07:11 09/06/2023

Những thách thức Intel phải đối mặt để cạnh tranh với TSMC và Samsung

Nguyễn Hà

Gần đây, Intel gặp khó khăn trong việc vượt qua những cơn bão mà ngành công nghiệp chip phải đối mặt. Sự cạnh tranh gay gắt từ những gã khổng lồ bán dẫn khác kiến Intel cố gắng đổi mới để trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất chip…

Trước đây, Giám đốc điều hành Pat Gelsinger tuyên bố Intel sẽ mở các cơ sở sản xuất theo hợp đồng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ trả tiền để mua chip được sản xuất bởi một gã khổng lồ Mỹ có hiệu suất và quy trình công nghệ tụt hậu so với TSMC và Samsung?

Tháng trước, Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang chia sẻ với các phóng viên rằng gã khổng lồ GPU của ông đã cởi mở với ý tưởng sử dụng dây chuyền lắp ráp của Intel.

Rõ ràng, Intel muốn sản xuất chip cho mọi đối tượng khách hàng giống như TSMC, Samsung và UMC đã làm. Mùa hè năm ngoái, MediaTek – một công ty bán dẫn fabless cung cấp giải pháp về hệ thống trên một vi mạch có trụ sở tại Đài Loan – tuyên bố sẽ hợp tác với Intel để sản xuất con chip 22nm.

Tuy nhiên, một số công ty như Nvidia hiện đang xây dựng chip trên quy trình N4 (4 nm) của TSMC. Do đó, công nghệ 6 năm tuổi của Intel sẽ không đáp ứng được nhu cầu vì ngay cả việc sản xuất con chip 7nm còn gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù thế hệ chip hiện tại của Nvidia phần lớn được sản xuất bởi TSMC nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng, trước đó gã khổng lồ GeForce – Nvidia cũng có lịch sử hợp tác lâu dài với Samsung. Điều này thể hiện rằng nếu Intel thực sự muốn cạnh tranh với TSMC và Samsung thì họ còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

XÂY DỰNG NHÀ MÁY BÁN DẪN

Việc xây dựng một cơ sở kinh doanh xưởng đúc không thể diễn ra trong một sớm một chiều . Một nhà máy hàng đầu có thể tiêu tốn 10-15 tỷ USD và mất hơn bốn năm để hoàn thành.

Công suất hiện tại của Intel được ước tính là đủ để đáp ứng nhu cầu nội bộ của công ty. Tuy nhiên, để trở thành một nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng, Intel cần phải xây dựng thêm các cơ sở chế tạo.

Trước đây, siêu tập đoàn đã động thổ xây dựng hai nhà máy tại khuôn viên Arizona và xây dựng hai nhà máy tại địa điểm Ohio. Nếu không có bất kỳ sự chậm trễ nào, cả bốn cơ sở dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Intel cũng đã tìm cách quản lý chi phí của các cơ sở này ngay cả khi tình hình tài chính của họ trở nên tồi tệ. Ngoài việc cắt giảm hàng tỷ USD chi tiêu hàng năm, Intel đã thuyết phục được công ty cổ phần tư nhân Brookfield Asset Management đầu tư 15 tỷ USD cho dự án nhà máy ở Arizona của mình. 

Bên cạnh đó, Intel cũng có một chút may mắn. Năm ngoái, Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ đã được ký thành luật, tài trợ khoảng 53 tỷ USD cho sản xuất chất bán dẫn trong nước, bao gồm cả Intel. 

INTEL CẦN THƯƠNG MẠI HÓA QUY TRÌNH CẠNH TRANH

Dù sở hữu bốn hoặc năm cơ sở sản xuất mới được xây dựng, Intel sẽ không thu được lợi nhuận cao nếu hãng không có sản phẩm cạnh tranh để bán. Intel có thể sản xuất chip và hệ thống trên chip đơn giản hơn, nhưng hãng sẽ phải cạnh tranh với tất cả các nhà máy hợp đồng giá rẻ ngoài kia. 

Intel đã hứa hẹn về một vài quy trình tiên tiến hàng đầu sẽ ra mắt cùng với các bộ phận mới của mình. Intel đã hoàn thiện quá trình sản xuất chip 18A (tiến trình 1,8nm) và 20A (loại 2nm). Điều này có nghĩa là công ty sẽ cạnh tranh với công nghệ xử lý 2nm của các nhà sản xuất đối thủ.

Theo lộ trình của Intel, con chip 20A sẽ được ra mắt lần đầu tiên vào khoảng cuối năm 2024. Sau đó, công ty có kế hoạch theo dõi sản xuất đối với con chip 18A.

CẠNH TRANH VỀ CHI PHÍ

Ngay cả khi Intel có thể xây dựng đủ cơ sở hạ tầng và thương mại hóa quy trình cạnh tranh, thì hãng vẫn phải cạnh tranh về chi phí trừ khi công nghệ xử lý của Intel tốt hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, chip do Intel sản xuất có thể đắt hơn vì chúng được sản xuất tại những nơi đắt đỏ bậc nhất. Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang trước đây đã nói rằng chi phí cho việc sản xuất chip tại nhà máy ở Mỹ của họ ở Oregon đắt hơn khoảng 50% so với tại Đài Loan.

Ngay cả khi nhà máy của Intel không cạnh tranh về chi phí thì vẫn có một khách hàng sẵn sàng trả bất kỳ giá nào cho chip do một công ty Mỹ sản xuất tại Mỹ. Từ lâu, Intel và chính phủ Mỹ có mối quan hệ lâu dài và họ đã ký một số hợp đồng trong nhiều năm để phát triển nhiều công nghệ mới nổi khác nhau thuộc Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng. Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng của Mỹ cũng sử dụng chip của Intel trong dự án Siêu máy tính Aurora.

Intel có thể dựa vào những mối quan hệ này để phát triển hoạt động kinh doanh xưởng đúc của mình. Tuy nhiên, liệu những mối quan hệ này có đủ để Intel thành công hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.