Ngân hàng gỡ khó cho ngành mía đường
Ngân hàng đang liên kết với doanh nghiệp mía đường để rót vốn cho các hộ nông dân
Ngân hàng đang liên kết với doanh nghiệp mía đường để rót vốn cho các hộ nông dân nhằm giúp họ gỡ khó cũng như tăng sức cạnh tranh và có đầu ra ổn định.
Rót hàng ngàn tỉ đồng cho ngành mía đường
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), cho biết, hiện tại Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các tỉnh thành có nhà máy của TTC vay với tổng dư nợ lên đến 1000 tỉ đồng. Tới đây OCB sẽ thay TTC cho các hộ nông dân này vay vốn với chính sách vẫn đảm bảo duy trì như hiện tại.
Theo ông Tùng, định hướng của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước là cần có sự hỗ trợ thực chất cho ngành mía đường. Bên cạnh đó, định hướng chiến lược của OCB là phát triển bán lẻ, đem sản phẩm về những khu vực thị trường đặc thù để tăng sự cạnh tranh.
Do vậy, Ngân hàng OCB đã chọn cho vay với nông dân trồng mía. Trước kia TTC tài trợ vốn thông qua hình thức bán trả chậm cho người nông dân. Tuy nhiên TTC là tập đoàn công nghiệp, sản xuất và kinh doanh là chính, hơn nữa nhu cầu về vốn của nông dân là rất cao. Do vậy, Ngân hàng OCB sẽ có khả năng đáp ứng vốn tốt hơn cho nông dân.
"Đây là chương trình cho vay khép kín, không chỉ bao gồm hỗ trợ tài chính mà còn hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật, đầu ra, giúp họ thay đổi hẳn cách thức canh tác cũng như sản xuất mía đường ở Việt Nam. Có như thế mới có khả năng cạnh tranh trong thời điểm khi Việt Nam mở cửa cho đường ở những quốc gia xung quanh vào Việt Nam", ông Tùng nói.
Lãi suất cho vay chương trình này là 9,6%/năm, áp dụng cho các khoản vay trung dài hạn và được OCB cố định trong suốt thời gian cho vay. Do nguồn vốn hoàn toàn là nguồn vốn thương mại của OCB nên đây cũng là mức lãi suất thấp trên thị trường.
"Trong thời gian tới ngân hàng cũng mong muốn có thể tiếp cận nguồn vốn khác với mức lãi suất thấp hơn để hỗ trợ cho người nông dân", ông Tùng cho biết thêm.
Đối tượng vay sẽ là người đủ 18 - 70 tuổi, có nhu cầu vay vốn để trồng, chăm sóc mía và có ký hợp đồng cam kết bán mía cho TTC. Nơi trồng mía là tại Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Đak Lak, Bình Thuận, và Campuchia. Số tiền vay tối đa lên đến 3 tỉ đồng, thời gian vay cao nhất 36 tháng, tương đương 2 vụ trồng mía. Gốc và lãi được trả vào cuối vụ thu hoạch.
Khó có rủi ro
Thời gian qua ngành đường trong nước lao đao vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu. Lượng hàng tồn kho rất nhiều.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân tồn kho do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm ngoái thậm chí có xu hướng gia tăng. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát đang có xu hướng gia tăng. Do vậy người nông dân rất cần "trợ lực" để có thể tồn tại cũng như tăng sức cạnh tranh.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết: Nhu cầu vay vốn của nông dân để đầu tư nông nghiệp rất lớn, không chỉ trồng mà còn đầu tư cơ giới, máy móc để phát triển sản xuất. Do vậy, TTC đã thảo luận kỹ với OCB và trong thời gian tới OCB sẽ hợp tác cùng TTC để tài trợ vốn cho nông dân với điều kiện và lãi suất không đổi so với hiện nay.
Theo ông Thành, khoản vay này gần như khép kín và ngân hàng có thể dễ dàng quản lý nguồn thu thông qua hợp tác với TTC. Cụ thể cuối vụ sau khi nông dân bán mía cho TTC, TTC sẽ thanh toán tiền cho nông dân vào tài khoản nông dân mở tại OCB và ngân hàng trích nợ tự động để thu nợ. Do cho vay đúng người nông dân đang canh tác, phương án cho vay khả thi, đầu ra chắc chắn, năng suất đủ cạnh tranh nên khoản vay này gần như không có rủi ro.
Về phía nông dân, họ cũng được lợi khi Ngân hàng cho vay vì Ngân hàng cho vay sẽ đúng chức năng hơn và nguồn vốn cũng dồi dào hơn. Trong thời gian tới, khi nhu cầu đầu tư của người nông dân tăng lên thì nguồn vốn của Ngân hàng rót cho nông dân dự kiến cũng sẽ tăng lên.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, cho rằng việc chuyển đổi sang mô hình liên kết khép kín từ trồng, chế biến, bán sản phẩm ra thị trường hiệu quả hơn hẳn vì tạo ra đầu ra chắc chắn. Ngân hàng cũng quản lý được nguồn thu nhờ việc nông dân mở tài khoản tại chính ngân hàng và cho phép ngân hàng được trích nợ tự động do vậy Ngân hàng cũng không lo rủi ro. Về phía nông dân cũng được lợi nhờ có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý.
"Đây là mô hình tốt cần được nhân rộng. Trên thực tế thời gian qua cũng có nhiều ngân hàng đi theo hướng liên kết như trên để cho vay với một số lĩnh vực cụ thể, ngoài mía đường Ngân hàng còn cho vay với hộ chăn nuôi bò sữa, sản xuất café…", ông Minh cho hay.
Nhưng về phía ngân hàng, liệu việc rót hàng ngàn tỉ đồng cho vay với hộ nông dân trồng mía đường trong bối cảnh hiện nay có lo ngại rủi ro không? Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh: "Bản chất hoạt động cho vay nông nghiệp có những đòi hỏi khác so với hoạt động cho vay thông thường. Quan trọng nhất là ngân hàng phải hiểu được khách hàng, phải hiểu được quá trình sản xuất, canh tác của khách hàng, cho vay đúng số tiền và đúng lúc người nông dân cần".
Trước đó, OCB đã có kinh nghiệm vì trong mấy năm vừa qua Ngân hàng đã thành công trong việc cho người nông dân tại DakLak và Gia Lai vay vốn và các chương trình cho vay này OCB hầu như không có nợ xấu. Đó cũng chính là động lực cho ngân hàng tiếp tục kết hợp với TTC làm chương trình này.
"Đây chắc chắn là chương trình cho vay đem lại chất lượng và hiệu quả vì không chỉ đơn giản là hỗ trợ vốn cho nông dân mà còn giúp cho họ định hướng đúng hoạt động của mình và tạo ra sự cạnh tranh lâu dài trước sự thay đổi về các chính sách hội nhập trong thời gian sắp tới", ông Tùng khẳng định.
Dự kiến bên cạnh việc tài trợ vốn cho nông dân trồng mía, OCB cũng sẽ hướng đến những nhu cầu vay khác của người nông dân như vay tiêu dùng, gửi tiết kiệm…