12:56 20/06/2022

Nông dân thôn Muối làm giàu từ trồng vải GlobalGAP

Chu Khôi

Thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Sán Dìu chiếm 98%, nhưng đã trở thành một thôn giàu có nhờ trồng cây vải thiều. Hiện 100% hộ dân trong thôn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên đạt doanh thu 300 triệu đồng, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha…

Ông Thăng Văn Báo và vườn vải thiều Global Gap.
Ông Thăng Văn Báo và vườn vải thiều Global Gap.

Xã Giáp Sơn là một trong những vựa vải của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) với gần 1.000 ha. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm vải thiều của địa phương đang rộng đường xuất khẩu. Thời điểm này, các gia đình ở thôn Muối, xã Giáp Sơn đang tập trung thu hoạch vải chính vụ.

VẢI GLOBAL GAP ĐƯỢC GIÁ

Vườn vải rộng 2 ha của vợ chồng ông Chu Xuân Ba – bà Trương Thị Kém, dân tộc Sán Dìu ở thôn Muối đã tập trung người hái vải từ nửa đêm để kịp giao hàng cho thương nhân thu mua. Ông Ba cho biết giá thuê nhân công 300 nghìn đồng/ người một ngày, còn phải nấu cơm cho họ ăn ba bữa. Thu hoạch trái vải phải hái từ lúc 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng thì thôi không bẻ nữa, cho người làm nghỉ từ đó đến chiều thì giao cho họ chăm sóc vườn.

Ngắm nhìn căn nhà to đẹp của gia đình ông Ba, chúng tôi vui lây khi còn được ngắm nhìn vườn vải thiều trĩu quả. Ở vườn vải trước nhà, mỗi cây có các nhánh quả to nhỏ khác nhau.

Bà Trương Thị Kém giải thích: “Cây này tôi ghép 3 giống khác nhau là Thanh Hà, U hồng và vải thiều Lục Ngạn. Nhờ ghép như vậy, gia đình tôi thu hoạch rải vụ từ tháng 5 đến hết tháng 7”.

 

“Gia đình tôi sản xuất theo quy trình GlobalGap, nên không lo lắng về đầu ra. Vải chưa có mã số vùng trồng thì hiện tại bán được với giá 25 nghìn đồng/kg. Nhưng vải của tôi đang được thu mua với giá  30-35 nghìn đồng/kg. So sánh truyền thống thì Global GAP hơn hẳn về chất lượng quả vải, giá bán tăng gấp rưỡi so với bên ngoài”.

Ông Thăng Văn Báo, nông dân ở thôn Muối, xã Giáp sơn, huyện Lục Ngạn.

Theo ông Chu Văn Ba, năm đạt lãi cao nhất là năm 2019, tiền bán trái vải được 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng với 2 ha. Năm ngoái, mùa vải vào đúng lúc Lục Ngạn là tâm dịch Covid, lúc đầu tiêu thụ khó khăn, nhưng cũng bán trót lọt, được 500 triệu đồng, lãi 350 triệu đồng.

“Năm ngoái và năm nay giá phân bón tăng cao, mà không bón thì không được. Trồng vải trên đồi, tưới nước khó khăn, nên giá thành sản xuất năm nay cao hơn các năm trước nhiều. Năm nay do thời tiết, vải chín chậm 1 tháng so với năm ngoái. Mọi năm vải sớm bán từ 20 tháng tư âm lịch, năm nay sang tháng 5 âm lịch thì mới có vải sớm bán. Kéo lại, năm nay giá bán cao gấp rưỡi so với năm ngoái, nên nhà tôi vẫn hy vọng 2 ha vải đem về 600 triệu đồng, cho lợi nhuận 400 triệu đồng”, ông Ba dự tính.

Ông Thăng Văn Báo, thôn Muối, xã Giáp sơn có 6 ha trồng cây ăn quả, đang cùng nhiều hộ khác trong thôn được UBND huyện Lục Ngạn, cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh lựa chọn để sản xuất quả vải thiều sạch theo quy trình GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản.

Lấy từ trong ngăn tủ ra cuốn sổ nhật ký sản xuất, anh Báo chia sẻ, “Trồng vải theo quy trình GlobalGAP khá tỉ mỉ. Ngoài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục cho phép, phun thuốc, bón phân đúng thời điểm… người trồng vải phải thường xuyên dọn vườn sạch sẽ, không cho người lạ và súc vật vào vườn để phòng các loại dịch bệnh khác”.

