Nợ công Việt Nam và những ẩn số
Nguyên nhân gây khủng hoảng nợ công của các nước cũng đã có hình có dạng ở Việt Nam.
Mỗi người dân Việt Nam đang gánh 810,39 USD hay hơn 1.600 USD nợ công?
Nếu tính đúng, tính đủ, con số theo định nghĩa nợ công quốc tế có thể lớn hơn gấp đôi và bóng đen này sẽ là nỗi ám ảnh thường trực với từng người dân. Đặc biệt, nguyên nhân gây khủng hoảng nợ công của các nước cũng đã có hình có dạng ở Việt Nam.
Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm chủ thể bao gồm: Nợ của Chính phủ trung ương và các Bộ, ban, ngành trung ương; Nợ của các cấp chính quyền địa phương; Nợ của Ngân hàng Trung ương; Nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật Quản lý Nợ công 2010 của Việt Nam, nợ công tại Việt Nam được hiểu bao gồm ba nhóm: Nợ Chính phủ, Nợ được Chính phủ bảo lãnh và Nợ chính quyền địa phương
Trao đổi tại Hội thảo Khủng hoảng nợ công châu Âu và những gợi mở cho Việt Nam ngày 25/4, TS.Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế là gần gấp đôi số bộ tài chính công bố. Năm 2011, ước tính nợ công Việt Nam theo cách tính quốc tế là 128,9 tỷ USD bằng 106% GDP.
Nhưng theo cách tính của Việt Nam thì chỉ có 66,8 tỷ USD và bằng 55% GDP. Sở dĩ, con số nợ công được Bộ Tài chính công bố ở mức thấp như vậy là do đã loại trừ phần nợ của doanh nghiệp nhà nước là 62,8 tỷ USD, tương đương 51% GDP.
Không tranh cãi nhiều về cách tính, GS.TS Đỗ Hoài Nam, chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN cho rằng con số tính toán không giống nhau nhưng vấn đề “gút lại” vẫn là không bình thường và rất nghiêm trọng. Đã có quan điểm cho rằng dấu hiệu tiền khủng hoảng đã xuất hiện và nguyên nhân của những bất ổn đã hé lộ.
Thủ phạm gây ra nợ công Việt Nam ở mức cao được cho là mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển dựa quá nhiều vào tăng vốn đầu tư. Theo GS.Nam, một nguyên nhân này là chưa đủ và cần xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả và hiện đang lại là con nợ lớn nhất. Do đó, điểm tiếp theo được ông Nam đề xuất xem xét là chức năng nhà nước trong nền kinh tế nhìn từ quá trình phát triển và diễn biến nợ công ở các nước.
Dù cách nhau hơn nửa vòng trái đất và rất khác biệt về các yếu tố kinh tế, chính trị, gốc rễ của vấn đề nợ công ở các nước châu Âu vẫn có những điểm tương đồng đáng ngại với Việt Nam.
Giới nghiên cứu gọi 5 nước rơi vào khủng hoảng nợ công là PIIGS, viết tắt theo tên của các nước là Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Trong tiếng Anh, cách phát âm từ này gần giống với từ pigs, có nghĩa là những con lợn nên từ này cũng được hiểu là có hàm ý không mấy tốt đẹp.
Nghiên cứu Việt Nam từ bên ngoài đất nước, TS.Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer (Ba Lan) cho rằng để tìm được nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, câu hỏi đặt ra đối với cuộc khủng hoảng này là tại sao nợ công lại xảy ra vào năm 2010 và lại diễn ra ở 5 nước trên ? Câu hỏi thứ hai là liệu ngoài khủng hoảng này, trong tương lai có những khủng hoảng khu vực nào và ở nước nào? Liệu cuối cùng, lỗi có thuộc Nhà nước hay không?
Theo ông Hậu, vấn đề đầu tiên của các nước châu Âu và Mỹ là thể chế. Chẳng hạn, xóa bỏ tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại là một cái sai. Điểm không chính đáng thứ hai là việc áp dụng thuế VAT. Nhiều người đã lợi dụng thuế VAT để trốn thuế và làm giàu.
