18:55 14/04/2012

Nguy cơ từ chất tạo nạc: “Phải công khai các vi phạm”

Quý Hiểu

Thói quen sử dụng nội tạng của người Việt đã khiến nguy cơ gây hại của chất tạo nạc trở nên cao hơn

“Nước ta đã có hệ thống luật pháp hoàn toàn đủ mạnh và phù hợp với thông lệ thế giới. Chúng ta phải phải áp dụng luật để thực hiện hình thức răn đe đủ mạnh”.
“Nước ta đã có hệ thống luật pháp hoàn toàn đủ mạnh và phù hợp với thông lệ thế giới. Chúng ta phải phải áp dụng luật để thực hiện hình thức răn đe đủ mạnh”.
Thói quen sử dụng nội tạng của người Việt đã khiến nguy cơ gây hại của chất tạo nạc trở nên cao hơn, TS. Nguyễn Đăng Vang, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo về vấn đề sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm, tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội.

Thưa ông, hiện nay có những cách thức nào để tạo nạc trong chăn nuôi lợn? Tại sao nhiều quốc gia trên thế giới có sử dụng chất tạo nạc nhưng an toàn cho người sử dụng, còn ở Việt Nam thì không?

Để tạo ra thịt nạc trong chăn nuôi có nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên là giống. Con giống hấp thụ thức ăn và tự nó tạo ra nạc. Ví dụ lợn Ỷ, lợn Móng Cái mỡ nhiều, chỉ có 33% là nạc.

Cũng giống lợn trên, với cách thức cho ăn thức khác sẽ cho tỷ lệ nạc tới 58%. Người chăn nuôi đưa vào trong thức ăn một số chất quan trọng như đỗ tương hay bột cá, đây là những sản phẩm tự nhiên để tạo nạc. Phương pháp này khá phổ biến được thế giới sử dụng nhiều.

Ngoài ra, người ta cũng có thể đưa vào đó một số chất kích thích thuộc nhóm Beta-agonist để tăng độ nạc lên tới 75%. Chất này được đưa vào chăn nuôi. Nhưng ở thế giới, trước khi bán hai tuần phải dừng, thậm chí ngày cuối cùng trước khi giết mổ không được cho lợn ăn bất kỳ một chất nào. Như vậy, sản phẩm thịt sẽ không còn tồn tại chất kích thích nào nữa.

Nhưng điều này rất khó ở Việt Nam. Người chăn nuôi Việt Nam không làm như vậy. Họ cho lợn ăn tới ngày cuối cùng, vì vậy sẽ không có lợi cho sức khỏe con người. Điều đáng nói nữa do tập quán, thói quen người Việt Nam thường sử dụng các nội tạng như thận, gan, trong khi đây là những bộ phận chứa rất nhiều các chất đó.

Biện pháp nào để người chăn nuôi nói không với các chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thưa ông?

Bản thân người chăn nuôi không thể nói không được. Vấn đề là phải tăng cường điều kiện giúp đỡ người chăn nuôi có hiệu quả, thông qua chương trình giống, khuyến nông, tập huấn, hỗ trợ vốn… Nhiều chính sách đi kèm, song quan trọng nhất là phải có lực lượng tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và bất chợt theo các văn bản, chế tài quy định đã ban hành.

Nước ta đã có hệ thống luật pháp hoàn toàn đủ mạnh và phù hợp với thông lệ thế giới. Chúng ta phải phải áp dụng luật để thực hiện hình thức răn đe đủ mạnh. Việc tự nguyện là quá trình lâu dài. Tức là bên cạnh thanh kiểm tra mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Đây là biện pháp quan trọng.

Biện pháp nữa là phải công khai các cơ sở vi phạm trên báo chí. Như với sự vào cuộc của truyền thông về chất Melamine trong sữa của một số đơn vị nên người tiêu dùng đã tẩy chay, doanh nghiệp gặp khó. Như vậy, doanh nghiệp thiệt hại mạnh. Đây là hình thức mạnh nhất để người chăn nuôi nói không với chất cấm.

Hiện nay các nước cho phép một ngưỡng nhất định trong việc có chất cấm trong thịt còn tại Việt Nam thì cấm hoàn toàn. Điều này có gây thiệt thòi cho người chăn nuôi trong nước?

Chăn nuôi chỉ là một khâu trong chuỗi thực phẩm an toàn. Khâu quan trọng cuối cùng là người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta thấy do tập quán chăn nuôi và tiêu dùng của người dân như nói ở trên thì chất đó tồn dư trong thực phẩm (thận, gan) ảnh hưởng người tới sức khỏe.

Chúng ta cấm điều này là đúng. Người sản xuất có bị ảnh hưởng một phần bởi công nghệ chăn nuôi mới. Cho nên, nếu vì người sản xuất thì lại làm ảnh hưởng tới người người tiêu dùng và ngay chính cả với người chăn nuôi.

Trong thời gian tới nên áp dụng giải pháp nào nhằm thay đổi cách thức chăn nuôi nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao?

Để có hiệu quả, các khâu chăn nuôi phải liên hoàn và liên kết với nhau từ khâu chọn lọc giống cho tỷ lệ nạc cao, tiếp đó là thức ăn… Tức là bằng con đường khoa học, chúng ta có thể giảm chi phí và tăng tỷ lệ nạc.

Ngoài ra, cũng phải quan tâm tới vấn đề vệ sinh thú y. Chúng ta còn phải kết hợp hài hòa giữ năng lượng, protein, khoáng chất thì lúc đấy lợn phát triển tốt, thịt chất lượng cao. Còn không cứ có chất gì trên thế giới dùng chúng ta cũng phải dùng vì còn phụ thuộc vào tập quán.

Như đã nói ở trên, với thói quen ăn nội tạng của người dân trong khi chúng ta vẫn chưa khuyến cáo thì không thể cho lợn ăn chất này được.

Chất cấm theo một số thông tin chủ yếu vào Việt Nam qua đường biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khuyến cáo người chăn nuôi thì việc kiểm duyệt chất cấm này như thế nào?

Hiện nay chất cấm phải truy xuất nguồn gốc và phải kiểm tra cơ sở nuôi lợn mua sản phẩm ở đâu và phân tích sản phẩm đó. Khi sản phẩm đó cùng nhãn mác với nhiều nơi khác nhập về chứ không phải cùng một nơi thì chúng ta phải lấy nhiều nguồn khác nhau để xác định chất đó có nguồn gốc từ nơi sản xuất hay không. Nếu chỉ thấy một nơi sản xuất thì chỉ xử lý nơi đó chứ không thể xử lý tất cả các nơi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị cấm sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, trong khi Bộ Y tế lại cho phép. Có những lo ngại đây là kẽ hở để doanh nghiệp nhập khẩu, thưa ông?

Chúng ta vẫn phải cho kháng sinh vào người chữa bệnh nhưng còn để ăn hàng ngày thì không ai ăn. Thuốc không phải thực phẩm. Do đó không phải là kẽ hở vì nếu nhập vào mục đích gì thì nó liên quan tới hệ thống thuế và tờ khai khác nhau.