09:36 31/05/2011

Ngành du lịch và chuyện nhỡ dự án 150 triệu USD vì thủ tục

Hoài Ngân

Việt Nam đã “nhỡ” một dự án làm phim trị giá 150 triệu USD của hãng Universal Studios do thủ tục cấp phép quá phức tạp

Một cảnh trong series phim Bourne.
Một cảnh trong series phim Bourne.
Việt Nam đã “nhỡ” một dự án làm phim trị giá 150 triệu USD của hãng Universal Studios do thủ tục cấp phép quá phức tạp.

Đây là thông tin được ông Baron Ah Moo, giám đốc điều hành bộ phận khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Indochina Land, công bố tại một diễn đàn mới đây.

Theo ông Baron Ah Moo, hãng phim đến từ Mỹ đã tiến hành khảo sát về việc sản xuất và quay tập thứ 4 của Bourne - một series phim nổi tiếng trên toàn cầu, với diễn xuất của tài tử Matt Damon.

Tuy nhiên việc đàm phán kéo dài với một số bộ, ngành đã khiến Universal cảm thấy quá khó khăn trong việc xin giấy phép. Đồng thời, những trở ngại về hậu cần đã khiến hãng quyết định chuyển địa điểm làm phim sang một nước Đông Nam Á khác.

Hiệu ứng tác động đến công nghiệp du lịch từ phim ảnh là không nhỏ, đặc biệt là với những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Vẫn theo ông Baron Ah Moo, đây là một sự việc “đáng tiếc”, và sẽ tốt hơn nếu có một cơ chế ra quyết định nhanh hơn trong những trường hợp đặc biệt như vậy.

Ngành du lịch, lữ hành Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng với số lượt khách du lịch nước ngoài tăng 34% trong năm 2010 so với năm trước. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2011, với số lượt khách quốc tế đạt gần 2 triệu người tính đến tháng 4, tức tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, kinh doanh khách sạn, du lịch, nhà hàng đạt doanh thu hơn 187 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD), chiếm khoảng 9,5% tổng sản phẩm quốc dân của cả năm. Ngoài ra, theo như đánh giá của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), ngành này còn tạo ra khoảng 1,4 triệu việc làm trong năm 2011 trực tiếp và 3,8 triệu việc làm gián tiếp khác.

Nhưng theo các doanh nghiệp trong ngành, kết quả chưa thể hiện hết tiềm năng sẵn có của Việt Nam.

Nhóm công tác du lịch thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Thứ nhất, nhóm đề xuất thành lập hội đồng tư vấn du lịch với chức năng làm cầu nối trao đổi thông tin một cách đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Nhiệm vụ trọng tâm của hội đồng là nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là điểm đến du lịch và MICE (hội thảo, sự kiện, hội nghị, triển lãm) nhờ tạo điều kiện để các lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo ngành huy động nguồn tài lực, nhân lực, kỹ thuật vì lợi ích của ngành du lịch, lữ hành nói chung.

Thứ hai, nhóm đề xuất việc áp dụng đường lối phù hợp, nhất quán và có bài bản trong việc nâng cao hình ảnh điểm đến du lịch của Việt Nam. Tháng 1/2011, nhóm này đã thực hiện một khảo sát tiếp thị điểm đến, nhằm mục đích thu thập thông tin từ các thành phần liên quan trong ngành về việc xác định chiến lược của ngành du lịch Việt Nam.

Thứ ba, nhóm cho rằng Việt Nam cần giảm thiểu những hạn chế trong cấp thị thực đối với du khách quốc tế. Một cuộc điều tra đã cho kết quả là có tới 98% số người trả lời cho biết quy định về thị thực hiện nay đang là một cản trở đối với du khách.

Dẫn trường hợp Thái Lan, ông Baron Ah Moo nói Việt Nam còn có quá nhiều việc để làm nếu muốn phát triển ngành du lịch. Từ giữa đến cuối thập niên 1980, Thái Lan đã thu hút được 5-6 triệu lượt khách nước ngoài mỗi năm. Sau 30 năm, số lượt khách quốc tế đến Thái Lan hiện nay đã lên tới gần 15 triệu lượt người mỗi năm, bất chấp tình hình chính trị bất ổn tại nước này.

“Thành công của Thái Lan trong việc thu hút khách quốc tế, trong đó có nhiều du khách quay trở lại ngay từ châu Á và các thị trường ở xa khác, là kết quả của chính sách nhập cảnh cởi mở. Việt Nam cũng có thể đạt được thành công tương tự nếu áp dụng một cơ chế “cấp visa tại cảng đến” thực sự. Chúng tôi cho rằng những quy định về cấp thị thực hiện hành của Việt Nam đang cản trở khả năng thu hút du khách nước ngoài, nhất là thu hút du khách quay trở lại”, ông Baron Ah Moo nói.