỗ trợ cho vay, tách khỏi việc hạ chuẩn rủi ro, được quản lý và triển khai chặt chẽ. Nếu vậy, ngân hàng chúng tôi sẵn sàng đóng góp ngay 100 tỷ đồng xây dựng quỹ, như một chính sách xã hội", vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Tạo nguồn và nới điều kiện?

Trước hội nghị trên, tại một diễn đàn khác, lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cũng nêu quan điểm đáng chú ý.

Ở quan điểm này, phải nhìn nhận rằng một bộ phận lớn nhu cầu vay liên quan đến tín dụng đen nằm dưới chuẩn cho vay theo quy định ngân hàng, hoặc mức độ rủi ro lớn.

"Ngân hàng thương mại có các quy định về rủi ro và lợi nhuận. Lợi nhuận cao ở phân khúc nào đó thường đi cùng với mức độ rủi ro cao, vì phải dự phòng chi phí bù đắp tổn thất. Nhưng ở đây, nhiều trường hợp vay là nông dân, công nhân thu nhập thấp, làm sao cho vay lãi quá cao được?", vị lãnh đạo trên đặt vấn đề.

Theo đó, ông đề xuất làm sao để ngân hàng thương mại có nguồn vốn ưu đãi, nhờ đó có chênh lệch hợp lý trong cho vay ở đây, để vừa không cho vay nặng lãi vừa có điều kiện bù đắp rủi ro. Ví như có nguồn tái cấp vốn lãi suất ưu đãi, hoặc san sẻ nguồn tiền gửi "giá rẻ" của ngân sách Nhà nước sang các ngân hàng thương mại tham gia đẩy lùi tín dụng đen.

Tại hội nghị trên, bà Lê Thị Thanh Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cũng đề xuất một số giải pháp có tính hỗ trợ nguồn và điều kiện.

Cụ thể, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế khuyến khích các ngân hàng phát triển mạng lưới vùng nông thôn, như loại trừ các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khỏi hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, do chi phí để khai trương, duy trì hoạt động tại đây tương đối tốn kém trong khi khách hàng lại chủ yếu là những khoản vay nhỏ.

Thậm chí đại diện LienVietPostBank cho rằng, có thể xem xét loại trừ các khoản vay liên quan trong cách tính các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cần có ưu đãi về tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong nước và quốc tế khi ngân hàng sử dụng vốn vay để cấp tín dụng đối với khách hàng vùng sâu, vùng xa...

"Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm động lực để mở rộng khách hàng và mạng lưới về các khu vực khó khăn, qua đó giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen, lãi suất cao ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...", đại diện LienVietPostBank nói.

Từng bước gỡ khó

Tại hội nghị, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng đặt ra nhiều khó khăn đối với sự tham gia của các tổ chức tín dụng trong đẩy lùi tín dụng đen.

Qua khảo sát, vụ chức năng này nhận thấy, tại nhiều địa bàn các đối tượng là công nhân, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó khăn khi thẩm định cho vay.

Việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế, do phần lớn người dân (ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa) ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức, thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng mà các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai.

Hầu hết các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống của ngân hàng vẫn yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo, trong khi thủ tục đăng ký thế chấp thường kéo dài, hoặc cần thời gian để xác nhận bảo lãnh của tổ chức nơi người lao động làm việc, học tập. Còn đặc thù chính của tín dụng đen là nhu cầu vay nhanh, vay nóng…

Nhiều khó khăn, ngành ngân hàng đang từng bước tháo gỡ. Tại hội nghị trên, cũng như các hội nghị chuyên đề vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh tham gia đẩy lùi tín dụng đen vừa là trách nhiệm, vừa là mục tiêu của ngành từ năm 2019.

Cơ chế hỗ trợ đang chuyển động, như vừa qua nâng gấp đôi hạn mức cho vay tín chấp cho hộ nghèo. Chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn vừa có những thay đổi thuận lợi hơn. Các gói, chương trình cụ thể Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn bắt đầu triển khai. Tín dụng tiêu dùng gắn với đời sống người dân liên tục tăng trưởng mạnh…

Trong một lần trao đổi, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, có một thực tế nhiều trường hợp bà con nông dân đủ điều kiện vay vốn, nhưng còn hạn chế trong tiếp cận thông tin và tâm lý còn e ngại thủ tục.

Mặt khác, về phía ngân hàng, yếu tố rủi ro đi cùng với chi phí lãi vay cao. Theo đó, trong những trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi. Bởi theo Thống đốc, lãi suất thấp hơn ở lĩnh vực này sẽ góp phần nâng cao khả năng trả nợ của khách hàng và giảm thiểu rủi ro.

Sau khảo sát thực tế tại nhiều địa bàn, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ mới, sau hội nghị tại khu vực Tây Nguyên, được biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các đầu mối phía Nam, kết nối với các cấp chính quyền địa phương cùng các ngân hàng, công ty tài chính từng bước cụ thể hóa mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen từ năm 2019.