21:42 23/05/2009

Nhiều mặt hàng “chờ” tăng giá

Thúy Nhung

Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vừa sáng lên, thì nỗi lo hàng hoá tăng giá của người dân càng hiện rõ

Theo dự báo giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Theo dự báo giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vừa sáng lên, thì nỗi lo hàng hoá tăng giá của người dân càng hiện rõ.

Giá cả đã bắt đầu tăng

Hiện tại hầu khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội giá bán của các loại rau xanh đều đã tăng thêm từ 500 - 1.000 đồng/mớ. Đối với một số loại rau củ như hành tây, súp lơ, bí đỏ giá cũng đã nhích lên từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Rau muống cách đây khoảng hai tuần chỉ 2.000 đồng/mớ, thì giờ đã tăng lên 3.000đồng/mớ. Cà chua từ 7.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg. Khoai tây từ 5.000 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg. Các loại rau cải thìa, cải bắp lần lượt được bán với giá 8.000 đồng/kg và 9.000 đồng/kg.

Giá rau gần đây tăng theo các tiểu thương nguyên nhân chính là do mưa nhiều khiến rau bị dập nát, sản lượng giảm sút. Mặt khác, giá xăng dầu tăng cộng với việc lương được điều chỉnh tăng từ 1/5/2009 đã khiến cho giá cả của nhiều hàng hoá khác tăng theo.

Không chỉ rau tại các chợ tăng, trong các siêu thị rau cũng đã được điều chỉnh theo giá mới. Tại siêu thị Big C, giá của nhiều loại rau củ đã tăng thêm khoảng 2,5% so với giá bán trước đó.

Một số mặt hàng như dầu ăn giá cũng đã tăng thêm 2.000 đồng/lít, đường trắng tăng từ 1.500- 2.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay phổ biến ở mức 12.000 đồng/kg.

… và sẽ tiếp tục tăng?

Chưa dừng lại, nhiều mặt hàng khác hiện cũng đang rục rịch tăng giá bán.

Ông Trần Thời Đại, thuộc Phòng kinh doanh thực phẩm của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết: tính đến thời điểm này, khoảng 10 nhà cung các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm khô như ruốc thịt, các kho đóng gói… đã có đề nghị tăng giá bán gửi tới ban thu mua. Cá biệt có nhà cung cấp còn đề nghị tăng giá từ 18-30%. Tuy nhiên, với những đề nghị không hợp lý, Hapro sẽ không chấp thuận và sẽ tìm nhà cung cấp khác để nhập những sản phẩm tương tự.

Cũng theo ông Đại,  thường khi tăng giá bán nhà cung cấp sẽ thông báo trước từ 1-3 tuần. Thời điểm này, tuy một số nhà cung cấp những mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, nước mắm… chưa có động thái tăng giá, nhưng sắp tới những sản phẩm này cũng sẽ có sự điều chỉnh. “Gần đây, một số yếu tố đầu vào đã bắt đầu tăng lên như giá điện, giá nguyên liệu, biến động tỷ giá. Cộng thêm chi phí vận chuyển tăng do xăng dầu đã tăng hơn 10% trong vòng hai tháng qua”, ông Đại giải thích.

Theo đánh giá của ông Đại, sang tháng 6 có thể giá bán của nhiều mặt chỉ biến động nhẹ, nhưng tới tháng 7 tháng 8 chắc giá sẽ có nhiều thay đổi (do lượng hàng dự trữ để bình ổn giá tại các siêu thị cũng chỉ có thể đáp ứng trong một vài tháng).

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C cũng cho hay: thời gian qua, siêu thị này đã nhận được đề nghị tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp, trong đó tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau, củ, quả và hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà. Mức tăng phổ biến đối với sản phẩm thịt đông lạnh này là từ 7-10%. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm cũng đã có kế hoạch tăng giá.

“Thực tế ngoài những nguyên nhân khách quan như do biến động tỷ giá, đầu vào của một số nguyên liệu đã bắt đầu tăng lên… mức tăng của một số loại hàng hoá còn có cả yếu tố tâm lý do bắt đầu từ tháng 5/2009, mức lương cơ bản cho những người làm tại các cơ quan hành chính sự nghiệp đã được điều chỉnh tăng. Nhân dịp này một số nhà cung cấp đã “té nước theo mưa””, ông Dũng nhìn nhận.

Do vậy, trước những yêu cầu tăng giá bán, Big C đều phải đàm phán với nhà cung cấp để có được mức giá hợp lý nhất. “Thực tế, nếu giá bán quá cao, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu thì cả sản xuất và phân phối đều không thể phát triển”, ông Dũng cho biết thêm.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lại dẫn ra: theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2009 đã  tăng 2,12% so với tháng 12/2008 và so với cùng kỳ năm 2008 con số này là 5,58%. Nếu giá bán của các mặt hàng tiêu dùng tiếp tục tăng, trong những tháng tới chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng thêm khoảng 0,5-0,7%. Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo ông Phú, xu hướng giá tăng là khó tránh khỏi, do hiện nay sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi, các mặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại. Trong khi đó, gần đây, giá dầu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, lãi suất tại nhiều ngân hàng cũng bắt đầu tăng. Đó là những nguyên nhân khiến cho mặt bằng giá sẽ phải điều chỉnh theo.

“Nếu các cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc để hạn chế những tiêu cực trong cạnh tranh, cũng như những chi phí ngoài sổ sách của doanh nghiệp thì giá hàng hoá sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa. Khi đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn”, ông Phú cảnh báo.