Điều này diễn ra phổ biến ở Hy Lạp và Cyprus. Tại Việt Nam, quy mô sử dụng thuế VAT lớn nên “quy mô doanh nghiệp sử dụng thuế VAT để làm đủ thứ chắc cũng lớn. Con người ta phản ứng chính sách rất giống nhau”, ông Hậu nói. Trong khi đó, Mỹ không có loại thuế này.
Cũng liên quan đến thuế, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng trầm trọng, chính sách thu thuế của chính phủ mới được xem xét lại. Ảnh từ vệ tinh phát hiện tỷ lệ gia đình Hy Lạp có bể bơi rất nhiều nhưng con số khai nộp thuế rất ít. “Nghĩa là, trốn thuế cả! Đấy là khuyết tật thể chế dẫn đến thâm thủng ngân sách”, ông Hậu phân tích.
Trên thị trường tài chính, những khiếm khuyết các nước PIIGS có thì Việt Nam cũng có. Chẳng hạn, mô hình dẫn lưu dòng vốn cho nền kinh tế của Mỹ là dựa vào thị trường chứng khoán và những nguồn vốn có tính chất khác. Nhưng mô hình này của Việt Nam lại dựa hoàn toàn vào ngân hàng. Từ đó, ngân hàng được mở rộng mạnh mẽ.
“Cho ngân hàng làm việc như một nền kinh tế con có đẩy đủ các chức năng từ cửa hàng bán lẻ đến cho vay và đầu tư, ngân hàng như một thực thể kinh tế đầy đủ. Đây là điều tối kỵ trong quản lý kinh tế”, ông Hậu nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được chuyên gia này phân tích là mối liên kết giữa nền kinh tế ảo và kinh tế thực. Việc sử dụng các công cụ tài chính để thúc đẩy kinh tế thực, nhưng kinh tế ảo đã đi quá xa nên dẫn tới khủng hoảng. Vấn đề này thể hiện ở Việt Nam từ năm 2007, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, sau đó bất động sản phát triển mạnh, tất yếu bao gồm giá trị ảo.
“Nếu soi cả ba nhân tố nền tảng là thể chế kinh tế, vai trò nhà nước trong nền kinh tế và mối liên hệ giữa kinh tế ảo với kinh tế thực thì Việt Nam có cả ba”, ông Hậu kết luận.
Nếu tính đúng, tính đủ, con số theo định nghĩa nợ công quốc tế có thể lớn hơn gấp đôi và bóng đen này sẽ là nỗi ám ảnh thường trực với từng người dân. Đặc biệt, nguyên nhân gây khủng hoảng nợ công của các nước cũng đã có hình có dạng ở Việt Nam.
Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm chủ thể bao gồm: Nợ của Chính phủ trung ương và các Bộ, ban, ngành trung ương; Nợ của các cấp chính quyền địa phương; Nợ của Ngân hàng Trung ương; Nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật Quản lý Nợ công 2010 của Việt Nam, nợ công tại Việt Nam được hiểu bao gồm ba nhóm: Nợ Chính phủ, Nợ được Chính phủ bảo lãnh và Nợ chính quyền địa phương
Trao đổi tại Hội thảo Khủng hoảng nợ công châu Âu và những gợi mở cho Việt Nam ngày 25/4, TS.Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế là gần gấp đôi số bộ tài chính công bố. Năm 2011, ước tính nợ công Việt Nam theo cách tính quốc tế là 128,9 tỷ USD bằng 106% GDP.
Nhưng theo cách tính của Việt Nam thì chỉ có 66,8 tỷ USD và bằng 55% GDP. Sở dĩ, con số nợ công được Bộ Tài chính công bố ở mức thấp như vậy là do đã loại trừ phần nợ của doanh nghiệp nhà nước là 62,8 tỷ USD, tương đương 51% GDP.
Không tranh cãi nhiều về cách tính, GS.TS Đỗ Hoài Nam, chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN cho rằng con số tính toán không giống nhau nhưng vấn đề “gút lại” vẫn là không bình thường và rất nghiêm trọng. Đã có quan điểm cho rằng dấu hiệu tiền khủng hoảng đã xuất hiện và nguyên nhân của những bất ổn đã hé lộ.
