08:40 18/05/2009

Nhân lực ngành hàng hải: Khi "cái khó bó cái khôn"

Minh Khôi

Để tạo dựng được một nguồn nhân lực hàng hải như mong muốn quả thật là không hề dễ dàng

Đại học Hàng Hải Việt Nam còn thiếu rất nhiều trang thiết bị thực hành.
Đại học Hàng Hải Việt Nam còn thiếu rất nhiều trang thiết bị thực hành.
"Cái khó đang bó cái khôn" là nhận xét của ông Đặng Văn Uy, Hiệu trưởng Đại học Hàng Hải Việt Nam khi nói về thực trạng nguồn nhân lực hàng hải hiện nay.

Ông Uy cho rằng, nhìn vào thực tế hiện nay, tình trạng yếu về cơ sở vật chất, thiếu thầy giỏi cho thấy để tạo dựng được một nguồn nhân lực hàng hải như mong muốn quả thật là không hề dễ dàng.

Dưới góc độ của một đơn vị đào tạo, lao động ngành hàng hải được nhìn nhận ra sao, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, chúng ta nói nhiều tới nguồn nhân lực hàng hải Việt Nam, trong đó chú ý nhiều vào nguồn lao động phục vụ ngành vận tải biển và công nghiệp đóng tàu với thực trạng thiếu và yếu. Hiện nay thì điều này vẫn còn tồn tại.

Sở dĩ có tình trạng này là vì trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, lĩnh vực kinh tế hàng hải phát triển quá nhanh với số lượng tàu biển gia tăng liên tục. Trong khi đó, công tác dự báo lại yếu kém, sự chuẩn bị nguồn nhân lực không có nên tất yếu dẫn đến sự thiếu hụt.

Khi thấy thiếu hụt lao động, các trường học đua nhau đào tạo. Khâu tuyển sinh đầu vào được mở rộng một cách ồ ạt. Các loại hình đào tạo nở rộ, nào là học tại chức, học để nâng bằng từ sơ cấp lên trung cấp, cao đẳng lên đại học... Phần lớn chỉ chạy theo số lượng, thị trường, cắt xén thời gian học tập, thực hành dẫn tới chất lượng yếu kém là đương nhiên.

Vậy theo ông, cần phải đổi mới từ đâu?

Trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, quan điểm nhìn nhận, đánh giá về việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải. Việc tập trung đầu tư, cập nhật thông tin, đổi mới cách đào tạo, nâng cao tay nghề phải được làm mới liên tục, đừng nên đóng khung theo một quy định cứng nhắc nào đó mà cản trở sự phát triển.

Cần phải làm thật tốt công tác dự báo trong phát triển nguồn nhân lực đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho giáo dục, trong đó, doanh nghiệp phải tham gia mạnh mẽ hơn.

Một thực tế đang diễn ra tại trường Đại học Hàng Hải Việt Nam là trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải biển lớn của nước ngoài đến đăng ký tiếp nhận sinh viên về làm việc và sẵn sàng cấp học bổng cho các em học tập. Thế nhưng ở trong nước, các doanh nghiệp lại thờ ơ với công việc này. Các doanh nghiệp mạnh ai nấy tiến, tranh giành nguồn nhân lực của nhau ngay trên sân nhà.

Phải có thêm chính sách đãi ngộ hợp lý để sĩ quan, thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng, máy nhất... gắn bó lâu dài với nghề. Trước mắt Nhà nước nên miễn thuế thu nhập cá nhân cho họ. Ở nước ngoài, thuyền viên, sĩ quan không phải đóng thuế thu nhập, khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng máy bay, họ được giảm 20% giá vé...

Trong thời gian qua, khi có sự cố xảy ra trong ngành hàng hải, dư luận lại ầm ĩ quá mức, đôi khi không đúng sự thật đã vô tình làm cho lòng yêu nghề, ý chí của sĩ quan, thuyền viên trở nên hoang mang dẫn đến bỏ nghề. Điều đó không chỉ làm thiếu hụt nguồn lao động đi biển mà nó còn lãng phí tài năng, kinh nghiệm. Để có kiến thức chuyên môn đã khó, nhưng có được kiến thức kinh nghiệm còn khó hơn.

Đi vào những việc làm cụ thể thì thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải chỉnh đốn lại công tác đào tạo. Hệ thống các trường đào tạo nguồn nhân lực hàng hải phải được sắp xếp cho khoa học, hợp lý hơn để có hướng đầu tư hiệu quả. Trong khi ngân sách Nhà nước có hạn thì phải lựa chọn ra được những ngành nghề quan trọng nhất, có tính chất đầu tàu để ưu tiên đầu tư trước. Đầu tư đến đâu có hiệu quả đến đó, tránh sự dàn trải, thiếu tập trung.

Với đặc thù nghề nghiệp cho nên khi xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo phải tính đến mô hình trường - xưởng kết hợp. Lý thuyết phải gắn chặt với thực hành. Muốn ra khơi an toàn phải thành thạo ngay từ trong đất liền. Trong thời gian đi thực tập tốt nghiệp, hãy để xưởng thực hành của mỗi trường thực sự là nhà máy, doanh nghiệp và các sinh viên như những người lao động đã có tay nghề vì các em đã cơ bản học xong chương trình. Nhà xưởng thực hành cũng phải gắn với thị trường để phục vụ cho công tác đào tạo.

Hiện nay, sinh viên đi thực tập phần lớn là đi chơi. Vì đến doanh nghiệp có ai hướng dẫn mãi cho các em được đâu, doanh nghiệp có tâm huyết với các em đến mấy cũng phải tập trung làm việc chứ. Chỉ có người thầy mới chuyên tâm dạy cho các em được.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, tình trạng yếu về cơ sở vật chất, thiếu thầy giỏi cho thấy để tạo dựng được một nguồn nhân lực hàng hải như mong muốn quả thật là không hề dễ dàng.

Tôi lấy ví dụ, tại trường Đại học Hàng Hải Việt Nam - nơi đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao của ngành hàng hải, nhìn từ bên ngoài có thể thấy đã khang trang nhưng thực tế bên trong còn thiếu rất nhiều thứ, đặc biệt là trang thiết bị thực hành. Nhiều năm nay nhà trường kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư cho một máy Cái để sinh viên học tập nhưng vẫn chưa có.

Chúng tôi cũng đã đề nghị nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng hải cho vay kinh phí để cùng nhà trường xây dựng ký túc xá, nhà xưởng thực hành nhưng mãi chẳng thấy đơn vị nào mặn mà. Cho nên ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng. Cái khó đang bó cái khôn.