Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể cổ phần hoá
Những doanh nghiệp chưa cổ phần hoá được đều vướng mắc về vốn, tài sản
Những doanh nghiệp chưa cổ phần hoá được đều vướng mắc về vốn, tài sản, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa được nếu không có biện pháp tháo gỡ.
Đó là nhận định của đoàn giám sát Quốc hội tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Nội dung này sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao trong cả ngày 28/5.
Theo kết quả giám sát, giai đoạn 2011 - 2016 cả nước đã cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp.
Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá được cải thiện đáng kể, nộp ngân sách nhà nước tăng, hoạt động kinh doanh ổn định, có hiệu quả.
Tổng hợp kết quả hoạt động của 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
Doanh nghiệp nào khó cổ phần hoá?
So với phần kết quả thì hạn chế và vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chiếm dung lượng lớn hơn tại báo cáo giám sát.
Hạn chế đầu tiên được đề cập là một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa được theo kế hoạch, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đều là những doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc về vốn, tài sản, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, vướng mắc về quyền lợi của các cổ đông... nên rất khó cổ phần hóa thành công.
Nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa được nếu không có biện pháp tháo gỡ, đoàn giám sát nhấn mạnh.
Danh sách này gồm Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội)...
Hạn chế tiếp theo là tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% - 2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2016, có 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu, trong đó 254 doanh nghiệp bán cổ phần theo phương án được duyệt, đạt 60% tổng số doanh nghiệp đã bán cổ phần, còn 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hoá, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đã bán cổ phần.
Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp là 184.254 tỷ đồng với cơ cấu Nhà nước tiếp tục nắm giữ 149.342 tỷ đồng (chiếm 81,1% vốn điều lệ); nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 13.494 tỷ đồng (chiếm 7,3%); người lao động nắm giữ 2.964 tỷ đồng (chiếm 1,6%); tổ chức công đoàn nắm giữ 1.171 tỷ đồng (chiếm 0,6%); các nhà đầu tư khác nắm giữ qua bán đấu giá công khai 17.281 tỷ đồng (chiếm 9,4%).
Kết quả giám sát cũng cho thấy còn có hiện tượng bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao vốn của công ty mẹ về SCIC. Điều này dẫn đến việc thực hiện mục tiêu quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Chẳng hạn, tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Bộ Công Thương) bán bớt vốn nhà nước tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có chủ trương thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc. Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) không bàn giao về SCIC mà phát hành thêm cho cổ đông chiến lược là Công ty Chứng khoán Bản Việt để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ lên 1.550 tỷ đồng, làm giảm vốn nhà nước từ 87,17% xuống 78,74% vốn điều lệ.
Vẫn trong phần hạn chế, báo cáo nêu rõ, một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chưa gương mẫu, chưa làm tròn trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Việc xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
Sai nguyên tắc, chế độ tài chính
Bên cạnh hạn chế, kết quả giám sát cho thấy không ít vi phạm trong cổ phần hoá. Như, công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ.
Đoàn giám sát dẫn chứng, việc bàn giao, quản lý tài sản loại khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá tại Tâp đoàn Hóa chất chưa thực hiện đầy đủ, đến 19/1/2012 còn tồn đọng 86.357 triệu đồng, chiếm trên 65% giá trị tài sản loại ra khỏi doanh nghiệp phải bàn giao. Giá trị tài sản loại ra khỏi doanh nghiệp phải bàn giao cho Công ty Mua bán nợ nhưng còn tồn đọng, bàn giao chưa đúng quy định là 6.957 triệu đồng; còn 2 đơn vị chưa bàn giao cho Công ty Mua bán nợ giá trị 200.783 triệu đồng.
Vi phạm nữa được chỉ ra là việc đánh giá không chính xác giá trị tài sản, sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Từ năm 2012 - 2016, qua kiểm toán 17 doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước đã xác định các trường hợp tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 22.356,7 tỷ đồng, các trường hợp giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,2 tỷ đồng.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra vô số vi phạm liên quan đến đất đai. Như, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Hay, còn hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm.
Rồi doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất từ nhiều năm về trước nhưng chưa kê khai đăng ký, chưa ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương...