09:19 23/10/2017

Nỗ lực mở cửa xuất khẩu thịt lợn

Chu Khôi

An toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm là những rào cản kỹ thuật khiến thịt lợn chưa được xuất khẩu chính ngạch.

 Cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới nhờ đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước.
Cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới nhờ đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước.

Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được thịt lợn chính ngạch vì chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật của mọi nước trên thế giới về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm... Nhưng các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đang nỗ lực để mở cửa thị trường nước ngoài.

Tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam" tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước từ nhiều năm nay vẫn chưa có sự đột phá nào, mới chủ yếu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Nay cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới, vì chúng ta đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước.

Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự tính năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con...

Trong khi, xuất khẩu chính ngạch lợn hơi lại gần như không có. Về xuất khẩu lợn thịt xẻ đông lạnh chính ngạch, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kông và Malaysia khoảng 15-20 ngàn tấn (tương đương 200.000 con), trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016. Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm hợp tác xã chăn nuôi Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho hay: trong cơn khủng hoảng lợn vừa qua, quy mô hợp tác xã không thể giảm mà còn phải tăng do cõng thêm phần các trang trại chăn nuôi nhỏ không còn khả năng sản xuất, bao nhiêu lợn thịt, lợn nái "dồn" trả lại hợp tác xã.

Hiện quy mô hợp tác xã đã lên tới 3.000 lợn nái trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 2.000 con, quy mô lợn thịt cũng tăng từ 16.000 con lên 22.000 con. Trong khó khăn, hợp tác xã phải tự vận động, tìm đường xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

Tại diễn đàn, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm xuất khẩu. De Heus chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản với các thương hiệu nổi tiếng như De Heus, Windmill, Koudijs. Tại Việt Nam, De Heus hiện có 7 nhà máy và hệ thống các kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước.

Ông Gabor Fluit cũng nêu lên những thách thức trong xuất khẩu thịt lợn củaViệt Nam và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế.

Ông Lee Jong Beom, Giám đốc điều hành Tập đoàn Daewon Machinery Hàn Quốc cho biết, hiện Hàn Quốc đang nhập khẩu thịt lợn từ 10 quốc gia như: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha... với giá trị nhập khẩu lên tới 5,8 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam nên xúc tiến đưa thịt lợn vào Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn, vấn đề an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng. Bà Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho hay, Hà Lan phải tuân thủ theo EU. Ủy ban châu Âu (EC) là đối tác đàm phán duy nhất cho các nước EU với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU.

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay có không ít thị trường đang bày tỏ nhu cầu cần nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe. Ví dụ đối với thị trường Hàn Quốc và Philipppines yêu cầu sản phẩm thịt lợn nhập khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận.