Những thủ đoạn "giăng bẫy" người mua hàng qua mạng xã hội
Nạn nhân được hứa sẽ mua hàng giảm giá, trúng thưởng, thậm chí yêu cầu họ mở link website thực hiện chuyển tiền với thông điệp hấp dẫn như tiền thưởng, giải thưởng hoặc nhận được những bất ngờ khác
Rất nhiều thủ đoạn lập nick ảo, giả mạo fanpage doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử, website giả mạo ngân hàng để bán hàng giá rẻ, tặng quà, đánh vào tâm lý chủ quan rồi chiếm đoạt tiền nạn nhân.
Xu hướng tấn công lừa đảo này được tội phạm mạng sử dụng nhằm đánh cắp dữ liệu bí mật từ máy tính của người dùng, sau đó sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau, như lấy cắp tiền của nạn nhân hoặc bán lại dữ liệu đã đánh cắp.
MUA HÀNG GIÁ RẺ, ĐÁNH VÀO LÒNG THAM
Do cần mua 1 chiếc iPhone 12 pro max bản 128GB, chị Thủy (ở quận 7, Tp.HCM) đã lên mạng tìm kiếm thì bất ngờ facebook hiện ra một loạt cửa hàng, gian hàng ảo được thiết kế theo hình thức khuyến mãi của Lazada. Nếu iPhone 12 pro max 128GB có giá chính hãng khoảng 29 triệu thì các gian hàng này chào giá chỉ bằng một nửa 15 triệu đồng; Đặc biệt, iPhone 11 pro max chỉ còn 4.990.000 đồng với thông tin cực kỳ hấp dẫn "100 iPhone 11 Pro Max khuyến mãi cho khách hàng may mắn" chỉ cần để lại số điện thoại, sẽ có người gọi điện tư vấn.
Khoảng 20 phút sau, chị Thủy nhận được cuộc gọi, thông báo mình trúng suất mua điện thoại iPhone 11 pro max với giá cực rẻ như trên. Nhân viên tư vấn cửa hàng còn hứa hẹn 5 ngày sau sẽ giao hàng và cho chị kiểm tra trước khi thanh toán. Tuy nhiên, chị Thủy thắc mắc về địa chỉ cửa hàng thì chỉ được báo là ở Hà Nội nhưng không cho địa chỉ cụ thể và hỏi về thông tin sản phẩm, đơn vị nhập khẩu hay bảo hành sản phẩm thì nhân viên hứa hẹn "hàng chính hãng, bao test, bảo hành đầy đủ" và từ đó đến nay không thấy liên hệ nữa.
Thực tế, có rất nhiều khách hàng đã mua được những chiếc điện thoại như này, mặc dù có kiểm tra trước khi thanh toán tiền nhưng cũng đều "dính bẫy" vì đa số "iPhone này" đều sử dụng không quá 1 tháng là trục trặc, gọi bảo hành thì được yêu cầu mang ra cửa hàng ở Hà Nội hoặc từ chối bảo hành…
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo nay càng tinh vi hơn rất nhiều. Chúng lập cả fanpage giả mạo cửa hàng, giả mạo sàn TMĐT như Lazada, Shopee tích cực khuyến mãi và đóng giả khách mua comment và chạy cả quảng cáo facebook, mạng xã hội nhằm "săn" càng nhiều con mồi càng tốt.
BÁN HÀNG XONG... CHẶN NICK, SỐ ĐIỆN THOẠI
Tài khoản Facebook có tên N.G khá nổi tiếng trên mạng xã hội vì mức độ lừa rất nhiều người. N.G tự xưng mình giàu có, xài sang, quan hệ rộng và đăng kèm đầy ắp hình ảnh xe ôtô, xe gắn máy sang trọng mà N.G cho là của mình. Vì sống sang chảnh nên N.G cũng thay phương tiện, đồ dùng như thay quần áo. N.G đã rao vặt nhiều lần: "Sau ngày sinh nhật của mình có 3 con iPhone 12 Pro Max pro bán lại 8 triệu phiên bản quốc tế", "Giờ đã ngán ngẩm đi xe máy, em chỉ lái ôtô, bán lại con Vespa đẹp mê mẩn giá 9,5 triệu đồng"…
Một lúc sau, không ít người tranh nhau mua và tất nhiên ai mua thì phải chuyển khoản đặt cọc trước cho N.G, thế là không ít người sập bẫy. Khi biết mình bị lừa, các nạn nhân cũng đành bất lực.
