18:10 17/06/2022

Nâng tầm thương hiệu để vải thiều Việt Nam "phủ sóng" toàn cầu

Hoàng Việt

Với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" và khai trương Triển lãm số cùng chủ đề.

Diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" được Hải Dương, Bắc Giang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức
Diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" được Hải Dương, Bắc Giang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức

Tại sự kiện lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia đã đưa ra bức tranh rõ nét về định hướng phát triển vùng trồng vải thiều cũng như tìm giải pháp mở đường cho quả vải Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, chia sẻ, Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuận lợi giao thương phát triển kinh tế. Tỉnh có 60% diện tích đất nông nghiệp, 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai màu mới... cùng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn.

Hàng năm, tỉnh sản xuất 2 triệu tấn nông sản, trong đó, nổi bật là sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon, nổi tiếng. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho "Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)" cho cây vải tổ Thúy Lâm tại đây. Vải Thanh Hà cũng đạt top 10 nhãn hiệu nổi tiếng, được bình chọn là tinh hoa đặc sản 3 miền.

Toàn tỉnh hiện có trên 9 nghìn hecta trồng vải, thu hoạch 60 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó có 50% sản lượng vải thiều được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản...

100% vải xuất khẩu đều đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. từ tỉnh, huyện, xã, các cơ quan chuyên môn giám sát ngay từ khi chăm sóc, ra hoa, chăm bón, đến khi thu hoạch, đóng thùng xuất khẩu, đảm bảo cam kết với các thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Quân, nhiều khó khăn tồn đọng như vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi đến thị trường cao cấp chưa được nhiều.

"Tỉnh mong muốn các đoàn ngoại giao, cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước, đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối đối tác, nhà đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, bến bãi, cơ sở vật chất... cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Quân chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AMEII Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp này triển khai nhiều giải pháp, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính tươi ngon của sản phẩm, và đến tay khách hàng nhanh nhất.

Theo đó, các chương trình liên kết với bà con nông dân được thực hiện chặt chẽ. Công ty tổ chức chuỗi liên kết, hình thành hợp tác xã, đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc, sản phẩm tươi ngon và chất lượng tốt nhất, phù hợp với các thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đảm bảo thời gian thu hoạch, vận chuyển về nhà máy nhanh nhất để đảm bảo độ tươi của vải, thường thu hoạch vào sáng sớm, ngay sau khi thu hoạch sẽ đưa vào đóng gói, chế biến để giữ nguyên độ tươi ngon.

Với công nghệ sơ chế, chế biến, yếu tố quan trọng nhất là phù hợp với từng thị trường riêng như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Mỗi thị trường sẽ có một lộ trình được điều chỉnh phù hợp khi đưa sản phẩm tới khách hàng.