06:00 10/06/2013

Nới room cho khối ngoại, chứng khoán sẽ mạnh hơn?

Hoàng Lộc

Nhiều chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong trung và dài hạn

Theo luật định, doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 
tháng, nhưng trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để.
Theo luật định, doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 tháng, nhưng trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để.
Phiên giao dịch ngày 7/6, VN-Index tiếp tục tăng điểm, lên mức 527,97 điểm, ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp kể từ 15/04. Thanh khoản tiếp tục ở mức khá cao, gần 1.800 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong trung và dài hạn do đón nhận nhiều thông tin tích cực, trong đó, dự kiến sẽ tăng cung số lượng lớn cổ phiếu cho khối ngoại trong tháng 7/2013.

Ngày 7/6/2013, phát biểu tại một cuộc hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, số lượng các tập đoàn cũng như các quỹ lớn của nước ngoài đang đợi mua tài sản của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) rất lớn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn phương án xin thành lập tập đoàn tài chính để có thể được tham gia vào việc mua bán nợ xấu của VAMC.

Theo ông Nghĩa, "hiện nay nhóm chuyên gia của đề án VAMC đang trình Chính phủ sửa đổi điều lệ để nhà đầu tư ngoại có thể tham gia vào mua bán nợ tại Việt Nam".

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013, tổ chức ngày 3/6/2013, đề nghị tăng cung hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán tiếp tục được nhiều đại biểu nước ngoài đưa ra.

Nới room cho khối ngoại, chứng khoán sẽ mạnh hơn? 1Hiện dự thảo quyết định mới của Thủ tướng nhằm thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoàn tất lần cuối.

Sự “nóng ruột” của các nhà đầu tư nước ngoài về thiếu hàng hóa quy mô lớn và chất lượng trên thị trường chứng khoán có thể hiểu được khi đã bốn năm trôi qua, hai “đại gia” di động là MobiFone và Vinaphone vẫn chưa thể thực hiện cổ phần hóa, BIDV và hai hãng bia Sabeco, Habeco vẫn chưa lên sàn.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cổ phần hóa trong năm 2013 nhưng đã gần hết nửa năm vẫn chưa thấy phương án cổ phần hóa được đưa ra.

Chính vì sự chậm trễ đưa hàng hóa chất lượng ra thị trường để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước mà nhóm công tác về thị trường vốn tại VBF kiến nghị: Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.

Theo luật định, doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 tháng, nhưng trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để. Do vậy, nhóm thị trường vốn đề xuất Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán cần bắt buộc các doanh nghiệp phải niêm yết trong vòng một tháng sau khi cổ phần hóa.

Nếu Chính phủ quyết liệt buộc các tập đoàn, tổng công ty lớn, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa và lên sàn ngay trong năm 2013 thì thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ lượng cung cổ phiếu, quy mô thị trường sẽ tăng mạnh và chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao hơn trước.

Nỗi lo “bội thực” cổ phiếu cũng sẽ không xảy ra bởi vì hiện nay nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi có nhiều hàng hóa chất lượng được tung ra thị trường.  
    
Kiến nghị tăng cung hàng hóa lớn thứ hai cho khối ngoại theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.

Trước mắt, cần cho phép doanh nghiệp được phát hành thêm cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến tối đa là 10% vốn điều lệ) thông qua một công ty do sở giao dịch chứng khoán sở hữu 100% vốn, nhằm cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm..) trong các công ty nội địa, nhưng giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty.

Hiện dự thảo quyết định mới của Thủ tướng nhằm thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoàn tất lần cuối, trong đó mới nhất là quy định: tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng, ngoại trừ pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi quy định này có hiệu lực, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép sở hữu trên 49% vốn tại một số chuyên ngành cụ thể.

Riêng đối với công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, dự thảo lần cuối có một điểm mới là nếu tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49% cho đến dưới 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của bên Việt Nam tại tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Nới room cho khối ngoại, chứng khoán sẽ mạnh hơn? 2Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang buộc phải tái cấu trúc và giải quyết nợ xấu thì cơ hội khối ngoại đầu tư thêm vốn vào ngân hàng thương mại Việt Nam là rất lớn, nếu Chính phủ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Kiến nghị tăng cung lớn thứ ba rất nhạy cảm và có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau giữa các chuyên gia tài chính, ngân hàng và các quan chức. Đó là nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

Mặc dù vấn đề này không mới nhưng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang buộc phải tái cấu trúc và giải quyết nợ xấu thì cơ hội khối ngoại đầu tư thêm vốn vào ngân hàng thương mại Việt Nam là rất lớn, nếu Chính phủ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều tín hiệu cho thấy, Chính phủ đang xem xét cho phép nới mức trần tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại Việt Nam cho mỗi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên trên 20% và tổng hạn mức dành cho khối ngoại lên 49%, áp dụng với một số ngân hàng.

Nếu điều này trở thành hiện thực thì sẽ tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam bởi những yếu tố sau: Khi một số ngân hàng thương mại cổ phần được phép mở rộng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lên 49% sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu.

Quá trình tái cấu trúc thành công sẽ tạo ra những ngân hàng thương mại trong nước có quy mô vốn lớn, quản trị rủi ro hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực, trong khi vốn trong nước tại các ngân hàng này vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ áp đảo, ngân hàng nước ngoài rất khó có khả năng thôn tính mặc dù tỷ lệ sở hữu lên tới 49%.