CHI PHÍ THẤP, DOANH THU CAO

Theo ông Báo, nếu như trước đây, thời gian tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn chỉ kéo dài trong một tháng, nhưng vài năm trở lại đây, thu hoạch vải thiều đã được rải vụ ra 2 tháng.

Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc đưa nhiều giống vải mới vào trồng nhằm tránh áp lực tiêu thụ cao quá mức trong thời gian ngắn. Lục Ngạn có giống vải U Hồng chín sớm, bắt đầu cho thu hoạch từ 20/5. Từ 15/6-25/6 là thời điểm thu hoạch giống vải Thanh Hà và vải thiều chính vụ thu hoạch bắt đầu từ 25/6 - 30/7.

“Rải vụ thu hoạch đã cách để giải bài toán được mùa mất giá, góp phần ổn định và gia tăng giá trị sản xuất cho người dân. Vì vậy, mặc dù sản lượng vải thiều rất lớn nhưng giá cả vẫn khá cao đã giúp người nông dân duy trì hiệu quả kinh tế”, ông Báo khẳng định.

Người Sán Dìu ở thôn Muối làm giàu từ cây vải thiều.
Người Sán Dìu ở thôn Muối làm giàu từ cây vải thiều.

Năm nay, Giáp Sơn được cấp 4 mã vùng trồng vải xuất sang Nhật Bản với tổng số 42 hộ tham gia với tổng diện tích 20ha. Ông Trần Văn Cóong, trưởng nhóm hộ ở thôn Muối cho biết, bà con rất trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh vườn sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn của GlobalGAP.

“Đối với bà con tham gia mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình GlobalGAP, đây là cơ hội để học tập quy trình sản xuất sạch, nâng chất lượng quả vải”, ông Cóong nói.

Ông Trương Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Muối, xã Giáp Sơn cho hay, bình quân mỗi hộ có hơn 1 ha vải thiều. Do 100% hộ dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên giá bán rất cao, tới 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 10.000 đồng/kg.

 

"Hiện nay thôn Muối có 398 hộ với 1.790 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Sán Dìu chiếm 98%.  Đến nay, bình quân thu nhập của người dân thôn Muối đạt 56 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 1,5% (6 hộ nghèo trong tổng số 398 hộ)".

Ông Trương Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

“Doanh thu trên một ha vải thiều đạt tới 300 triệu đồng, trong khi chi phí phân bón chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Theo tính toán, chi phí phân bón chiếm khoảng 10%, tối đa không quá 15% nên tuy giá vật tư phân bón tăng cao, nhưng năm nay, nông dân trồng vải vẫn có lãi lớn”, ông Bình nói.

Tại thôn Muối, những ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà 2-3 tầng khang trang, sạch sẽ. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.

Trước đây, giao thông của thôn còn khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, bà con đi lại, giao thương không được thuận tiện, hàng hóa sản xuất được cũng vì thế mà bị ép giá.

Người dân thôn Muối đã tự nguyện hiến 31.611m2 đất, hàng chục hộ tự phá dỡ vành lao, cổng với chiều dài gần 2.000 m. Bà con cũng góp đối ứng 5,5 tỷ đồng để cứng hóa 18,5km đường giao thôn (bình quân 13,8 triệu đồng/hộ, 3,2 triệu đồng/khẩu).

Bà con cũng góp số tiền đối ứng 324 triệu đồng để làm đoạn đường từ cổng làng đến Quốc lộ 31 với chiều dài trên 1,1km, rộng 5m. Đến nay, thôn Muối có tổng chiều dài hơn 30km đường giao thông nông thôn, nội đồng, ngõ xóm và đường lên các khu vực trồng cây ăn quả. 

Thôn Muối là thôn đầu tiên được công nhận Nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Lục Ngạn. “Thôn Muối có hơn 300ha trồng cây ăn quả, vì thế hệ thống giao thông còn tạo điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn quy hoạch thành vùng trồng vải thiều hữu cơ trọng điểm xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới và phát triển du lịch cộng đồng”, ông Trương Văn Bình khẳng định.