09:28 26/03/2009

Những chuyện “đau đầu” quanh kế hoạch mua nợ của Mỹ

Kiều Oanh

Vấn đề lớn nhất trước mắt là không chắc các ngân hàng có sẵn lòng bán nợ hay không

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner trong một phiên chất vấn tại Quốc hội Mỹ, ngày 24/3 vừa qua - Ảnh: AP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner trong một phiên chất vấn tại Quốc hội Mỹ, ngày 24/3 vừa qua - Ảnh: AP.
Sau một thời gian hứng chịu ít nhiều chỉ trích là “thiếu chi tiết”, kế hoạch thanh lọc tài sản xấu khỏi hệ thống tài chính Mỹ của Chính phủ nước này đã được công bố cụ thể vào ngày 23/3 vừa qua.

Tuy nhiên, chương trình này hiện đang phải đối mặt với một loạt vấn đề mới.

Theo những gì mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner vạch ra hôm 23/3, kế hoạch trên sẽ huy động 75-100 tỷ USD từ phía các nhà đầu tư của khối tư nhân và sử dụng một số tiền tương ứng lấy từ Kế hoạch Giải trừ tài sản xấu (TARP) 700 tỷ USD có từ thời Tổng thống George Bush.

Quỹ cho chương trình sẽ được tăng gấp 6 lần bằng các khoản do Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) hoặc FED cấp vốn vay, hoặc bảo lãnh vốn vay dành cho các nhà đầu tư dám mạo hiểm tham gia kế hoạch.

Với các khoản này, tổng trị giá của kế hoạch có thể lên mức tới mức 1.000 -1.200 tỷ USD, dùng cho việc mua vào những tài sản có vấn đề, đặc biệt là các loại chứng khoán phát hành dựa trên nợ địa ốc (MBS), đang bị kẹt trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Thị trường chứng khoán Mỹ nhiệt liệt tán thưởng kế hoạch trên bằng mức lên điểm 7% ngay sau khi bản kế hoạch được công bố. Ngành tài chính nước này gọi đây là “phương thuốc tuyệt vời”, có thể giúp tái sinh thị trường tín dụng đang ở trạng thái đóng băng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình không đồng tình với quan điểm này, và gọi kế hoạch này là những khoản trợ cấp “mờ ám”, rốt cục chỉ có lợi cho các ngân hàng và cổ đông của họ, mà chẳng giúp ích gì nhiều cho hoạt động cho vay.

Bộ trưởng Timothy Geithner có lẽ cũng thừa hiểu, ông còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn nữa ở phía trước. “Phản ứng trong một ngày của thị trường chưa nói lên được điều gì”, ông phát biểu.

Theo các nhà đầu tư và các chuyên gia tài chính, vấn đề lớn nhất trước mắt là không chắc các ngân hàng có sẵn lòng bán nợ hay không. Mấu chốt của chuyện này là các ngân hàng và các nhà đầu tư bất đồng sâu sắc về giá trị của các tài sản xấu.

Các nhà đầu tư nhấn mạnh rằng sự lao dốc chưa có hồi kết của thị trường địa ốc Mỹ và tỷ lệ vỡ nợ vẫn trên đà leo thang sẽ khiến các tài sản xấu của các ngân hàng sẽ khó mà giữ được giá trị như được quảng cáo, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái tiếp tục gây áp lực đối với các khách hàng vay tiền.

Trong khi đó, các ngân hàng cho hay, có từ 90% trở lên khách vay cầm cố nhà đang trả nợ đều. Họ khẳng định, phần lớn những tài sản xấu của họ cuối cùng sẽ phục hồi giá trị, và vì thế, những tài sản này có giá trị cao hơn nhiều so với mức giá “bèo bọt” mà các nhà đầu tư muốn trả.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang ở hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về tài chính còn nhận thấy rằng, nếu tài sản của họ bị định giá thấp hơn, tình hình sẽ càng bi đát hơn và họ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ.

