Nhóm người giàu nhất Việt Nam cũng giảm mạnh thu nhập vì Covid-19
Năm 2020, thu nhập của nhóm người nghèo nhất đạt 1,13 triệu đồng/tháng, tăng 151 nghìn đồng so với con số của năm 2019, còn thu nhập của nhóm người giàu nhất đạt 8 triệu đồng/tháng giảm 1,1 triệu đồng so với năm 2019...
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010 thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong một tháng đạt 1,38 triệu đồng, trong đó nhóm người nghèo nhất (nhóm 1) thu nhập đạt 369 nghìn đồng/tháng, nhóm người giàu nhất (nhóm 5) đạt 3,4 triệu đồng/tháng. Khoảng cách giữa hai nhóm này là 9,2 lần, tương ứng với 3 triệu đồng.
Đến năm 2019, chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo gia tăng, trong đó, thu nhập nhóm người nghèo nhất đạt 988 nghìn đồng một tháng còn thu nhập của nhóm người giàu nhất là 9,1 triệu đồng một tháng, chênh nhau 9,1 triệu đồng tương ứng với 10,2 lần. Tính bình quân, thu nhập đầu người một tháng là 4,29 triệu đồng, tăng mạnh so với năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng không nhở tới thu nhập của người làm công, ăn lương và do tác động của một số chính sách hỗ trợ thiếu đói trong người dân do ảnh hưởng dịch bệnh nên mức chênh lệch này giảm còn 8,1 lần. Cụ thể, thu nhập của nhóm người nghèo nhất đạt 1,13 triệu đồng/tháng, tăng 151 nghìn đồng so với con số của năm 2019, còn thu nhập của nhóm người giàu nhất đạt 8 triệu đồng/tháng giảm 1,1 triệu đồng so với năm 2019.
Tính bình quân thu nhập đầu người một tháng năm 2020 đạt 4,24 triệu đồng, giảm nhẹ so với con số của năm 2019 là 4,29 triệu đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch giàu nghèo nhìn rõ hơn trên góc độ chênh lệch về giá trị tuyệt đối giữa các nhóm thu nhập, năm 2010 chênh lệch giữa nhóm thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và thu nhập cao nhất (nhóm 5) là 3 triệu đồng, đến năm 2019 chênh lệch này tăng lên gấp 3 lần năm 2010 là 9,1 triệu đồng, năm 2020 mức chênh lệch này tuy có giảm nhưng khoảng cách vẫn lớn ở mức gần 8,1 triệu đồng.
Cũng theo Tổng cục thống kê, đô thị hoá là một nguyên nhân dẫn đến chênh lệch khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Đô thị hóa diễn ra không đồng đều tại các vùng miền, địa phương và chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ. Năm 2010, có 772 đô thị tăng lên 862 đô thị trong năm 2020, trong đó có 2 đô thị đặc biệt tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 23 đô thị loại 1, 32 đô thị loại 2, 48 đô thị loại 3, 90 đô thị loại 4 và 668 đô thị loại 5 chủ yếu là các thị xã thuộc tỉnh hoặc thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 lên 39,3%, tăng hơn 9% so với năm 2010.
Song song với sự gia tăng về số lượng đô thị là sự gia tăng về dân số ở khu vực thành thị, đặc biệt tại các khu đô thị lớn. Năm 2020, dân số của nước ta là 97,58 triệu người, trong đó dân số thành thị là 35,93 triệu người, chiếm 36,82% tổng dân số, tăng 6% so với năm 2010. Dân số thành thị tăng chủ yếu do tác động của di cư từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị chủ yếu để học tập và làm việc và chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15-39 tuổi chiếm tỷ lệ 84%.
Theo số liệu công bố trong Niên giám thống kê hàng năm của Tổng cục thống kê, Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng có tỷ lệ di cư thuần cao nhất cả nước tương ứng là 3‰ và 18,7‰ vào năm 2020, đặc biệt là 1 số địa phương là trung tâm kinh tế như Hà Nội 3,7‰, thành phố Hồ Chí Minh 18‰ và một số địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh 35,8‰; Bình Dương 58,6‰; Đồng Nai 8,2‰; Bà Rịa – Vũng Tàu 3,2‰.
"Công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong một thời gian ngắn đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên một mặt cũng làm cho sự phân hóa giàu nghèo diễn ra giữa các tầng lớp dân cư, đặc biệt là người dân sống tại khu vực nông thôn, địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh do: Mất đi kế sinh nhai của người dân chủ yếu làm nông nghiệp khi trình độ không đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các khu công nghiệp do chưa được đào tạo kịp thời, tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.