10:02 23/11/2017

Nhiều cơ hội mở cho "ngân hàng 0 đồng"

Minh Tú

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngân hàng 0 đồng

Hiện cả 3 ngân hàng 0 đồng đều đã có đề án tái cơ cấu lên Chính phủ.
Hiện cả 3 ngân hàng 0 đồng đều đã có đề án tái cơ cấu lên Chính phủ.

Ngày 20/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đây được xem là luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Là một trong những tổ chức tín dụng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, với các ngân hàng 0 đồng, đây chính là cơ hội để hiện thực đề án tái cơ cấu các ngân hàng này. Nếu như trước đây về tiền lệ, chưa có đủ công cụ pháp lý, thì nay, hành lang pháp lý đã sáng rõ khi áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung…

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ quy định chuyển tiếp: Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát đặc biệt hoặc đang thực hiện phương án xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

Được biết, hiện cả 3 ngân hàng 0 đồng đều đã có đề án tái cơ cấu lên Chính phủ, nhưng vì những hạn chế trong luật cũ nên chưa được hiện thực hóa, nay Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ gỡ các nút thắt và cơ hội để hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngân hàng được phê duyệt.

Điểm quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung chính là các chính sách mang tính hành lang mở để xử lý những vấn đề chưa mang tính tiền lệ mà theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là "thiếu những công cụ, hành lang pháp lý".

Và đây mới chính là mấu chốt của Luật Các tổ chức tín dụng với định hướng tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo quy định tại dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung có giải pháp cho bán nợ cho VAMC, trích lập dự phòng, hỗ trợ... được quy định rõ trong dự thảo Luật. Hỗ trợ được áp dụng ra sao, mức độ thế nào, thẩm quyền quyết... được quy định rõ, để đảm bảo minh bạch.

Với những tổ chức tín dụng được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp thêm vốn để bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%; được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi.

Với những giải pháp rõ ràng và cánh cửa về hành lang pháp lý được tháo gỡ, đồng thời với những thách thức, luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung cũng có thể là cơ hội mở cho các ngân hàng 0 đồng.

Rõ ràng, ở góc độ khả quan, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung đã "cập nhật" toàn diện hơn về quy luật thị trường về chính sách, giải pháp. Và sự rõ ràng cần thiết của hành lang pháp lý này hết sức quan trọng trong định hướng đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt, các ngân hàng 0 đồng vẫn đang chờ đợi tháo gỡ được các nút thắt pháp lý để đề án tái cơ cấu trở thành hiện thực.