09:06 06/04/2011

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “đói” vốn

Hồng Thoan

Tình hình tiếp cận vay vốn rất khó, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải dừng sản xuất

Giá cà phê đã tăng 46,9%.
Giá cà phê đã tăng 46,9%.
Nhu cầu vay vốn và lãi suất ngân hàng đã trở thành chủ đề “nóng” nhất tại Hội nghị giao ban liên ngành xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2011 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức ngày 5/4 với 2 điểm cầu Hà Nội, Tp.HCM.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (63,8%) với kim ngạch 12,27 tỷ USD.

Nguyên nhân chính là do giá nhiều loại hàng hóa nhiên liệu và nông sản tăng mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn như giá nhân điều tăng 36,8%, giá cà phê tăng 46,9%, giá hạt tiêu tăng 59,5%, giá cao su tăng 70%, than đá tăng 56,6%, dầu thô tăng 31,9%.

Theo tính toán sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần tăng thêm 4,85 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng qua.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về giá thì từ quý 2/2011, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn do lãi suất cao trong khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp là rất lớn, bởi giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng cũng đang không ngừng gia tăng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, tính riêng 2 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu đã tăng 8,3%, nhưng giá trị tăng tới 28,2%, như vậy tăng về giá nhanh gấp 3 lần tăng về lượng.

Yếu tố chính là do giá thế giới có xu hướng tăng và đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu đã có sự chuyển biến tốt về chất lượng. Như mặt hàng tôm đã tăng tới 41% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, cá tra tăng 14%, cá ngừ tăng 19%. Các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam cũng đều tăng lượng nhập khẩu.

Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam, nhóm hàng có lượng xuất khẩu giảm nhưng do giá tăng trên 36,8% đã đóng góp gần 28% cho kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thái Học, Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong năm 2011, ngành điều có kế hoạch xuất khẩu 190 triệu tấn nhân điều mang lại kim ngạch 1,5 tỷ USD. Năm nay cũng phải nhập xấp xỉ 50% điều nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn nổi lên trong quý 2 là vốn để thu mua nguyên liệu. Tổng nhu cầu vốn của ngành khoảng 25 ngàn tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp có thể tự cân đối được khoảng 5 – 6 nghìn tỷ đồng (10 – 15% vốn so với nhu cầu), còn lại phải vay ngân hàng.

Trong khi giai đoạn 3 tháng 4, 5 và 6 là thời kỳ phải tích cực thu mua nguyên liệu. Nhưng hiện nay tình hình tiếp cận vay vốn rất khó, khiến doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất. Hoặc nếu có vay được vốn thì doanh nghiệp kinh doanh cũng có nguy cơ bị thua lỗ do lãi suất cao, giá nguyên liệu tăng 1,8 lần.

Để sản xuất được 1 tấn nhân điều xuất khẩu doanh nghiệp phải mất khoảng 8.100 USD, trong khi giá giao dịch trên thị trường chung chỉ là 7.700 USD/tấn, lỗ 400 USD/tấn.

Theo ông Đỗ Hào Nam, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê, tuy xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm đã đạt 1 tỷ USD, nhưng thực chất lợi nhuận từ cà phê chủ yếu nằm trong túi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bởi họ luôn mua vào lúc giá rẻ (chiếm tới 60 – 70% sản lượng), khi giá lên thì bắt đầu bán ra. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn nên biết giá sẽ tăng mà không làm gì được.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM cũng chia sẻ, doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí cao hơn. Cần thiết phải có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để giảm lãi suất doanh nghiệp phải chịu xuống còn khoảng 10 hoặc trên 10% thì doanh nghiệp mới có thể chịu đựng được, nếu giữ tình trạng như hiện nay thì đến cuối năm 2011, đầu 2012 sẽ thấy hậu quả xấu.

Về phía các ngân hàng, bà Trần Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như đại diện của các Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Công thương đều khẳng định một trong những điều kiện để ngân hàng cho vay được là doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng tài chính trả nợ.

Hạn mức tín dụng tối thiểu là 15% chỉ được các ngân hàng áp dụng với những khách hàng chiến lược, còn các doanh nghiệp khác phải chịu hạn mức cao hơn theo đúng quy định.