Nhật - Trung và cuộc đua viện trợ cho châu Á
Nhật muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á đang lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc
Một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á khác đang lo ngại trước sự nổi lên của Trung Quốc. Bởi vậy, theo hãng tin Bloomberg, ông Abe đang đẩy mạnh các chương trình viện trợ của Nhật cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Trong một số trường hợp, Chính phủ Nhật Bản cấp vốn cho các dự án này thông qua viện trợ và cấp vốn vay. Trong trường hợp khác, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - định chế có tài sản 116 tỷ USD, 67 nước thành viên, và thực chất do Nhật kiểm soát - là nhà cấp vốn.
“Mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”
Nhật Bản và ADB đã bơm vốn cho các dự án hạ tầng ở châu Á từ năm 1966, nhưng tốc độ của việc cấp vốn đã gia tăng trong vòng một năm trở lại đây. Hôm 4/7 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh của 5 nước khu vực sông Mekong, Thủ tướng Abe cam kết khoản viện trợ 750 tỷ Yên, tương đương 6,1 tỷ USD, như một phần trong kế hoạch của ông nhằm tăng lượng vốn viện trợ của Nhật và ADB cho các dự án cơ sở hạ tầng thêm 25%.
Năm ngoái, lượng vốn mà ADB cho vay tại khu vực châu Á đã tăng thêm 10 tỷ USD, tương đương mức tăng 17%, so với năm 2013. ADB cam kết rằng, đó mới chỉ là sự khởi đầu của chính sách cho vay mới, hào phóng hơn của định chế này. Đầu năm nay, ADB công bố kế hoạch nhằm tăng hoạt động hàng năm thêm 50%.
“Tôi muốn ADB trở nên mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn”, Chủ tịch ADB Takehito Nakao phát biểu hôm 4/5.
Các dự án mà Nhật Bản và ADB nhất trí cung cấp vốn bao gồm một cảng biển và khu công nghiệp ở miền Nam Myanmar, một tuyến đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một cây cầu bắc qua sông Mekong ở Campuchia, một tuyến tàu điện ngầm ở Jakarta, một tuyến đường sắt ở Thái Lan, hàng lang công nghiệp Delhi-Mumbai ở Ấn Độ, và một số tuyến đường ở bang Madhya Pradesh của Ấn Độ.
Trung Quốc đã không có một ngân hàng phát triển quốc tế nào do nước này kiểm soát cho tới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập một định chế cạnh tranh với ADB vào tháng 6 vừa qua. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có 100 tỷ USD vốn ban đầu và 57 quốc gia thành viên, trong đó cũng có sự tham gia của Việt Nam.
Mỹ và Nhật Bản từ chối tham gia dự án ngân hàng này của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, sự xuất hiện của AIIB đồng nghĩa với “sự cạnh tranh ảnh hưởng chính trị với Trung Quốc có thể sắp tăng tốc”, theo ông Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney.
Đảm bảo chơi “an toàn”
Một số nhà phân tích thì dự báo rằng nỗ lực của Nhật Bản trong cuộc đua viện trợ với Trung Quốc có thể sẽ đến lúc mất đà.
Hong Hao, chiến lược gia trưởng thị trường Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Bocom International, nhận định rằng sức mạnh của ADB sẽ đi xuống. Theo ông Hong, hoạt động của ADB “gần như phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản”, nên dù Thủ tướng Abe có đẩy mạnh viện trợ trong ngắn hạn, thì với dân số lão hóa và mức nợ công cao “như núi” của nước này, ADB “sẽ mất dần vai trò cùng với sức mạnh kinh tế đi xuống của Nhật”.
Cho nên, như một cách để đảm bảo sự “an toàn”, có 42 quốc gia là thành viên của cả ADB và AIIB.
Chính sách của Thủ tướng Abe là tập trung viện trợ và cấp vốn vay cho các nước châu Á cần nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và lo ngại Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và đường băng ở khu vực có tranh chấp trên biển Đông. Nỗ lực tăng ảnh hưởng ở châu Á của ông Abe cũng có thể dựa trên lịch sử đầu tư lâu dài của các công ty Nhật Bản trong khu vực.
Ở châu Á, các công ty đa quốc gia của Nhật chiếm 12% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp Nhật trở thành nguồn vốn bên ngoài lớn nhất của khu vực. Trong khi đó, vốn FDI từ Trung Quốc vào các nước châu Á chỉ chiếm hơn 2%.
“Khi nói về bức tranh đầu tư, Nhật Bản là người khổng lồ. Trung Quốc không thể sánh được”, chuyên gia Graham nhận xét.
Theo Bloomberg, các nước châu Á có thể hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Nhật-Trung. Theo nhà phân tích Chia Shuhui thuộc công ty nghiên cứu BMI Research của Singapore, chiến lược của các nước Đông Nam Á là: “Hãy phòng hộ cho sự đặt cược của mình và “chơi” với nhiều quốc gia nhất có thể. Càng nhiều càng “vui”!
