Nhiều dự án ngành công thương vẫn tăng lỗ, ngập trong nợ nghìn tỷ
Hiện nay có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này. Tổng dư nợ đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng
Một khối lượng công việc đồ sộ đã triển khai song khó khăn vẫn chồng chất với phần lớn dự án trong 12 dự án yếu kém ngành công thương.
Báo cáo mới phát hành của Chính phủ về kết quả xử lý các dự án này cho biết, với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 nhà máy có lãi, là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung.
Trong 3 dự án trước đây bị dừng hoạt động đến nay chỉ có 1 dự án vận hành trở lại. Còn với 3 dự án xây dựng dở dang đều gặp khó khăn.
Chính phủ khẳng định, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án. Hiện nay có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này. Tổng dư nợ đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng.
Đi vào từng dự án cụ thể, Chính phủ cho biết nhiều dự án vẫn đang tăng lỗ.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 208,807 tỷ, tăng lỗ 94,258 tỷ so với cùng kỳ 2018. Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ, tăng lỗ 138,928 tỷ.
Công ty TNHH một thành viên công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế 3.841,31 tỷ, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả 6.918,53 tỷ, tăng 1%.
Dự án nhà máy sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ lỗ luỹ kế 5.120,2 tỷ, tăng lỗ 12%. Tổng nợ phải trả 7.806,1 tỷ, tăng 1,56%.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ luỹ kế 983.70 tỷ, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ.
Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế 1.396,64 tỷ, tăng lỗ 14,67%. Tổng nợ 1.842,97 tỷ, tăng 3,88%.
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến 31/8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ.
Chính phủ cho biết hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc tập trung ở ba nhóm vấn đề rất khó giải quyết. Một là xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Hai, vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp và ba là xây dựng phương án thoái vốn.
Đáng chú ý, về khó khăn thứ nhất thì có 7 dự án phát sinh đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ, một số trường hợp không dàn xếp được phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.
Có 6 dự án còn vướng trong việc quyết toán toàn bộ dự án do chưa xử lý được tranh chấp hợp đồng EPC và định giá tài sản.
Liên quan đến khó khăn thứ ba, báo cáo nêu rõ, ngoại trừ dự án Nhà máy sản xuất đạm ADP số 1 - Hải Phòng và nhà máy Thép Việt - Trung đang có lãi, các dự án còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Khó khăn chồng chất, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (người thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo) khẳng định vẫn đảm bảo hoàn thành việc xử lý các dự án, doanh nghiệp theo đúng yêu cầu, mục tiêu và lộ trình đã đề ra.
Theo đề án của Chính phủ thì đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém, đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém nói trên.