08:19 03/08/2011

Nhà đầu tư vàng, “chứng” đang dõi theo điều gì?

Diệp Anh

Rạng sáng ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật dự luật nâng mức trần nợ của nước này

Nhà đầu tư đang phải đương đầu với quá nhiều thông tin bất lợi.
Nhà đầu tư đang phải đương đầu với quá nhiều thông tin bất lợi.
"Các nhà đầu tư đã chuyển những lo lắng từ việc nâng trần nợ công sang những vấn đề thực tế của nền kinh tế", Fred Dickson, trưởng chiến lược gia thị trường thuộc hãng The Davidson Cos. ở Lake Oswego (Oregon, Mỹ), nhận định.

Rạng sáng ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật dự luật nâng mức trần nợ, giúp cho cường quốc kinh tế này khỏi bị vỡ nợ. Ông Obama ký dự luật trên ngay sau khi nó được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua, với tỷ lệ 74 phiếu thuận trên 26 phiếu chống.

Như vậy, trần nợ công của Mỹ được nâng thêm 2.100 tỷ USD cho tới năm 2013 và cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trước đó, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ phiếu thuận so với phiếu chống là 269/161.

Việc thông qua dự luật đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Washington hơn một tháng qua. Phát biểu trong chương trình “Good Morning America” trên kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, cho biết thỏa thuận trên sẽ tạo cơ hội cho lĩnh vực tư nhân phát triển.

Theo ông Geithner, các biện pháp cắt giảm chi tiêu ngắn hạn là rất nhỏ nhưng các khoản tiết kiệm dài hạn lại rất lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, đạo luật này chỉ là bước khởi đầu để giúp nước Mỹ tránh khỏi thảm họa vỡ nợ.

“Đây chỉ là những bước đi đầu tiên của chúng ta, đạo luật thỏa hiệp yêu cầu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải cùng nhau bàn về một kế hoạch tổng thể hơn để cắt giảm thâm hụt ngân sách, điều này rất quan trọng đối với sự lành mạnh mang tính dài hạn của nền kinh tế Mỹ", Tổng thống Mỹ phát biểu từ Nhà Trắng.

Ông Obama cho hay, nếu muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách, Quốc hội Mỹ còn phải làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới. "Chúng ta không thể giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách chỉ bằng cắt giảm chi tiêu, chúng ta cần phải có phương pháp tiếp cận cân bằng”, ông nói.

Chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc, cũng tỏ ra chưa bị thuyết phục mấy. Tờ Nhân dân nhật báo bình luận, "về cơ bản Mỹ đã tránh được nguy cơ vỡ nợ, nhưng chưa thể giải quyết vấn đề nợ công. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế Mỹ, và gia tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu”.

Ngay sau Thượng viện bỏ phiếu, tổ chức định mức Fitch Ratings cho rằng thỏa thuận nâng trần nợ đồng nghĩa với việc rủi ro vỡ nợ công của Mỹ là “rất thấp” và nước này xứng đáng với mức xếp hạng tín nhiệm AAA. Song, Fitch vẫn cảnh báo Washington phải cắt giảm nợ nần nếu không muốn bị hạ bậc trong tương lai.

Sau Fitch Ratings vài giờ, tổ chức Moody's cũng xác nhận mức tín nhiệm Aaa dành cho Mỹ, cũng bởi quyết định nâng trần nợ công. Tuy nhiên, Moody's vẫn đặt kinh tế Mỹ trong triển vọng tiêu cực và cho rằng điều này có thể sẽ tạo sức ép khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Triển vọng tiêu cực của Moody's đồng nghĩa với việc Mỹ vẫn có khả năng bị hạ bậc tín nhiệm cao nhất trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Hiện chỉ còn tổ chức Standard & Poor's là vẫn im hơi lặng tiếng về mức xếp hạng tín nhiệm của kinh tế Mỹ. Tương tự như Moody's, trước khi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận trần nợ, Standard & Poor's cũng cảnh báo sẽ hạ bậc tín dụng cao nhất của nền kinh tế đầu tàu.

Trả lời hãng tin Reuters, Chủ tịch bộ phận xếp hạng tín nhiệm nợ của Standard & Poor's, John Chambers cho biết rủi ro Mỹ bị mất định mức tín nhiệm AAA trong 3 tháng tới đang tăng lên, ngay cả khi lưỡng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công.

Như vậy, tới lúc này, nỗi lo trần nợ về cơ bản đã được xóa mờ, trong khi những quan ngại về khả năng Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm thì vẫn như "lưỡi hái tử thần" lơ lửng trên đầu. Do vậy, kết quả giao dịch tồi tệ của thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua không có gì là quá ngạc nhiên.

Chốt phiên giao dịch 2/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 265,87 điểm, tương ứng 2,19%, xuống còn 11.866,62 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 32,89 điểm, tương ứng 2,56%, xuống còn 1.254,05 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 75,37 điểm, tương ứng 2,75%, xuống 2.669,24 điểm.

Trong khi đó, giá vàng quốc tế lại vọt lên, xác lập mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex ở New York đã tăng tới 22,8 USD, tương đương tăng 1,4%, lên 1.644,5 USD/oz.. Giá vàng giao ngay trong phiên hôm qua đã ghi kỷ lục mới của mọi thời đại, 1.661,9 USD/oz.

Adam Klopfenstein, chiến lược gia cao cấp của MF Global Holding Ltd tại Chicago cho rằng "Dòng tiền đang chảy mạnh vào vàng khi có rất nhiều sự không chắc chắn về khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu".

