07:52 14/12/2017

Nhiều chuyên gia "sốt ruột" vì năng suất Việt Nam kém Singapore 14 lần

KIỀU LINH

Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016

Năng suất lao động Việt Nam kém Singapore 14 lần.
Năng suất lao động Việt Nam kém Singapore 14 lần.

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam diễn ra ngày 13/12, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay, với tốc độ tăng năng suất lao động khá cao, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn cách biệt.

Năng suất Việt Nam kém Singapore 14 lần

Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016; với Maylaysia từ 6,6 lần xuống còn 5,7 lần, với Thái Lan từ 2,9 lần xuống còn 2,7.

Ông Cung cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới năng suất thấp là do bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, không có nhiều chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, từ khu vực phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức, không có sự thúc ép cải cách công nghệ, máy móc và trình độ tay nghề; nền kinh tế vẫn thâm dụng tài nguyên, nhiên liệu và nhân công cao, trong khi chưa coi tiến bộ khoa học là chìa khoá, động lực chính của nền kinh tế…

Tốc độ gia tăng giá trị của kinh tế tư nhân tương đối cao, liên tục cải thiện trong các năm gần đây nhưng không thu hút thêm lao động, không tạo thêm công ăn việc làm tương xứng. Khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả thấp nhưng quy mô kinh tế nhà nước không giảm đáng kể. Doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn cao, năng suất vốn lại thấp nhất trong khu vực và thâm dụng vốn không gắn với đầu tư đổi mới công nghệ...

TS.Nguyễn Đình Cung cảnh báo: "Từ năm 2018, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm (cao hơn 1,25% điểm % so với giai đoạn 2011-2017) thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đây thực sự là một thách thức lớn".

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được mức hồi phục tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng tiếp tục có quan ngại tăng trưởng năng suất lao động yếu. 

Cụ thể, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. "Mức tăng trưởng năng suất lao động này sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước này", ông Ousmane nêu quan điểm.

Thủ tướng nêu loạt giải pháp nâng cao năng suất

Sau khi lắng nghe nhiều báo cáo của nhiều chuyên gia về thực trạng năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng bằng vốn, lao động giản đơn trong khi việc đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng, dư địa nhưng chưa tận dụng được, trong khi các nhiệm vụ cần phải giải quyết ngày càng nhiều, trước hết là phân bổ hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

"Việt Nam cần sự hỗ trợ sự, tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp tìm ra giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang lan tỏa nhanh chóng. Nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ nâng cao năng suất người lao động, mà còn năng suất vốn. Cải thiện năng suất là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đầu tiên là năng suất vốn và hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách ngân hàng, thị trường tài chính lành mạnh và theo tín hiệu thị trường, để doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân dễ dàng tiếp cận vốn.

Việt Nam cần quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, nơi nắm giữ nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng sử dụng chưa tương xứng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát cơ chế sử dụng tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư cho khu vực này.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cải cách năng suất đi liền với xây dựng tiền lương, tiền công theo thị trường, tăng tiền lương cần theo năng suất lao động.

Ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng năng suất thấp, tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới cần tập trung ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp".

Hiện, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTA và FTAs), điều này mở ra cho chúng ta nhiều thị trường rộng lớn cho đầu tư, cho thương mại hàng hoá. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và năng suất của doanh nghiệp.