Trong một số trường hợp, Chính phủ Nhật Bản cấp vốn cho các dự án này thông qua viện trợ và cấp vốn vay. Trong trường hợp khác, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - định chế có tài sản 116 tỷ USD, 67 nước thành viên, và thực chất do Nhật kiểm soát - là nhà cấp vốn.
“Mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”
Nhật Bản và ADB đã bơm vốn cho các dự án hạ tầng ở châu Á từ năm 1966, nhưng tốc độ của việc cấp vốn đã gia tăng trong vòng một năm trở lại đây. Hôm 4/7 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh của 5 nước khu vực sông Mekong, Thủ tướng Abe cam kết khoản viện trợ 750 tỷ Yên, tương đương 6,1 tỷ USD, như một phần trong kế hoạch của ông nhằm tăng lượng vốn viện trợ của Nhật và ADB cho các dự án cơ sở hạ tầng thêm 25%.
Năm ngoái, lượng vốn mà ADB cho vay tại khu vực châu Á đã tăng thêm 10 tỷ USD, tương đương mức tăng 17%, so với năm 2013. ADB cam kết rằng, đó mới chỉ là sự khởi đầu của chính sách cho vay mới, hào phóng hơn của định chế này. Đầu năm nay, ADB công bố kế hoạch nhằm tăng hoạt động hàng năm thêm 50%.
“Tôi muốn ADB trở nên mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn”, Chủ tịch ADB Takehito Nakao phát biểu hôm 4/5.
Các dự án mà Nhật Bản và ADB nhất trí cung cấp vốn bao gồm một cảng biển và khu công nghiệp ở miền Nam Myanmar, một tuyến đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một cây cầu bắc qua sông Mekong ở Campuchia, một tuyến tàu điện ngầm ở Jakarta, một tuyến đường sắt ở Thái Lan, hàng lang công nghiệp Delhi-Mumbai ở Ấn Độ, và một số tuyến đường ở bang Madhya Pradesh của Ấn Độ.
Trung Quốc đã không có một ngân hàng phát triển quốc tế nào do nước này kiểm soát cho tới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập một định chế cạnh tranh với ADB vào tháng 6 vừa qua. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có 100 tỷ USD vốn ban đầu và 57 quốc gia thành viên, trong đó cũng có sự tham gia của Việt Nam.
Mỹ và Nhật Bản từ chối tham gia dự án ngân hàng này của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, sự xuất hiện của AIIB đồng nghĩa với “sự cạnh tranh ảnh hưởng chính trị với Trung Quốc có thể sắp tăng tốc”, theo ông Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney.
Đảm bảo chơi “an toàn”
Một số nhà phân tích thì dự báo rằng nỗ lực của Nhật Bản trong cuộc đua viện trợ với Trung Quốc có thể sẽ đến lúc mất đà.
Hong Hao, chiến lược gia trưởng thị trường Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Bocom International, nhận định rằng sức mạnh của ADB sẽ đi xuống. Theo ông Hong, hoạt động của ADB “gần như phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản”, nên dù Thủ tướng Abe có đẩy mạnh viện trợ trong ngắn hạn, thì với dân số lão hóa và mức nợ công cao “như núi” của nước này, ADB “sẽ mất dần vai trò cùng với sức mạnh kinh tế đi xuống của Nhật”.
Cho nên, như một cách để đảm bảo sự “an toàn”, có 42 quốc gia là thành viên của cả ADB và AIIB.
Chính sách của Thủ tướng Abe là tập trung viện trợ và cấp vốn vay cho các nước châu Á cần nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và lo ngại Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và đường băng ở khu vực có tranh chấp trên biển Đông. Nỗ lực tăng ảnh hưởng ở châu Á của ông Abe cũng có thể dựa trên lịch sử đầu tư lâu dài của các công ty Nhật Bản trong khu vực.
Ở châu Á, các công ty đa quốc gia của Nhật chiếm 12% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp Nhật trở thành nguồn vốn bên ngoài lớn nhất của khu vực. Trong khi đó, vốn FDI từ Trung Quốc vào các nước châu Á chỉ chiếm hơn 2%.
“Khi nói về bức tranh đầu tư, Nhật Bản là người khổng lồ. Trung Quốc không thể sánh được”, chuyên gia Graham nhận xét.
Theo Bloomberg, các nước châu Á có thể hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Nhật-Trung. Theo nhà phân tích Chia Shuhui thuộc công ty nghiên cứu BMI Research của Singapore, chiến lược của các nước Đông Nam Á là: “Hãy phòng hộ cho sự đặt cược của mình và “chơi” với nhiều quốc gia nhất có thể. Càng nhiều càng “vui”!