Anh Nam ở quận Bình Thạnh Tp.HCM than thở: Mặc dù đã rất cảnh giác, cẩn thận nhưng không hiểu sao lại dễ dàng mê muội trước lời mời mọc, rao bán của kẻ bất lương, giống như kẻ lừa có ma thuật vậy. Họ nói vậy thật ra là để che đậy cái lòng tham của mình vì sợ mọi người cười chê.
Hiện, nhiều người khác cũng bị lừa mua ấm chén, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm… Thủ đoạn chung, yêu cầu chuyển khoản đặt cọc, rồi chặn facebook hay số điện thoại. Một số người đã làm đơn tố cáo đến công an nhưng dù có xác định và bắt giữ đối tượng với hành vi lừa đảo thì các nạn nhận khó có thể lấy lại số tiền đã mất. Do đó, nhiều nạn nhân e ngại, thường không trình báo với cơ quan công an khiến cho tội phạm vẫn còn đất sống.
Qua các vụ việc lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội đều cho thấy kẻ lừa đều lập tài khoản giả mạo trên các trang mạng xã hội, khi việc lừa đảo bị phát giác thì lập tức khóa tài khoản, lập nick mới và tiếp tục lừa. Yếu tố để nạn nhân tin tưởng kẻ lừa là tài khoản ngân hàng có chỉ hẳn hoi, gây nên tâm lý chủ quan. Thực tế, đối tượng lừa đảo thuê người hoặc sử dụng giấy CMND (thẻ căn cước) giả để mở tài khoản, khi tiền chuyển vào là chúng lập tức rút ngay.
Một kiểu lừa khác cũng đánh vào lòng tham của nạn nhân là kẻ lừa đảo đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến nạn nhân nói có bưu phẩm, quà tặng gửi ở bưu điện và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản để đóng lệ phí làm thủ tục, ứng trước chi phí vận chuyển…
Tại địa bàn Tp.Hà Nội, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, xuất hiện các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng, trong nội dung các tin nhắn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo (có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng). Nhiều người cả tin muốn nhận quà "lì xì" đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân. Bằng phương thức, thủ đoạn này, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản.
Bên cạnh khuyến cáo nâng cao cảnh giác, cơ quan công an đề nghị người dân khi phát hiện mình bị lừa thì thông báo ngay với ngân hàng để phong tỏa tài khoản của đối tượng và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngoài ra, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân/bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội thì cần liên hệ trực tiếp kiểm tra.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020. Các cuộc tấn công phi kỹ thuật như lừa đảo cũng là phương thức tấn công dễ dàng nhất. Những kẻ lừa đảo trực tuyến đã khai thác chủ đề Covid-19, vaccine mời nạn nhân tham gia các hội nghị trực tuyến không có thực và thông báo rằng họ cần đăng ký thông tin với "các dịch vụ mới của công ty".
Những chuyên gia của Kaspersky đã quan sát thấy kể từ cuối năm 2020, những kẻ lừa đảo bắt đầu ưa chuộng hình thức phát tán thư lừa đảo qua mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin. Dự đoán rằng các xu hướng tấn công mạng chính trong năm 2021 sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần. Nạn nhân được hứa sẽ được giảm giá hoặc nhận thưởng nếu họ mở liên kết đính kèm. Website lừa đảo cũng mang thông điệp hấp dẫn như tiền thưởng, giải thưởng hoặc nhận được những bất ngờ khác.