Nghị trường Quốc hội "nóng" vấn đề thất thoát, lãng phí tài sản công
Từ 2016-2021, đã có hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí, bao gồm nhiều dự án đầu tư công sai phạm và phải xử lý hình sự. Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng...
Ngày 31/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Vấn đề thất thoát tài sản công trong 5 năm qua nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội ngày 11/10, từ 2016-2021, đã có hơn 3.000 dự án có thất thoát, lãng phí, bao gồm nhiều dự án đầu tư công sai phạm và phải xử lý hình sự. Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó là hàng nghìn dự án chậm tiến độ với số lượng tăng dần qua các năm, trong đó chủ yếu là dự án lớn, trọng điểm quốc gia tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn - ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên…
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn khi hiện tượng lãnh phí trong lĩnh vực công nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư.
Theo đại biểu, công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm, chú trọng vào chất lượng, từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nỗ lực. Thế nhưng, tại khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ.
“Nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, đó là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, không vì cái chung, không vì tập thể. Việc tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công, đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của Quốc gia lên trên lợi ích cá nhân”, đại biểu Nga chỉ ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo dứt khoát, sớm đưa các dự án chậm tiến độ vào sử dụng để tránh lãng phí. Cùng với đó, các cơ quan cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công.
Tranh luận với bà Nga, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) đồng tình với quan điểm cho rằng nguyên nhân dẫn đến lãng phí là do lợi ích cá nhân, nhưng ông cho rằng đây không phải nguyên nhân chính mà là thể chế liên quan tới việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Một trong những nguyên nhân chủ yếu và xuyên suốt của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đó là thể chế liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều bất cập. Qua kết quả giám sát cho thấy, công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Có trường hợp còn sơ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực”, ông Thắng chỉ ra.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2019 các bộ, ngành vẫn còn nợ 9 văn bản hướng dẫn các luật, năm 2020 còn nợ 7 nghị định và còn 30 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng chưa được ban hành. Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt những lỗ hổng về cơ chế chính sách đối với nhiều lĩnh vực như đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, quản lý đất đai đô thị, tài nguyên khoáng sản – đại biểu đoàn Kiêng Giang chỉ ra.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhận thức của người đứng đầu, công tác thống kê cập nhật biến động chưa kịp thời… Việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.
Ngoài ra, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí.
“Cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để”, đại biểu Kiều kiến nghị.
Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng sốt, nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề còn tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Cũng quan tâm về công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc công, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho biết công tác rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì hai đến ba trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính.
“Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp ổn định trụ sở làm việc vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Trong khi đó, vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng”, ông Mạnh chỉ ra.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng nêu thực trạng một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức, hay cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở bị bỏ hoang.
Một số cơ quan ngành dọc của địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
“Quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, pháp luật hiện nay chưa có quy định về thời hạn xử lý tài sản dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, một số vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi bán trụ sở làm việc, quy trình xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể còn nhiều bất cập, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan”, đại biểu chỉ ra.
Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở cơ quan, tổ chức, các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý tài sản để có phương án xử lý dứt điểm. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành có trụ sở dôi dư ở các địa phương khẩn trương có phương án tổ chức thu hồi, điều chuyển, xử lý, bàn giao cho địa phương theo quy định để các đưa các trụ sở, nhà đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực.