20:35 26/09/2008

“Lãi suất cho vay 18% là ổn!”

Hoàng Đạt

Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) dự báo xu hướng lãi suất trong những tháng tới

"Trong điều kiện thị trường hiện nay, lạm phát đang giảm dần và lạm phát giảm đến đâu lãi suất sẽ xuống đến đó là hợp lý".
"Trong điều kiện thị trường hiện nay, lạm phát đang giảm dần và lạm phát giảm đến đâu lãi suất sẽ xuống đến đó là hợp lý".
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản nhưng tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để hỗ trợ các ngân hàng.

Bình luận về động thái này, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank) cho rằng các ngân hàng sẽ có thêm điều kiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp.

Theo ông, tín hiệu ổn định dần của kinh tế vĩ mô và quyết định mới nói trên của Ngân hàng Nhà nước đã là điều kiện cần để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay chưa?

Trên thực tế, kinh tế vĩ mô đã ổn định dần dần. Điều này cho thấy những biện pháp kiên quyết chống lạm phát của Nhà nước đã phát huy tác dụng, thể hiện qua tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2008 chỉ ở mức 0,18%. Đó là một dấu hiệu tốt.

Về phía các ngân hàng, suốt thời kỳ khó khăn từ tháng 4, 5, 6, 7 đến bây giờ, hoạt động cũng dần dần ổn định, đặc biệt là không còn căng thẳng về thanh khoản. Tuy nhiên, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn đang ở mức cao.

Các ngân hàng nhận thấy, với lãi suất cho vay cao như vậy, các doanh nghiệp không thể chịu đựng nổi và doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với nguồn vốn vay ngân hàng; họ co hẹp sản xuất, thay đổi phương án kinh doanh. Các ngân hàng có nguồn vốn huy động nhiều, không cho vay ra được nên đã tự động điều chỉnh lãi suất huy động giảm xuống và đang tự động điều chỉnh lãi suất cho vay xuống thấp hơn 21%.

Việc làm đó đúng với mong muốn của doanh nghiệp và cũng là mong muốn của ngân hàng.

Ông nhận định như thế nào về những quyết định mới nói trên của Ngân hàng Nhà nước?

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định trả thêm lãi suất cho khoản dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản (14%/năm).

Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, đây là một quyết định sáng suốt. Bởi với cách làm như vậy, nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng sẽ rẻ hơn chút nữa, thêm một điều kiện để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp. Biện pháp này tạo thuận lợi cho cả hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp.

Đó là quyết định rất được các ngân hàng ủng hộ tại thời điểm này và các ngân hàng đều đang có lộ trình để giảm lãi suất cho vay thấp hơn nữa từ nay đến cuối năm, giúp các doanh nghiệp tiếp cận trở lại nguồn vốn, tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Ông dự báo thế nào về mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới?

Với quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, lãi suất cho vay cao nhất của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ là 20%/năm.

Ngoài ra, còn tùy từng ngân hàng, tùy mức độ quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng mà khách hàng có thể vay với lãi suất trong khoảng 19% - 20%, nhưng thấp hơn nữa thì chưa khả thi, do còn cân đối với lãi suất huy động.

Để lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm thấp hơn mức trên, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều tiết từ từ lãi suất huy động theo chiều hướng giảm dần theo quan hệ cung cầu giữa người gửi tiền, ngân hàng và người vay tiền.

Lãi suất huy động có tiếp tục giảm thì mới là cơ sở để ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hoặc các tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nâng thêm lãi suất dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo chống lạm phát hiệu quả.

Với hành trình như thế này, đến cuối năm nay, để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, theo tôi, lãi suất cho vay ở mức 18% là ổn, vừa đảm bảo mục tiêu chống lạm phát vừa giúp doanh nghiệp phát triển, tạo đà tăng trưởng cho năm sau.

Những ngày gần đây, một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động, việc này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền?

Việc giảm lãi suất huy động là sự điều tiết hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh ngân hàng theo quy luật thị trường.

Tôi cho rằng, mọi người đều phải đi đến một sự thống nhất để cả người gửi tiền, doanh nghiệp, ngân hàng đều được lợi. Trước đây, lãi suất huy động chỉ có 10%, người dân cũng vẫn gửi tiền vào ngân hàng rất nhiều. Nay do lạm phát cao, lãi suất huy động buộc phải tăng cao để ngân hàng có nguồn vốn phục vụ doanh nghiệp, nhưng lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng sẽ cao.

Doanh nghiệp không chịu được lãi suất vay cao sẽ không còn mặn mà với việc vay vốn ngân hàng. Vốn huy động thừa, ngân hàng lại phải trả lãi suất cao thì ngân hàng phải giảm lãi suất huy động là hoàn toàn phù hợp. Vậy, vấn đề là lãi suất phải ở một mức hợp lý để doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng và có vậy, ngân hàng mới cần huy động vốn.

Và mọi người phải tự cân nhắc để tìm một điểm cân bằng theo quan hệ cung cầu. Trong điều kiện thị trường hiện nay, lạm phát đang giảm dần và lạm phát giảm đến đâu lãi suất sẽ xuống đến đó là hợp lý.

Theo tôi, điều tiết để giảm lãi suất thời điểm này là một quyết định hợp lý. Lãi suất huy động giảm, doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng; như vậy, tất cả các bên doanh nghiệp, người dân, ngân hàng và nền kinh tế cũng ổn định.