Người tiêu dùng dễ nhầm lẫn cherry Mỹ và Trung Quốc
Cherry là loại trái cây nhập khẩu bắt mắt có chứa hàm lượng dinh dưỡng khá ấn tượng. Loại quả "đắt xắt ra miếng" này được cho là rất tốt cho sức khỏe.
Bạn có biết, khoảng 100gr cherry có chứa lượng calo, chất xơ và carbohydrate nhiều vượt trội so với 100gr cam hoặc táo? Loại quả này hầu như không chứa chất béo. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời cho cơ thể. Nó có khả năng giúp cơ thể chống lại các loại bệnh phổ biến và nghiêm trọng như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và ung thư. Cherry còn được cho là chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm, giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ bệnh tật.Từ tháng 5 - 8 là thời điểm cherry Mỹ và Trung Quốc vào mùa thu hoạch. Còn mùa vụ của cherry Úc thường rơi vào từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Tại thị trường TP.HCM, nguồn cung dồi dào đang khiến cho giá bán các loại trái cây ngoại nhập giảm mạnh. Ở cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu ở quận 1, ghi bảng giá cherry size 10 nhập từ Mỹ giá 360.000 đồng/kg. 2 loại cherry khác có kích thước lớn hơn giá dao động từ 390.000 – 450.000 đồng/kg.
Có thể nói, cherry là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất tại các cửa hàng trái cây nhập khẩu. Khách hàng thường hy vọng mua được cherry nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, chị Mỹ Trâm (chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, nhìn sơ qua rất khó phân biệt được đâu là cherry Mỹ, Úc và cherry Trung Quốc. "Với điều kiện bảo quản dưới 10 độ C thì những loại cherry Mỹ chỉ giữ được tầm 1 tuần đến 10 ngày. Trong khi đó, cherry Trung Quốc giữ tươi lâu hơn, trái mềm, ăn vào có vị ngọt nhưng không dịu, thậm chí còn có vị chua", chị Mỹ Trâm chia sẻ.Theo số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM, từ tháng 1-7/2019 có hơn 800 tấn cherry được nhập về thị trường TP.HCM. Cherry Mỹ chiếm hơn 350 tấn, tổng trị giá hơn 2,8 triệu USD. Trong khi đó, cherry nhập từ Úc 6 tháng đầu năm 2019 đạt 250 tấn. Còn lại, cherry Trung Quốc phần lớn nhập qua đường tiểu ngạch.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Ngã - chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (cục Bảo vệ thực vật) cho biết, không có bất kì doanh nghiệp nào nhập khẩu từ Trung Quốc, trên giấy tờ các doanh nghiệp chỉ nhập cherry từ Mỹ, Úc… Như vậy, các loại Cherry giá rẻ trên thị trường nếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì 100% là nhập lậu và chất lượng loại cherry Trung Quốc như thế nào vẫn chưa được kiểm nghiệm.
Ngoài ra, không chỉ có những loại trái cây đã bị báo chí phản ánh là nho và cherry mà còn có nhiều loại hoa quả khác rất dễ nhầm lẫn như dưa vàng, táo "xuất xứ Trung Quốc, bán giá Mỹ" vẫn được bày bán.Dễ dàng phân biệt nhất, người tiêu dùng cần hiểu được rằng nếu cherry được bày bán tràn lan dưới nắng nóng khói bụi nhưng vẫn tươi ngon, không hư hại và nhìn lấp lánh… là do được tẩm hóa chất. Nếu nhìn kỹ, cherry Mỹ hay Úc nhập khẩu có vỏ ngoài đỏ sẫm hoặc đỏ tươi, vỏ ngoài sáng bóng, trái rất chắc, phần cuống còn màu xanh, mọng nước, nhưng không mềm nhũn, ăn rất giòn có vị ngọt thanh dịu. Kích thước quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phải đạt từ đường kính 27mm trở lên.
Trong khi đó, cherry Trung Quốc trái mềm, có màu đỏ tươi nhưng nhạt màu, vỏ láng bóng và không đồng đều, khi ăn sẽ nhũn chảy nước, xốp, thậm chí còn có thể chua.