08:41 09/04/2008

Nghịch lý giá lương thực

Dương Ngọc

Giá lương thực ở trong nước tăng đâu có phải do thiếu về số lượng?

Giá gạo được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Giá gạo được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Giá tiêu dùng tăng cao trong năm trước và "lồng lên" trong những tháng đầu năm nay, ngoài nguyên nhân do các nhóm hàng như nhà ở, vật liệu xây dựng, xăng dầu giá tăng cao thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá nhóm lương thực - thực phẩm, đặc biệt là lương thực.

Tác động của nhóm này đến giá chung được xét trên hai mặt. Một mặt là do nhóm hàng này vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi cho tiêu dùng (42,85%, đối với nhóm dân cư nghèo còn cao gấp rưỡi).

Mặt khác, tốc độ tăng giá của nhóm hàng này cao hơn nhiều so với tốc độ chung (chẳng hạn như giá lương thực tháng 3 tăng tới 10,5%, trong khi tốc độ tăng chung là 2,99%, 3 tháng tương ứng là 17,91% so với 9,19%, tính theo năm là 30,14% so với 19,39% - có nghĩa là cao gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba tốc độ tăng chung tuỳ theo mốc so sánh).

Đành rằng sản lượng lương thực cả năm trong năm trước tăng thấp. Đành rằng ở miền Bắc lúa đông xuân gặp rét đậm, rét hại kéo dài hiếm thấy và gây thiệt hại nghiêm trọng làm hơn 170 nghìn ha lúa đông xuân và 12 nghìn ha mạ bị chết rét lại đang ở trong thời kỳ giáp hạt,... nhưng sản lượng lúa đông xuân ở ĐBSCL ước đạt 9,4 triệu tấn, tăng trên 300 nghìn tấn do tăng cả diện tích và năng suất. Trong khi khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng năm nay mới chỉ tăng 43 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, giá lương thực ở trong nước tăng đâu có phải do thiếu về số lượng? Nhưng giá lương thực vẫn tăng rất cao và theo dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Lý giải nghịch lý trên, các chuyên gia đã đưa ra hai nhóm nguyên nhân chủ yếu:

Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do chi phí đầu vào tăng quá cao. Chi phí đầu vào đối với sản xuất lương thực bao gồm nhiều loại chi phí trực tiếp cho cây trồng bao gồm phân bón, thuốc trừ sâu. Giá phân bón nhập khẩu tăng tới gần 75%, đã làm tăng tới 160 triệu USD, tương đương với khoảng 2.560 tỷ đồng. Giá thuốc trừ sâu cũng tăng khoảng trên 50%, đã làm tăng khoảng 80 triệu USD, tương đương với khoảng 1.280 tỷ đồng. Mới chỉ hai khoản trên đã làm tăng gần 4 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 16,5% GDP do toàn ngành nông nghiệp tạo ra trong quý 1/2008.

Ngoài chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu trên, còn có chi phí xăng dầu phục vụ tưới tiêu nước, vận chuyển, cày bừa máy,... đều tăng cao.

Nhóm nguyên nhân thứ hai không phải ai cũng nghĩ tới, đó là giá lương thực trên thế giới tăng cao đã kéo giá trong nước tăng lên theo. Giá gạo xuất khẩu quý 1 này đã tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa mì còn tăng cao hơn, lên đến 56,2%. So với tốc độ tăng của giá thế giới trong quý I năm nay so với quý I năm trước (35,4%), thì tốc độ tăng tương ứng của giá lương thực trong nước mới có 21,5%, còn thấp hơn nhiều, chưa bằng hai phần ba.

Điều đó chứng tỏ, tốc độ tăng giá lương thực ở trong nước còn có khả năng cao hơn nữa.

Giá lương thực trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nhu cầu đối với lương thực dùng cho người và chăn nuôi tăng mạnh. Có nguyên nhân do giá dầu tăng và ở mức rất cao, giá lương thực đứng lâu ở mức quá thấp, một số nước đã sử dụng một phần lương thực có giá thấp này để sản xuất nhiên liệu sinh học để thay thế, lại có ưu điểm là nhiên liệu sạch. 

Ở Việt Nam, trong một vài năm nay, diện tích và sản lượng trồng sắn tăng vọt, đã xuất khẩu một lượng lớn hàng triệu tấn có lẽ cũng để phục vụ yêu cầu chế biến nhiên liệu sinh học và ngay ở Việt Nam cũng đang nghiên cứu (hoặc có thông tin là đã có nhà máy) sử dụng sắn để chế biến nhiên liệu sinh học.

Nếu thông tin đó là đúng thì đề nghị dừng ngay, bởi sắn là loại cây tuy hiện nay không thống kê vào sản lượng lương thực có hạt, nhưng vẫn là cây lương thực có củ, cung cấp chất bột cho người khi lương thực có hạt bị thiếu, và cung cấp thức ăn tinh cho chăn nuôi, hơn nữa mở rộng diện tích sắn sẽ làm cho đất bạc màu nhanh rất nguy hiểm.

Có nguyên nhân do nhiều nước đã chạy theo phát triển công nghiệp, dịch vụ, tốc độ đô thị hoá cao, lấn đất trồng lúa; nông dân bỏ ruộng đất sang làm công nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao hơn.

Có nguyên nhân do một số nước phát triển đã trợ cấp lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng, làm cho giá lương thực của các nước này thấp, kìm giá lương thực của các nước đang phát triển trong suốt vài chục năm qua. Nay do nhu cầu tăng cao, cộng với cuộc đấu tranh dai dẳng của các nước đang phát triển đòi các nước phát triển bỏ trợ cấp xuất khẩu lương thực, tuy không đạt được trên bàn hội nghị, nhưng đã thắng lợi trên thực tế thị trường do diện tích và số người làm lương thực giảm mạnh.

Từ tình hình này, Việt Nam cũng cần rút ra bài học cho mình về hai mặt. Một mặt, cần tránh lấy đất lúa làm việc khác, bảo vệ diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng ngô, giảm diện tích trồng sắn để bảo đảm an ninh lương thực trong nước (vì mỗi năm vẫn tăng trên 1 triệu người) và tranh thủ thời cơ giá thế giới tăng cao.

Mặt khác, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong khuôn khổ 10% giá trị nông nghiệp theo phạm vi mà WTO cho phép để giảm chi phí đầu vào, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề, chế biến làm tăng giá trị nông sản...