07:30 24/03/2009

Vì sao chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng 7%?

Duy Cường

Ngày 23/3, điều gì giúp chứng khoán Mỹ bất ngờ có phiên giao dịch thành công nhất kể từ ngày 21/11/2008?

Phiên tăng điểm này đã giúp giá trị vốn hóa thị trường của 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones tăng thêm 167,4 tỷ USD và chỉ số này đã lên 10% so với đầu tháng 3/2009 - Ảnh: Reuters.
Phiên tăng điểm này đã giúp giá trị vốn hóa thị trường của 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones tăng thêm 167,4 tỷ USD và chỉ số này đã lên 10% so với đầu tháng 3/2009 - Ảnh: Reuters.
Ngày 23/3, điều gì giúp chứng khoán Mỹ bất ngờ có phiên giao dịch thành công nhất kể từ ngày 21/11/2008?

Hôm thứ Hai, Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ cho hay, doanh số nhà đã qua sử dụng chờ bán ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng 5,1% lên 4,72 triệu đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ mức 4,49 triệu đơn vị trong tháng 1/2009.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản, giá trung bình một ngôi nhà, căn hộ hiện đã giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 165.400 USD/ ngôi nhà, căn hộ.

Trong một diễn biến đáng chú ý nhất trong ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố bản kế hoạch chi tiết trị giá 1.000 tỷ USD về chương trình mua lại các tài sản xấu để làm sạch bảng cân đối kế toán của các định chế tài chính Mỹ.

Kế hoạch này sẽ có sự kết hợp giữa Chính phủ Mỹ và nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia với mục đích tạo nên sự lành mạnh của hệ thống tài chính Mỹ.

Đối với các nhà đầu tư tư nhân dám mạo hiểm tham gia chương trình này sẽ được Chính phủ Mỹ cho vay vốn để thực hiện việc mua lại số tài sản xấu có tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ USD.

Trước mắt, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chi từ 75-100 tỷ USD trong nguồn quỹ 700 tỷ USD từ “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP” được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

Điểm quan trọng trong chương trình này là Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang sẽ cùng tham gia rót vốn hoặc bảo đảm, xác định giá trị và đấu giá số tài sản xấu.

Một kế hoạch quan trong khác cũng được chính quyền Tổng thống Obama công bố trong ngày, theo đó, Bộ Tài chính Mỹ và FED sẽ đóng vai trò trung tâm để ngăn chặn khủng hoảng tài chính trong tương lai giống như những gì đã, đang diễn ra tại Mỹ.

Đồng thời, hai cơ quan này sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và đưa kinh tế đất nước ra khỏi tình trạng suy thoái.

Đó cũng được xem là biện pháp tốt nhất đối với Chính phủ và Quốc hội Mỹ để cải tổ cấu trúc thị trường tài chính nhằm bảo vệ tốt hơn cho nước Mỹ trong tương lai.

Kế hoạch cụ thể được công bố bao gồm:

- Bộ Tài chính đồng ý thâu tóm hoặc thanh lý tài sản của AIG và Bear Stearns trong dài hạn.

- FED đồng ý sử dụng tất cả các công cụ trên thị trường để ứng phó với tình hình.

- FED sẽ ngăn ngừa rủi ro tín dụng và điều tiết tín dụng linh hoạt.

- FED và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đưa ra các công cụ mới hỗ trợ FED để triệt tiêu những ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động cho vay.

- Bộ Tài chính và FED sẽ cùng bàn bạc với Quốc hội để các kế hoạch có thể được thực hiện tốt hơn và cũng tạo nên một hành lang pháp lý đầy đủ cho các kế hoạch.

Các chỉ số tăng vọt trước các kế hoạch lớn

Các kế hoạch mua tài sản xấu và ổn định thị trường tài chính của chính quyền Tổng thống Obama đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt.

Giới đầu tư đã tăng mạnh mua cổ phiếu bởi kế hoạch mua tài sản xấu của các định chế tài chính đã được công bố một cách chi tiết và phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng sau nhiều ngày chờ đợi.

Chứng khoán Mỹ đã mở cửa phiên giao với mức tăng cao hơn 2% so với phiên cuối tuần trước. Đà tăng của thị trường được hỗ trợ bởi thông tin về doanh số nhà chờ bán ở Mỹ tăng mạnh và kế hoạch mua tài sản xấu.

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã nhanh chóng tăng 4,13%, rồi tăng lên 4,5% vào lúc 12 giờ trưa (giờ địa phương).

Tuy nhiên đến gần 15 giờ chiều, cả ba chỉ số đã tăng điểm mạnh mẽ, từ mức giá trị 4% lên 6%, rồi chỉ số S&P 500 tiến lên ngưỡng 7% trước sự lạc quan của giới đầu tư.

Các lệnh đặt mua được tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch và cổ phiếu khối ngân hàng được đặt mua nhiều nhất. Lượng cổ phiếu bán ra quá ít so với mọi ngày trước sự áp đảo của lượng cầu nên toàn sàn giao dịch New York chỉ khớp lệnh được gần 2 tỷ cổ phiếu – thấp hơn so với mức trên 2,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch thành công của nhiều phiên trước đó.

Đây là phiên giao dịch thành công nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ ngày 21/11/ 2008 khi biên độ tăng của các chỉ số đã lên đến 7%. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã dễ dàng vượt qua ngưỡng 800 điểm, còn chỉ số Dow Jones nhanh chóng vượt qua ngưỡng 7.760 điểm.

