19:46 22/10/2020

Ngân sách Nhà nước 2021: Chính phủ dự kiến thâm hụt hơn 340.000 tỷ đồng

Bạch Huệ

Thâm hụt ngân sách năm 2021 dự toán đạt 343,67 nghìn tỷ đồng, tăng 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020

Theo dự toán của Chính phủ, thu ngân sách năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020.
Theo dự toán của Chính phủ, thu ngân sách năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020.

Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2021.

THU NGÂN SÁCH NĂM 2021 GIẢM MẠNH

Theo dự toán của Chính phủ, thu ngân sách năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020; tỷ lệ huy động vào ngân sách khoảng 15,5%GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP (tương ứng 16,6% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh; thấp hơn tỷ lệ 21% của mục tiêu giai đoạn 2016-2020). 

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét 39 địa phương dự báo nguồn thu nội địa năm 2021 thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân chung cả nước; 20 địa phương dự báo nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp hơn mức tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020; một số địa phương chưa đánh giá đầy đủ kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu năm 2020 theo quy định làm cơ sở lập dự toán thu năm 2021, chưa xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Bộ Xây dựng chưa thực hiện việc thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; số dư kinh phí cuối năm không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn, gây lãng phí nguồn lực ngân sách 1.222,5 tỷ đồng.

Dự toán thu nội địa, Chính phủ lập 1.133,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 84,4% tổng thu cân đối), tăng 1,6% so với ước thực hiện năm 2020. Nếu loại trừ thu sử dụng đất, xổ số, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và tiền bán vốn nhà nước thì dự toán thu nội địa năm 2021 tăng 4,9% so với ước thực hiện năm 2020. 

Trong cơ cấu thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế là các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và dự toán năm 2021 dự kiến tăng từ 6,7% đến 10,1% so với ước thực hiện năm 2020. Kiểm toán nhà nước cho rằng Chính phủ cần phân tích đánh giá kỹ tình hình bối cảnh kinh tế cũng như tác động của cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với 3 khu vực kinh tế.

Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2021 là 111,4 nghìn tỷ đồng, bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2020, tăng 16,2% so với dự toán 2020 song khoản thu này nhiều năm đều vượt cao so với dự toán giao.

Dự toán thu từ dầu thô là 23,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối ngân sách, giảm 9,3 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2020, bằng 71,4% so với dự toán năm 2020. Dự toán được lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Song thực tế sản lượng các năm qua đều tăng so với kế hoạch, do đó Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung cơ sở dự báo về kế hoạch khai thác dầu thô đồng thời quá trình tổ chức thực hiện cần bám sát tình hình dự báo về giá dầu của các tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý, dự toán thu viện trợ 10,4 nghìn tỷ, cao hơn 5,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Kiểm toán đề nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ giải ngân của các dự án, hiệp định, văn kiện... đã và đang triển khai ký kết, thực hiện để dự báo dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 cho phù hợp.

CHI NGÂN SÁCH 1,69 TRIỆU TỶ ĐỒNG

Dự toán chi cân đối ngân sách năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (-3,4%) so với dự toán năm 2020. Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi ngân sách, tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020. 

Song, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, báo cáo lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của nhiều bộ, cơ quan trung ương tăng cao từ 40%-126% so với dự toán năm 2020; lập kế hoạch vốn chưa bám sát quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025.

Số dư vốn ứng trước còn phải thu hồi trong giai đoạn sau năm 2020 là  53.072,171 tỷ đồng. Trong đó, số vốn ứng trước thuộc Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi là 12.829,484 tỷ đồng; số dư ứng phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 42.326,429 tỷ đồng. 

"Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và có giải pháp phù hợp trong việc thu hồi vốn ứng trước của Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025", Kiểm toán nhà nước đánh giá. 

Kiểm toán cho biết, số nợ xây dựng cơ bản là 7.855,969 tỷ đồng, số đã thanh toán trong 5 năm 2016-2020 là 7.633,407 tỷ đồng (đạt 97%) và số còn lại chưa bố trí trong năm 2020 là 222,562 tỷ đồng song trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Chính phủ chưa đề cập về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đối với việc phải bố trí vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.  

Kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có nhiều tồn tại bất cập trong việc giao kế hoạch và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công như: Bố trí vốn ứng trước chưa đảm bảo quy định; giao vốn cho Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội theo quy định; vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2019 với số tiền 1.922 tỷ đồng.

Dự toán chi thường xuyên năm 2021 là 1.036,73 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi ngân sách, giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so với dự toán năm 2020 

Kiểm toán thống nhất với dự toán của Chính phủ song đề nghị xem xét báo cáo lập dự toán của một số địa phương chưa ước tính, đánh giá tác động trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; một số đơn vị lập dự toán tăng cao so với ước thực hiện năm 2020 (từ 20,4% đến 79,2%); một số khoản chi đặc thù ngoài định mức thiếu cơ sở thuyết minh…

Chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế dự toán năm 2021 là 25,51 nghìn tỷ đồng.

Về bổ sung ngân sách địa phương, dự toán lập 21,97 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% so với dự toán năm 2020. Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo một số địa phương nộp trả ngân sách Trung ương còn tồn 722,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tại tỉnh Gia Lai chưa triển khai thực hiện dự án kéo dài từ năm 2016 số tiền 32,9 tỷ đồng.

NGÂN SÁCH THÂM HỤT HƠN 340.000 TỶ ĐỒNG

Chính phủ dự kiến tỷ lệ bội chi năm 2021 khoảng 4%GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 5% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh), thâm hụt ngân sách là 343,67 nghìn tỷ đồng, tăng 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020; nợ công dự kiến khoảng 46,1%GDP điều chỉnh và nợ Chính phủ 41,9%GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 59,6% và 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh). 

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ có giải pháp kịp thời, đồng bộ trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý các nguồn thu, nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.