Thủ phạm gây ra nợ công Việt Nam ở mức cao được cho là mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển dựa quá nhiều vào tăng vốn đầu tư. Theo GS.Nam, một nguyên nhân này là chưa đủ và cần xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả và hiện đang lại là con nợ lớn nhất. Do đó, điểm tiếp theo được ông Nam đề xuất xem xét là chức năng nhà nước trong nền kinh tế nhìn từ quá trình phát triển và diễn biến nợ công ở các nước.
Dù cách nhau hơn nửa vòng trái đất và rất khác biệt về các yếu tố kinh tế, chính trị, gốc rễ của vấn đề nợ công ở các nước châu Âu vẫn có những điểm tương đồng đáng ngại với Việt Nam.
Giới nghiên cứu gọi 5 nước rơi vào khủng hoảng nợ công là PIIGS, viết tắt theo tên của các nước là Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Trong tiếng Anh, cách phát âm từ này gần giống với từ pigs, có nghĩa là những con lợn nên từ này cũng được hiểu là có hàm ý không mấy tốt đẹp.
Nghiên cứu Việt Nam từ bên ngoài đất nước, TS.Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer (Ba Lan) cho rằng để tìm được nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, câu hỏi đặt ra đối với cuộc khủng hoảng này là tại sao nợ công lại xảy ra vào năm 2010 và lại diễn ra ở 5 nước trên ? Câu hỏi thứ hai là liệu ngoài khủng hoảng này, trong tương lai có những khủng hoảng khu vực nào và ở nước nào? Liệu cuối cùng, lỗi có thuộc Nhà nước hay không?
Theo ông Hậu, vấn đề đầu tiên của các nước châu Âu và Mỹ là thể chế. Chẳng hạn, xóa bỏ tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại là một cái sai. Điểm không chính đáng thứ hai là việc áp dụng thuế VAT. Nhiều người đã lợi dụng thuế VAT để trốn thuế và làm giàu.
Điều này diễn ra phổ biến ở Hy Lạp và Cyprus. Tại Việt Nam, quy mô sử dụng thuế VAT lớn nên “quy mô doanh nghiệp sử dụng thuế VAT để làm đủ thứ chắc cũng lớn. Con người ta phản ứng chính sách rất giống nhau”, ông Hậu nói. Trong khi đó, Mỹ không có loại thuế này.
Cũng liên quan đến thuế, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng trầm trọng, chính sách thu thuế của chính phủ mới được xem xét lại. Ảnh từ vệ tinh phát hiện tỷ lệ gia đình Hy Lạp có bể bơi rất nhiều nhưng con số khai nộp thuế rất ít. “Nghĩa là, trốn thuế cả! Đấy là khuyết tật thể chế dẫn đến thâm thủng ngân sách”, ông Hậu phân tích.
Trên thị trường tài chính, những khiếm khuyết các nước PIIGS có thì Việt Nam cũng có. Chẳng hạn, mô hình dẫn lưu dòng vốn cho nền kinh tế của Mỹ là dựa vào thị trường chứng khoán và những nguồn vốn có tính chất khác. Nhưng mô hình này của Việt Nam lại dựa hoàn toàn vào ngân hàng. Từ đó, ngân hàng được mở rộng mạnh mẽ.
“Cho ngân hàng làm việc như một nền kinh tế con có đẩy đủ các chức năng từ cửa hàng bán lẻ đến cho vay và đầu tư, ngân hàng như một thực thể kinh tế đầy đủ. Đây là điều tối kỵ trong quản lý kinh tế”, ông Hậu nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được chuyên gia này phân tích là mối liên kết giữa nền kinh tế ảo và kinh tế thực. Việc sử dụng các công cụ tài chính để thúc đẩy kinh tế thực, nhưng kinh tế ảo đã đi quá xa nên dẫn tới khủng hoảng. Vấn đề này thể hiện ở Việt Nam từ năm 2007, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, sau đó bất động sản phát triển mạnh, tất yếu bao gồm giá trị ảo.
“Nếu soi cả ba nhân tố nền tảng là thể chế kinh tế, vai trò nhà nước trong nền kinh tế và mối liên hệ giữa kinh tế ảo với kinh tế thực thì Việt Nam có cả ba”, ông Hậu kết luận.