11:25 08/12/2014

Nhiều “phấn đấu” trong đề án tái cơ cấu ngành công thương

Nguyễn Lê

Đề án tái cơ cấu ngành công thương vừa được Thủ tướng phê duyệt

Đề án nêu việc phân định rõ giữa chức
 năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành dầu 
khí.
Đề án nêu việc phân định rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành dầu khí.
Không cấp chứng nhận đầu tư cho dự án rượu dưới 5 triệu lít/năm. Đây là một thông tin đáng chú ý tại đề án tái cơ cấu ngành công thương, vừa được Thủ tướng phê duyệt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014.

Mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, khai thác triệt để các lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đồng thời phấn đấu đến năm 2030, chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) của Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực.

Điều thú vị là, khá nhiều con số cụ thể được đưa ra tại đề án đều có hai chữ “phấn đấu” đứng trước.

Như, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 6,5 - 7,0%, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%.

Hay, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 15%/năm; kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 – 2030.

Tiếp theo đó là phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế: đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 14,5 - 15%, tới năm 2030 khoảng 15,5 - 16%.

Nội dung tái cơ cấu theo từng ngành cụ thể cũng được nêu tại đề án.

Theo đó, trong ngành cơ khí ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư một số trung tâm đúc, tạo phôi hiện đại, đồng thời để tập trung phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 các sản phẩm: máy móc nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ôtô, đóng tàu biển...

Đề án cũng xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ôtô, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, máy động lực, máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến…

Tái cơ cấu ngành thép sẽ là chuyển từ quy mô nhỏ, phân tán sang quy mô trung bình và lớn, tập trung phát triển một số doanh nghiệp thép trong nước đạt sản lượng 2 - 3 triệu tấn/năm, có trình độ công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Ngành dệt may được tái cơ cấu theo hướng nhanh chóng hình thành các cụm dệt may, hình thành các liên minh và các tổ chức hợp tác giữa các công ty dọc theo chuỗi cung ứng từ cung ứng nguyên liệu đến phân phối sản phẩm may mặc…

Trong ngành bia, rượu, nước giải khát, sẽ ưu tiên sản xuất nước giải khát từ hoa quả và các nước giải khát bổ dưỡng.

Đề án cũng xác định khuyến khích phát triển sản xuất rượu quy mô công nghiệp chất lượng cao, giảm dần rượu nấu thủ công quy mô gia đình. Chú trọng phát triển rượu vang từ các loại hoa quả tươi gắn với phát triển các vùng nguyên liệu ở các địa phương.

Với định hướng kiểm soát chặt quy hoạch phát triển phù hợp cung cầu thị trường, cơ quan xây dựng đề án nhấn mạnh “không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án quy mô quá nhỏ (bia với công suất dưới 50 triệu lít/năm; rượu với công suất dưới 5 triệu lít/năm) và các dự án áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các dự án không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp”.

Chuyển sang ngành sữa, đề án nêu rõ không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án sản xuất sữa không đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa, các dự án áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các dự án không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chất thải chăn nuôi.

Trong lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu bao gồm cả việc xây dựng đề án thành lập cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng. Phân định rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành dầu khí. Cơ cấu lại mô hình hoạt động của các tổng công ty phát điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực, công ty mua bán điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).