21:30 27/09/2008

Ngân hàng sẵn sàng vốn, giảm lãi suất cho vay

Hoàng Đạt

Nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay và sẵn sàng nguồn vốn tiếp sức cho doanh nghiệp

 Đi cùng với việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng thương mại cũng khẳng định đang sẵn sàng những nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế - Ảnh: Việt Tuấn.
Đi cùng với việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng thương mại cũng khẳng định đang sẵn sàng những nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay và sẵn sàng nguồn vốn tiếp sức cho doanh nghiệp.

Một lần nữa, quyết định trả thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước được nhiều thành viên hưởng ứng và cụ thể hóa bằng những chính sách tín dụng mới.

Từ đầu tuần, thị trường chứng kiến một “đợt sóng” mới giảm lãi suất huy động. Và trong ngày 26/5, ngay sau khi quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước được công bố, nhiều nhà băng lần lượt phát đi thông điệp giảm lãi suất cho vay và tăng cường cung vốn cho nền kinh tế.

Vẫn là một “thông lệ” thường thấy, những ngân hàng quốc doanh, chiếm thị phần lớn là những thành viên đầu tiên lên tiếng.

Đây là lần thứ 4 trong vòng 3 tháng qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) giảm lãi suất cho vay, dù ước tình doanh thu sau đó sẽ giảm khoảng 650 tỷ đồng. Hiện qua lần giảm này, bắt đầu từ 1/10 tới, lãi suất cho vay của BIDV áp dụng là 18,2%/năm đồng loạt đối với tất cả khách hàng hiện đang có quan hệ tín dụng vay vốn tại BIDV.

Đặc biệt, lãi suất cho vay của ngân hàng này đối với khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham gia xác lập và bình ổn các cân đối lớn của nền kinh tế như xăng dầu, năng lượng, sắt, than, xi măng, thuốc chữa bệnh, phân bón… chỉ còn 17,5%/năm, thấp nhất trong số những ngân hàng công bố giảm lãi suất trong ngày 26/9.

Cùng thời điểm với BIDV, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) thông báo giảm 0,7%/năm lãi suất cho vay, xuống còn 19,5%/năm ở loại hình cho vay thông thường. Và tùy theo uy tín từng khách hàng, dự án, ngân hàng này có thể áp mức lãi suất ưu đãi hơn.

19,5%/năm cũng là mức lãi suất cho vay thông thường theo quyết định điều chỉnh mới của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Với khách hàng truyền thống, sử dụng dịch vụ giải pháp tổng thể và kinh doanh trong lĩnh vực trọng yếu, có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Vietcombank sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi là 18,525%/năm. Hiện tỷ trọng doanh nghiệp nhóm này trong tổng danh mục tín dụng của Vietcombank đạt khoảng 22%.

Với các ngân hàng cổ phần, lãi suất cho vay VND cũng được điều chỉnh giảm, nhưng ở mức cao hơn. Tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, mức giảm là 0,5%, xuống còn 20%/năm. Một số ngân hàng cổ phần khác, lãi suất cho vay cũng điều chỉnh xuống trong khoảng 19,5% - 20%/năm.

Đi cùng với việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng thương mại cũng khẳng định đang sẵn sàng những nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.

Sau Sacombank, ACB, Eximbank…, trong thông báo chiều 26/9, Vietcombank cũng khẳng định sẽ dành thêm 3.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ khối doanh nghiệp này khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát trong những tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Vietcombank, ngoài việc góp sức hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung, việc tăng cường giải ngân còn để nắm bắt một lĩnh vực tín dụng nhiều tiềm năng, khi trong sự gia tăng của lượng doanh nghiệp mới thời gian qua có tới 85% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng ngày, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết đang lên kế hoạch tập trung từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Và cùng với dự báo nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao vào cuối năm, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), cho biết đã sẵn sàng hơn 2.000 tỷ đồng để tăng cường giải ngân với đối tượng là nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà, mua ôtô trả góp, các dự án bất động sản hiệu quả…

Còn theo đánh giá chung của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản và nguồn vốn khả dụng của hệ thống hiện đã được cải thiện; vốn khả dụng đã dư thừa tại nhiều thành viên. Lãi suất vay vốn VND các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng cũng đang trong xu hướng giảm (lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn qua đêm trong tuần cuối tháng 9 là 13,53%/năm, 1 tuần là 14,44%/năm, 2 tuần là 15,30%/năm, 1 tháng là 16,21%/năm, 3 tháng là 15,93%/năm, 6 tháng là 18,41%/năm).

Lãi suất huy động giảm (trên cả hai thị trường 1 và 2) cũng là một thuận lợi để các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay. Và quyết định trả thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước góp phần tạo thêm điều kiện nhất định. Tuy nhiên, có thể thấy yêu cầu giải ngân những tháng cuối năm để đảm bảo kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận mới là một áp lực và nguyên nhân chính trong những diễn biến nói trên. Hai tháng liên tiếp, tăng tưởng tín dụng của hệ thống ở mức thấp nhất kể từ đầu năm, lần lượt là 0,7% và 0,79%; từ đầu năm đến nay mới chỉ quanh 18%.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, khi lãi suất cao, khả năng vay và trả nợ của nhiều doanh nghiệp “co” lại. Trong khi đó, vốn ngân hàng huy động về cũng ở mức lãi suất cao, càng ứ đọng càng có nguy cơ lỗ, bởi hoạt động chính của các ngân hàng vẫn là vay về cho vay lại.