Do đó, nhiều ngân hàng có thể chỉ chấp nhận bán tài sản khi giá chào mua bằng hoặc vượt giá trị trong sổ sách của họ. Trong khi đó, bà Chủ tịch FDIC Sheila Bair cho rằng, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ chịu thiệt khi tham gia chương trình này. “Họ sẽ bị lỗ khi bán tài sản theo kế hoạch của Chính phủ”, bà nói.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ không có nhiều lựa chọn. Một lý do ở đây là Chính phủ liên bang hiện đã nắm giữ cổ phần lớn trong những nhà băng lớn ở nước này, tạo điều kiện cho Chính phủ và Quốc hội gây áp lực đối với các ngân hàng. Trong điều kiện bình thường, Chính phủ Mỹ cũng đã có quyền kiểm soát tương đối lớn đối với những tài sản mà các ngân hàng được bơm vốn cứu trợ.

Trên thực tế, khi được hỏi liệu FDIC và các cơ quan chức năng khác có gây áp lực để buộc các ngân hàng phải bán tài sản, bà Chủ tịch Bair không trả lời rõ, nhưng tỏ ý cho biết họ sẽ làm vậy.

Bên cạnh vấn đề mức độ sẵn sàng tham gia chương trình của các ngân hàng, một số chuyên gia còn đặt câu hỏi thứ hai, liệu Chính phủ Mỹ có “trả hớ” cho các tài sản xấu. Các nhà đầu tư khối tư nhân được Chính phủ Mỹ bảo lãnh vốn có thể sẽ trả giá cao hơn cho một số tài sản, và Chính phủ, theo quy định của chương trình, cũng sẽ phải mua theo giá này. Việc “trả hớ” sẽ dẫn tới việc tiền thuế của dân rơi vào túi cổ đông của các ngân hàng.

Vấn đề thứ ba mà các chuyên gia đặt ra là rủi ro đối với vốn của các nhà đầu tư khối tư nhân tham gia chương trình này. Mặc dù số vốn của khối này chỉ chiếm khoảng 6% tổng số vốn cho kế hoạch, nhưng Bộ trưởng Geithner cũng đã nhấn mạnh, các nhà đầu tư khu vực tư nhân đối mặt với khả năng mất trắng khi tham gia chương trình.

“Toàn bộ vốn của các nhà đầu tư sẽ ở thế rủi ro. Đó là một vấn đề quan trọng. Nếu chương trình đem lại lợi nhuận như kỳ vọng của chúng tôi, người nộp thuế sẽ được chia sẻ phần lợi nhuận này”, ông Geithner nói.

Tuy nhiên, ông Geithner khẳng định, rủi ro này còn khả dĩ hơn nhiều hai lựa chọn còn lại: Hoặc Chính phủ khoanh tay đứng nhìn để cả hệ thống đối mặt với rủi ro gia tăng, hoặc tự Chính phủ thực hiện việc mua nợ. Ở lựa chọn thứ hai, khả năng Chính phủ phải mua tài sản xấu với giá cao càng tăng thêm.

Vấn đề thứ tư, một số chuyên gia cho rằng, việc vốn của khu vực tư nhân chỉ chiếm một phần nhỏ trong kế hoạch có thể dẫn tới tình trạng gian lận.

Chẳng hạn, trong quá trình đấu giá một khối tài sản trị giá 100 triệu USD, khu vực tư nhân chỉ cần bỏ ra 7 triệu USD tiền túi, còn lại là 7 triệu USD tiền của Chính phủ, và các khoản vay mà Chính phủ cấp vốn hoặc bảo lãnh. Do nắm quyền chào giá, các nhà đầu tư có thể thông đồng với ngân hàng bán tài sản để thổi phồng giá lên, và sau đó được ngân hàng chia chác số tiền chênh lệch.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã nhận thức được rủi ro này và có nguồn tin cho hay, hiện bộ này đang làm việc với Văn phòng Chánh thanh tra đặc biệt và các cố vấn để ngăn chặn tình trạng gian lận.

Một vấn đề khác không thể không bàn tới là khả năng người dân Mỹ nổi giận nếu tiền thuế của họ bị Chính phủ đem mua nợ và thua lỗ. Chắc nhiều người còn chưa quên vụ tiền thưởng 165 triệu ở AIG mới đây đã khiến cả nước Mỹ phẫn nộ, buộc Hạ viện nước này phải cấp tốc thông qua mức thuế 90% đánh vào tiền thưởng tại các tập đoàn nhận tiền cứu trợ.

(Theo Business Week)