Phiên tăng điểm này cũng giúp giá trị vốn hóa thị trường của 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones tăng thêm 167,4 tỷ USD và chỉ số này đã tăng 10% so với đầu tháng 3/2009 - dù vẫn giảm 12% giá trị so với đầu năm 2009.

Chỉ số KBW khối ngân hàng đã có ngày tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1993, trong đó cổ phiếu Bank of America tăng 26%, cổ phiếu JPMorgan Chase tiến thêm 25%, cổ phiếu Citigroup lên 20%,...

Giá dầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu Exxon Mobil tiến thêm 6,7% lên 70,53 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Chevron tăng 6,9% lên 69,15 USD/cổ phiếu.
Vì sao chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng 7%? - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán ở Mỹ ngày 23/3 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 23/3: chỉ số Dow Jones tăng 497,48 điểm, tương đương 6,84%, chốt ở mức 7.775,86.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 98,5 điểm, tương đương 6,76%, chốt ở mức 1.555,77.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 54,38 điểm, tương đương 7,08%, đóng cửa ở mức 822,92.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,91 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.863 cổ phiếu lên điểm và có 259 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,24 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.262 cổ phiếu tăng điểm và có 429 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất trong 1 tháng

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm phiên đầu tuần đưa các chỉ số lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.

Số liệu doanh số nhà chờ bán ở Mỹ tăng mạnh và kế hoạch chi tiết về việc mua tài sản xấu được Bộ Tài chính Mỹ công bố là nguyên nhân quan trọng giúp chứng khoán khu vực lên điểm.

Cổ phiếu khối ngân hàng dẫn đầu về biên độ tăng điểm, qua đó góp phần quan trọng giúp thị trường châu Âu khởi sắc. Cổ phiếu BNP Paribas, Banco Santander, Barclays, Deutsche Bank, HSBC và UniCredit đã tăng từ 4,6% đến 15,7%.

Giá hàng hóa cơ bản đều lên giá nên cổ phiếu khối này cũng có những bước tiến tích cực, cổ phiếu của các hãng năng lượng như BP, Royal Dutch Shell tăng lần lượt là 2,6% và 3,7%; cổ phiếu các hãng khai mỏ như Billiton, Anglo American, Rio Tinto và Xstrata tăng từ 4,2-13%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 109,96 điểm, tương đương 2,86%, chốt ở mức 3.952,81. Khối lượng giao dịch đạt 2,54 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức tăng 2,65%, khối lượng giao dịch đạt 32,4 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,81%, khối lượng giao dịch đạt 190 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm mạnh

Thông tin Chính phủ Mỹ sẽ công bố kế hoạch bơm 1.000 tỷ USD cho các nhà đầu tư tư nhân để mua lại các tài sản xấu của các định chế tài chính, đã thúc đẩy thị trường chứng khoán khu vực tăng điểm mạnh phiên đầu tuần.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 4,1% lên 82,79 điểm – mức tăng mạnh nhất kế từ ngày 15/12/2008, đưa chỉ số này lên cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Chứng khoán Nhật đã tăng mạnh phiên đầu tuần, đưa chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua.

Cổ phiếu khối ngân hàng tăng vọt nhờ kế hoạch bơm vốn mua tài sản xấu của Mỹ và đồng Yên mất giá đẩy cổ phiếu khối các nhà xuất khẩu tăng với biên độ lớn, qua đó kéo thị trường đi lên.

Cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 4,7%, cổ phiếu Mizuho Financial Group lên 5,3%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tiến thêm 7,3%...

Trên thị trường tiền tệ, đồng Yên đã giảm 96,15 Yên/1 USD, từ mức 93,55 Yên/1 USD của tuần trước đó. Điều này đã góp phần đẩy cổ phiếu Kyocera lên 3,8%, cổ phiếu Fanuc tăng 4,1%...

Kế thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 269,57 điểm, tương đương 3,39%, chốt ở mức 8.215,53. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 12 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Singapore vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2/2009 đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 2,9% trong tháng 1/2009.

Tỷ lệ tăng của CPI tháng 2 thấp hơn 0,7% so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng của CPI trong tháng 2 chủ yếu do giá lương thực - vốn chiếm 23% tỷ trọng trong giỏ CPI, lên 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Straits Times tăng 63,6 điểm, tương đương 3,98%, chốt ở mức 1.660,52.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 3,28%. Chỉ số ASX của Australia lên 2,29%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 4,78%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ nhích 4,14%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 1,95%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 2,44%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.278,387.775,86 Up497,48Up6,84
Nasdaq1.457,271.555,77Up  98,50Up6,76
S&P 500768,54822,92Up  54,38Up7,08
AnhFTSE 1003.842,853.952,81Up109,96Up2,86
ĐứcDAX4.068,74 4.176,37Up107,63Up2,65
PhápCAC 402.791,14 2.869,57Up  78,43Up2,81
Đài LoanTaiwan Weighted4.961,625.124,18Up162,56Up3,28
NhậtNikkei 2257.945,968.215,53Up269,57Up3,39
Hồng KôngHang Seng12.833,5113.447,42Up613.91Up4,78
Hàn QuốcKOSPI Composite1.170,941.199,50Up  28,56Up2,44
Singapore Straits Times1.596.921.660,52 Up  63,60 Up3,98
Trung Quốc Shanghai Composite2.281,092.325,48Up  44,39Up1,95
Ấn ĐộBSE 308.966,689.337,56Up370,88 Up4,14
AustraliaASX3.405,003.483,10Up  78,10Up2,29
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg