10:58 22/08/2007

“Nhà bếp của thế giới”: Người Thái đã đi trước

Không biết tự bao giờ, tinh thần cạnh tranh gay gắt với Việt Nam đã được bí mật (?) triển khai trong các cơ quan xúc tiến và thương mại Thái

Website quảng bá chương trình “Kitchen of the world” do Uỷ ban PR Quốc gia Thái Lan thực hiện.
Website quảng bá chương trình “Kitchen of the world” do Uỷ ban PR Quốc gia Thái Lan thực hiện.
Bài viết của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (IPTC).

Tôi đành phải nói ra sự thật đó dù vài tờ báo và chuyên gia đã hưởng ứng gợi ý của Philip Kotler tại hội thảo “Marketing mới trong thời kỳ mới” do PACE tổ chức ngày 17/8 tại Tp.HCM. Tôi vừa kiểm tra ngay trước khi viết bài và bạn có thể search dễ dàng với Google để kiểm chứng.

Ngay khi ngồi nghe trực tiếp Philip Kotler hào hứng nêu ví dụ “Việt Nam có thể định vị mình thành nhà bếp của thế giới”, tôi đã tự giải thích, ở tầm cao của ông, có lẽ ông khó có thể biết đến chương trình “Kitchen of the world” của Thái từ nhiều năm qua.

Nhưng ở tầm thấp và cụ thể của một người làm xúc tiến chuyên nghiệp và cũng là nhà báo, tôi vẫn dõi theo những chương trình xúc tiến rất hiệu quả của Thái với nhiều nỗi khổ tâm khi thấy Việt Nam không ít cơ hội bị mất.

Xây dựng nhà bếp của thế giới một cách chuyên nghiệp

Ở hội chợ thực phẩm quốc tế lớn nhất thế giới có tên SIAL Paris năm 2004 tôi thấy khẩu hiệu “Kitchen of the world” lần đầu tiên. Gian hàng lớn của Thái trang trí toàn bằng kính, sang, sáng và sạch, nổi bật hàng chữ rất kiêu hãnh đó.

Khi về, tôi đã tìm thêm tin và chuyển vào bài viết “Franchise nỗi nhớ” trên báo Xuân Sài Gòn Tiếp Thị 2007. Xin chép lại đây đôi dòng: “Chiến lược xuất khẩu mới đây của Thái cho những năm 2005-2010 lại có một chương trình xúc tiến xuất khẩu tập trung, nhất quán giúp phát triển chuỗi nhà hàng Thái ở hải ngoại có cái tên rất kêu là: Bếp ăn của thế giới với các hoạt động hỗ trợ chuyên nghiệp như cấp giấy chứng nhận “tiêu chuẩn chất lượng được thế giới công nhận” cho chuỗi nhà hàng mang tên “Thai brand”, mở trường dạy nghề nấu ăn “món Thái đích thực” để đào tạo bếp trưởng cho các nhà hàng Thái trên thế giới, cho cả khách muốn thực hành”.

Người Thái không mệt mỏi với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu. Một dự án lớn là phát triển chuỗi franchise nhà hàng Thái hiệu “Con voi xanh” (Blue elephant) mà chính phủ hỗ trợ cho những ai muốn kinh doanh thức ăn Thái về cả bốn lãnh vực: cung cấp thiết kế trang trí nhà hàng, bếp trưởng và bồi đã huấn luyện đúng chuẩn, nguyên liệu nấu thức ăn và cả hàng mỹ nghệ của Thái bán tại các cửa hàng. Ai muốn mở cửa hàng sẽ được cho vay vốn, được huấn luyện, cung cấp thiết bị, nhân lực và cả nguyên liệu. Qua chuỗi franchise này, rõ ràng người Thái được bốn năm thứ lợi cùng lúc: quảng bá hình ảnh nước Thái; bán đồ nội thất, thiết bị; nguyên liệu, hàng mỹ nghệ và cả giải quyết lao động (xem website www.blueelephant.com).

Báo chí ta gần đây vừa nói tới tấm bảng có nội dung “khích tướng” người Thái cảnh báo có thể bị người Việt Nam qua mặt. Không biết tự bao giờ, tinh thần cạnh tranh gay gắt với Việt Nam đã được bí mật (?) triển khai trong các cơ quan xúc tiến và thương mại Thái. Mấy năm trước, đi dự một khoá nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Hà Lan, tôi chơi rất thân với một bà bạn Thái làm ở Cục Xúc tiến xuất khẩu Thái (DEP). Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, nhưng thử hỏi chuyện công việc của DEP là bà từ chối thẳng thừng nói là chuyện đó bí mật.

Về cuộc cạnh tranh với người Thái mà đôi khi hình như người Việt lại ít chú tâm, sáng nay, tôi vừa đọc được bài anh Dương Trung Quốc viết về chuyện chó Phú Quốc. Anh kể rằng, có một mẩu tin trên báo nước ngoài thuật lại là có một thời gian, người Thái cho ngư dân ghé vào Phú Quốc cứ đổi thuốc lá Samit lấy chó Phú Quốc, sau đó, có công ty đã xuất hàng ngàn con chó Phú Quốc sang Thái. Và việc chuyển hoá thương hiệu chó Phú Quốc hay nước mắm Phú Quốc thành “made in Thailand” cũng là cách làm quen thuộc của người Thái.

Phở Việt Nam và ưu thế cạnh tranh còn chưa được khai thác

Tại buổi ăn tối với Philip Kotler do Câu lạc bộ Thương hiệu dẫn đầu và PACE tổ chức tối 16/8, khi nghe giới thiệu về Phở 24, ông đã đề cập ngay đến thế mạnh về ẩm thực của Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh với thế giới.

Thực tế thì Phở Việt Nam đang là món kinh doanh ngon lành hấp dẫn và phát triển mạnh trên thế giới. Ở Hàn Quốc hiện có hơn 200 nhà hàng bán thức ăn Việt do người Hàn làm chủ và họ học cách nấu phở qua các Việt kiều bên Mỹ rồi truyền lại cho thân nhân người Hàn mở quán. Một đường vòng ngộ nghĩnh.

Hôm chia tay Việt Nam, bà đại sứ Thuỵ Điển Anna Linsted nói với tôi, hãy nghĩ đến việc mở chuỗi nhà hàng bán phở ở Stockholm mà theo bà, thức ăn Trung Quốc bây giờ hết hấp dẫn vì quá nhiều dầu mỡ. “Thời của Phở Việt Nam đang đến”, bà nhấn mạnh.

Tính hấp dẫn và ưu thế của Phở Việt Nam chắc không cần bàn cãi, qua thực tế. Còn lại là một chính sách quốc gia về xây dựng thương hiệu Việt Nam qua ẩm thực.

Viết tới đây, tôi hơi giật mình, có lẽ mình cũng bị ảnh hưởng chiêu “khích tướng” của họ chăng? Không, không phải, tôi chỉ nói trên những chứng cớ thu thập với tất cả siêng năng, kiên nhẫn.

Tóm lại, có một sự thật cụ thể là người Thái lại đã đi trước chúng ta để tuyên ngôn muốn làm nhà bếp của thế giới. Nhưng sự thực cụ thể đó cũng có ích: chúng ta cứ tự tin làm cái gì đó, ví dụ như “nền ẩm thực hấp dẫn bổ dưỡng nhất thế giới” với thế mạnh riêng, chọn những khía cạnh khác biệt và tập trung đúng mức với một chính sách quốc gia được xây dựng nghiêm túc và triển khai thực hiện kiên trì với một cơ quan chuyên nghiệp, sống chết với chủ trương đã đề ra.

Cơ hội vẫn còn đó cho những ai có đủ tình yêu đất nước, lòng tự trọng dân tộc và kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp.

* Khi tiếp xúc với đội ngũ chuyên gia xúc tiến của nhiều quốc gia khắp các châu lục, tôi rất ấn tượng với người Thái. Họ có kỷ luật nghiêm và tính chuyên nghiệp cao, nhưng trên hết là tinh thần sôi sục máu lửa và nhất quán trong cạnh tranh giành thắng lợi về cho doanh nghiệp và đất nước mình. Họ có một Hoàng hậu chăm lo từng bước đi cụ thể cho hoạt động xúc tiến và một Thủ tướng ăn cơm trò chuyện thường xuyên với doanh nghiệp, các bộ, cục liên quan đưa ra được chủ trương tốt, chính sách phù hợp và lộ trình thực hiện bền bỉ, chuyên nghiệp. Đi tới đâu tôi cũng lặng lẽ nhìn họ hành động và suy nghĩ dù ở Nam Phi, Đức, Mỹ, Trung Quốc, hay gần nhất và điển hình nhất là… Campuchia.