Việc tăng giá của vàng còn do nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ phải tung ra gói kích thích kinh tế trước tình trạng suy thoái của nền kinh tế. Ngoài ra, hoạt động đẩy mạnh gom vàng của các ngân hàng trung ương như Hàn Quốc mua 25 tấn, Hy Lạp mua 1.000 oz để dự trữ…càng làm giá vàng sôi sục

Lo ngại kinh tế toàn cầu đang mất dần động lực tăng trưởng đã biến vàng trở thành thiên đường để đầu tư. Hôm qua, những báo cáo về tình hình kinh tế u ám của Mỹ và châu Âu đã góp phần làm những quan ngại này bị đẩy lên cao hơn và ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên trong gần 2 năm vào tháng 6 vừa qua, trong khi chi tiêu dùng gần như không đổi. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng giảm 0,2% trong tháng 6. Trong khi đó, thu nhập cá nhân tháng 6 tăng 0,1%, mức tăng nhẹ nhất kể từ cuối tháng 11/2010.

Trước đó một ngày, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) thông báo lĩnh vực sản xuất Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 2 năm vào tháng 7 vừa qua. Chỉ số sản xuất của ISM trượt mạnh xuống 50,9 điểm, kém khả quan hơn dự báo 54 điểm của các nhà kinh tế và mức 55,3 điểm trong tháng 6.

Hai bản báo cáo u ám đưa ra trong hai ngày liên tiếp đã bổ sung thêm cho công bố cuối tuần trước về tăng trưởng GDP quý 2 của nền kinh tế đầu tàu chỉ đạt 1,3 %/năm trong quý 2, trong khi tăng trưởng của quý 1 sau khi được điều chỉnh lại chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%.

Trong khi đó, từ châu Âu, vấn đề nợ công bắt đầu trở lại, khi đã có ngân hàng công bố thua lỗ bởi tác động từ cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Hôm qua, ngân hàng Pháp BNP Paribas SA cho biết bị thiệt hại 768,3 triệu USD do vấn đề nợ của Hy Lạp. Điều này đã ảnh hưởng không ít tới tâm lý nhà đầu tư.

Theo giới phân tích, hiện thị trường đang ngóng chờ bản báo cáo việc làm hàng tuần của Mỹ dự kiến sẽ công bố trong ngày 5/7. Tính quyết định về thăng giảm của các thị trường hàng hóa sẽ tùy thuộc vào bản báo cáo này lạc quan hay thất vọng.

Trong một động thái khác liên quan tới "cuộc chiến tiền tệ", hãng tin Reuters cho hay, Nhật Bản đang chuẩn bị can thiệp vào thị trường để làm suy yếu đồng Yên, do đồng tiền này lại vượt lên các mức cao kỷ lục trong ngày 1/8. Theo nhật báo Nikkei, Nhật Bản có thể can thiệp thông qua việc bán đồng Yên và nới lỏng tiền tệ.

Nikkei cho biết, các nhà chức trách Nhật Bản có thể bán đồng Yên để hạ giá đồng tiền này. Bên cạnh đó, Nhật Bản có thể cân nhắc tiếp tục nới lỏng tiền tệ khi hội đồng chính sách ngân hàng trung ương nhóm họp vào ngày 4 - 5/8 tới. BOJ có thể tăng quy mô của chương trình mua tài sản thêm 5-10 nghìn tỷ Yên.

Lần can thiệp tiền tệ gần đây nhất của Nhật Bản là sau khi xảy ra thảm họa động đất vào ngày 11/3. Khi đó, đồng Yên tăng lên mức cao kỷ lục do những cá nhân, tổ chức kỳ vọng nhà đầu tư sẽ bán các tài sản ở nước ngoài để tài trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Cũng tại Nhật Bản, hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố một báo cáo, trong đó nhận định, châu Á sẽ chiếm một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 và khoảng 3 tỷ người sẽ có thu nhập xấp xỉ với công dân châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Sự thịnh vượng của châu Á sẽ được dẫn dắt bởi 7 nền kinh tế lớn có tổng dân số lên tới 3 tỷ người gồm Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia. Theo kịch bản tích cực nhất, vào năm 2050, GDP/đầu người tại châu Á sẽ đạt 40.800 USD/năm và GDP của châu Á sẽ đạt mức 174.000 tỷ USD so với mức 17.000 tỷ USD năm 2010.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, các nước tại khu vực cần phải tăng trưởng tăng mạnh mẽ và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã từng đạt được trong quá khứ. Nghiên cứu của ADB cho rằng châu Á phát triển sẽ kéo thế giới khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình trạng suy thoái.

Tuy nhiên, ADB cũng nhấn mạnh tới một sự thật rằng ở châu Á, khu vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới và được coi là công xưởng của thế giới, vẫn là nơi chiếm tới gần 50% số người nghèo khổ của thế giới với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày (tương đương 26.000 đồng/ngày).

Theo một kịch bản xấu nhất, châu Á có thể đối mặt với các "cơn bão khủng khiếp" do chính sách kinh tế vĩ mô yếu kém, sự phát triển không kiểm soát được trong lĩnh vực tài chính, xung đột, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, quản lý yếu kém.

Cũng tại châu Á, hôm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, tính đến cuối tháng 7, dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 311 tỷ USD, cao hơn 6,5 tỷ USD so với số liệu công bố hồi đầu tháng.

Dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 2 tháng liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6 do giá trị chuyển đổi của các tài sản định giá bằng đồng bảng Anh sang USD giảm xuống. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc vượt 300 tỷ USD lần đầu tiên vào hồi tháng 4.