08:00 07/11/2024

Ngành đậu tương có nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Chu Khôi

Diện tích trồng đậu tương ở nước ta từ hơn 200 nghìn ha năm 2010, đến nay chỉ còn 20 nghìn ha/năm, trong khi hàng năm vẫn phải nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn hạt đậu tương. Vì vậy, muốn đưa đậu tương trở lại thành cây trồng chủ lực, phải phát triển trồng theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao năng suất gắn trồng với chế biến…

Đậu tương trong nước năng suất thấp nhưng chất lượng sạch. giàu protein.
Đậu tương trong nước năng suất thấp nhưng chất lượng sạch. giàu protein.

Thông tin tại hội thảo: "Phát triển cây đậu tương đông theo chuỗi giá trị sản xuất" do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 6/11, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho biết năm 2010, diện tích trồng cây đậu tương của Việt Nam là 205 nghìn ha, đến năm 2021 giảm xuống 36,8 nghìn ha, và dự kiến năm 2024 chỉ còn dưới 20 nghìn ha. Đây là con số rất báo động.

MỖI NĂM NHẬP KHẨU 1,5 – 2 TRIỆU TẤN HẠT ĐẬU TƯƠNG

Theo GS.VS Trần Đình Long, diện tích giảm, nhưng năng suất đậu tương tăng nhẹ, từ 1,49 tấn/ha năm 2017 lên 1,62 ha tấn/ha hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất đậu tương rất thấp, lợi nhuận bình quân chỉ 20 triệu đồng/ha. Hơn nữa, giá đậu tương sản xuất trong nước đang bị cạnh tranh với đậu tương nhập khẩu. Cụ thể, đậu tương trong nước có giá bán cao 25.000-30.000 đồng/kg, trong khi giá đậu tương nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 13.000 – 15.000 đồng/kg.

GS.VS Trần Đình Long cho hay đất trồng một số cây như lúa, ngô và một số cây hoa màu khác, do sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật quá mức dẫn đến đất bị thoái hoá nặng. Vì vậy, trồng luân canh các cây họ đậu như lạc, đậu xanh và đậu tương là rất cần thiết.

 

"Trồng đậu tương có tác dụng cải tạo đất. Mỗi ha trồng đậu tương để lại cho đất mỗi vụ ít nhất 20 kg Ni tơ nguyên chất, làm cho đất tơi xốp phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn”. 

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam.

GS. VS Trần Đình Long nhận định tiềm năng diện tích trồng đậu tương vụ Đông tại Đồng bằng sông Hồng lên tới 300 nghìn ha trên đất hai vụ lúa Xuân và lúa Mùa, riêng Hà Nội diện tích đậu tương Đông hàng năm có tiềm năng trên 30 nghìn ha.

TS Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm ngiên cứu và Phát triển cây đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cho biết đậu tương cung cấp nguồn protein, lipit và isoflavone thực vật giá trị nên nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng mạnh.

Trên thế giới, diện tích sản xuất đậu tương năm 2000 đạt 74,31 triệu ha, đến năm 2020 diện tích trồng đậu tương là 127,06 triệu ha. Năng suất đậu tương trên thế giới năm 2000 đạt 2,17 tấn/ha và đến năm 2020 đạt 2,8 tấn/ha, tăng 28,8%. Năm 2000, sản lượng đậu tương toàn thế giới đạt 161,31 triệu tấn đến năm 2020 đạt 355,37 triệu tấn. Như vậy, sản lượng đậu tương trên thế giới năm 2020 đã tăng 2,2 lần so với năm 2000.

Tại Việt Nam, đậu tương được trồng ở 26 tỉnh thành trên cả nước; trong đó khoảng 87,8% ở miền Bắc và 12,2% ở miền Nam. Diện tích đậu tương ở miền Bắc chiếm khoảng 58,8% được trồng ở vùng cao, những nơi đất không màu mỡ, 41,2% được trồng ở những vùng đất thấp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đậu tương sản xuất trong nước dùng để chế biến nhiều loại thực phẩm như tàu hũ, sữa đậu nành, sữa bột đậu nành, một ít dùng để sản xuất nước tương, tương, chao.

Số liệu nhập khẩu đậu tương năm 2024 chỉ mới tính trong nửa đầu năm.
Số liệu nhập khẩu đậu tương năm 2024 chỉ mới tính trong nửa đầu năm.

