11:41 14/05/2019

Nhật Bản vào top 10 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam

KHÔI NGUYÊN

Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Nhật Bản năm 2017 và 2018 đã tăng lần lượt gấp 9 lần và 12 lần so với năm 2011

Từ trước đến nay Nhật Bản chưa lần nào lọt vào top 10 thị trường nhập khẩu lớn cá tra Việt Nam.
Từ trước đến nay Nhật Bản chưa lần nào lọt vào top 10 thị trường nhập khẩu lớn cá tra Việt Nam.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu khó tính tại châu Á, nhất là với các sản phẩm thủy sản như cá tra. Tuy nhiên đáng quan tâm là thị trường "khó tính" này đã chính thức trở thành một trong 10 thị trường lớn nhất đón nhận cá tra Việt Nam.

Năm 2018 đánh dấu sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Nhật Bản với tổng giá trị xuất khẩu tăng 37,6% so với 2017. Không chỉ vậy, 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nhật Bản gia tăng mạnh, đưa Nhật Bản chính thức vào top 10 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Lần đầu có tên trong top 10

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), tháng 4/2019 kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 136,54 triệu USD, so với tháng 4/2018 giảm 15,3%, nhưng cộng dồn 4 tháng ước đạt 609 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2018.

Đứng đầu top 10 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Theo đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc ước đạt 136,9 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ 2018; thị trường EU đứng thứ hai đạt 95 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ; thị trường Hoa Kỳ đứng thứ 3 với 87,15 triệu USD, giảm 13,8% so cùng kỳ 2018.

Điều đáng quan tâm là từ trước đến nay Nhật Bản chưa lần nào lọt vào top 10 thị trường nhập khẩu lớn cá tra Việt Nam. Theo Vasep, lần này Nhật Bản được xếp ở vị trí thứ 8 trong top 10 với giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt 11,54 triệu USD, tăng 61,5% so với cùng kỳ 2018. Con số này còn cao hơn giá trị xuất khẩu sang các thị trường được đánh giá cao và tiềm năng là UAE, Ai Cập, Đức hay Bỉ. 

Đây là một kết quả gây chú ý tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, bởi trước đây người tiêu dùng Nhật Bản không "sẵn lòng" với thủy sản nuôi mà chỉ thích nhập hải sản từ biển. Sự thay đổi này cho thấy cá tra Việt Nam đang dần khám phá những "bí mật" về thị hiếu tiêu thụ tại thị trường khó tính này.

Năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật Bản chỉ đạt 2,56 triệu USD, chiếm 0,14% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Đây là một con số rất khiêm tốn trong tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, sau 7-8 năm sau (2017-2018), giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã tăng lần lượt 9 lần và 12 lần so với năm 2011.

Khai thác tốt các ưu đãi từ các FTA

Năm 2008, khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được ký kết ngày 25/12 và có hiệu lực từ 1/10/2009. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó hai nước đã dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với FTA ASEAN - Nhật Bản.

Về cam kết chung, trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Cũng trong thời gian này, thương mại cá tra Việt Nam - Nhật Bản hầu như chưa có gì nổi bật.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2019, theo biểu thuế EPA của hải quan Nhật Bản, sản phẩm cá da trơn phile tươi, ướp lạnh (trong đó có cá tra) nhập khẩu vào thị trường này từ Thái Lan, Mexico, Chile, Philippines được miễn thuế nhập khẩu, từ ASEAN áp mức thuế 3,5%, còn từ thị trường các nước CPTPP được miễn thuế.

Riêng sản phẩm xuất khẩu cá tra phile đông lạnh chủ lực của Việt Nam được miễn thuế hoàn toàn nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Với hai FTA trước là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã được xóa bỏ rào cản thuế quan.

Với Hiệp định CPTPP, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại. Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.

Do thị hiếu của người Nhật là sợ mùi tanh nồng của sản phẩm cá nước ngọt và những định kiến chưa đúng về so sánh tương quan chất lượng giữa cá nuôi nước ngọt và cá nuôi hoặc khai thác từ biển nên trong quá khứ, người Nhật ít khi "mở lòng" với sản phẩm cá nước ngọt nhập khẩu.

Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp cá tra đã bắt đầu "quen" và "hiểu" được thị hiếu tiêu dùng thủy sản của người Nhật. Bằng những con số thống kê về mức tăng trưởng lạc quan xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật Bản, Vasep cho rằng còn nhiều tiềm năng hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra muốn chinh phục và khai thác thị trường này sau khi Nhật Bản chính thức bước vào top 10 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.