12:15 12/11/2009

Nhiều mẫu trái cây sấy khô có hàm lượng chì cao

Kết quả xét nghiệm các loại mẫu xí muội, trái vải khô, mứt… lấy mẫu từ 3 sạp kinh doanh tại chợ Bình Tây

Nên thận trọng với mứt, quả khô, xí muội... không có nguồn gốc xuất xứ.
Nên thận trọng với mứt, quả khô, xí muội... không có nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 11/11/2009, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế Tp.HCM) công bố kết quả xét nghiệm các loại mẫu xí muội, trái vải khô, mứt… lấy mẫu từ 3 sạp kinh doanh tại chợ Bình Tây đều có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

Cụ thể: mẫu xí muội (không có nhà sản xuất lẫn hạn sử dụng trên bao bì) có hàm lượng Cyclamate là 13,75% là chất phụ gia không được phép sử dụng, hàm lượng saccharin là 8.646,34mg/kg vượt quá giới hạn cho phép.

Xí muội không hạt Songxinhliangguoxilie (không nhà sản xuất lẫn hạn sử dụng) có hàm lượng Cyclamate 2,25%, hàm lượng chì (Pb) là 0,152mg/kg vượt giới hạn cho phép.

Mẫu xí muội không hạt (màu đen) Waganguoxilie (không nhà sản xuất lẫn hạn sử dụng) có hàm lượng Cyclamate là 3,97%, hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép 0,117mg/kg.

Mứt Kiwi có hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép 0,128mg/kg. Xí muội thịt có 1,80% là phụ gia không cho phép, hàm lượng saccharin 2.557,97mg/kg vượt giới hạn cho phép…

Sở Y tế xử phạt hành chính 3 sạp nói trên với mức phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, ba cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức xử phạt này, và viện dẫn việc mua bán hàng hóa trôi nổi, không nguồn gốc, hàng nhập lậu không hóa đơn chứng từ chiếm đa số, tại sao Sở Y tế không kiểm tra, không phạt, không xử lý (?).

Hiện chợ Bình Tây có 20 hộ kinh doanh mặt hàng mứt, quả khô, xí muội,… các hộ này đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, thực phẩm được bày bán ở đây đa phần không có nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ mua bán… rất phổ biến.

Cũng theo ông Hòa, ngành y tế sẽ ưu tiên kiểm tra, giám sát các căn tin trường học.  

Theo TS.BS. Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong trường hợp thường xuyên tiếp xúc với chì, nếu là người lớn sẽ hấp thụ trên 94% lượng chì vào cơ thể và tích tụ trong xương, ở trẻ em chỉ khoảng 64% chì sẽ vào trong xương, còn lại chì tích tụ ở máu, não, thận… gây rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, thiếu máu, có thể gây phù não và phá hủy tế bào não, dẫn đến co giật, hôn mê và tử vong.

Hoàng Nhung (SGTT)