Do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến, nên hàng năm nước ta nhập khẩu lượng đậu tương rất lớn. Trong khi đậu tương sản xuất trong nước là các giống truyền thống, thì phần lớn đậu tương nhập khẩu và giống biến đổi gen.

Năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 1,7 triệu tấn đậu tương, giá trị 681,22 triệu USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10/2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 260 nghìn tấn đậu tương, với kim ngạch ước đạt 127,7 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng năm 2024, nước ta nhập khẩu đậu tương lên tới 1,85 triệu tấn, với giá trị ước đạt 953 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng, nhưng giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

TS Nguyễn Xuân Thu cho biết trong tổng số đậu tương hạt nhập khẩu, 80% sử dụng cho ép dầu, 5% để sản xuất thức ăn chăn nuôi và 15% làm thực phẩm cho người. “Nguồn tiêu thụ lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn lấy từ nguồn nhập khẩu vì giá rẻ, lấy được khối lượng lớn, chi phí trung gian thấp. Đây cũng là vấn đề trở ngại cho sản xuất đậu tương trong nước”, TS Thu nêu thực tế.

TRỒNG ĐẬU TƯƠNG PHẢI GẮN VỚI CHẾ BIẾN

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho hay vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất trồng trọt do có đất đai trù phú, phù sa màu mỡ. Toàn vùng có diện tích gần 1,3 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 3,8% diện tích toàn quốc.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây diện tích trồng đậu tương của vùng không tăng, mà có xu hướng giảm do hiệu quả sản xuất đậu tương thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác, do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá dẫn đến thiếu lao động  trầm trọng.

Quanh cảnh hội thảo.
Quanh cảnh hội thảo.

Đề xuất giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất đậu tương vụ Đông cho vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Dũng cho rằng cần quy hoạch, đầu tư hạ tầng đặc biệt các công trình tưới tiểu thủy nông cho các vùng sản xuất đậu tương. Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu về giống, biện pháp canh tác và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu. Xây dựng chính sách hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư cho người nông dân, tăng cường vai trò của doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

 

"Sản xuất đậu tương theo chuỗi giá trị, nhất thiết phải phát triển chế biến sâu: sữa đậu nành, bột dinh dưỡng, chế phẩm Isoflavone… Sử dụng các phụ phẩm: bã đậu phụ làm thức ăn chăn nuôi, thân lá đậu tương dùng làm giá thể nuôi nấm”.

GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam.

Cùng với đó, cần tổ chức sản xuất đậu tương vụ Đông cho vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng hữu cơ để lấy nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biên thực phẩm: chế biến sữa, đậu , các sản phẩm chế biến sâu từ đậu tương… để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất. Cần xác định được bộ giống đậu tương có năng suất cao, có tính thích ứng rộng... phù hợp với điều kiện vụ đông cho các địa phương trong vùng.

Ngoài ra, phải xây dựng được vùng sản xuất hạt giống đậu tương đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ cho sản xuất. Nhà nước cần đầu tư tập trung và có chính sách nhằm kích cầu cho cây đậu tương, hỗ trợ các địa phương về trang thiết bị máy móc công nghệ phục vụ sản xuất, đặc biệt cho đậu tương đông. Cần đầu tư kinh phí hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống mới và hoàn thiện các quy trình sản xuất cây đậu tương đạt năng suất cao.

Để đưa cây đậu tương trở lại thành cây trồng chủ lực, GS.VS Trần Đình Long cho rằng cần chọn tạo, phát triển giống đậu tương ăn tươi, đậu tương rau phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, kỹ thuật làm đất tối thiểu, cơ giới hoá trong thu hoạch trồng đậu tương theo hướng hữu cơ. Cần thu thập nguồn gen, lưu giữ tập đoàn cây đậu tương, phục vụ chọn tạo giống mới cho chế biến. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Trung tâm công nghệ cây trồng tại Úc, Ngân hành gen đậu tương tại Hoa Kỳ, Trung tâm rau màu châu Á – AVRDC, Đài Loan.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho xây dựng Đề án Phát triển sản xuất đậu tương vụ Đông và chế biến sữa đậu nành tại vùng Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 300 nghìn ha, sản lượng ước tính 600 nghìn tấn hạt đậu tương để làm sữa đậu nành và dược phẩm. Làm sao tương lai gần, xuất khẩu sữa đậu nành của Việt Nam chiếm 15% thị phần trên thế giới (hiện tại đạt 3% thị phần)”, ông Long đề xuất.